|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cập nhật KQKD quý I: Thêm nhiều doanh nghiệp lãi ròng nghìn tỷ

20:30 | 02/05/2024
Chia sẻ
Do mùa báo cáo tài chính trùng với mùa họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 và kỳ nghỉ lễ 5 ngày nên nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính chậm hơn so với các quý khác. Tính tới hiện tại, có khoảng 27 doanh nghiệp báo lãi ròng trên nghìn tỷ quý đầu năm.

Dữ liệu từ Wichart cho thấy tính tới tối 2/5 có trên 820 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý I/2024.

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi đột biến so với cùng kỳ như: Thế Giới Di Động (Mã: MWG), Vingroup (Mã: VIC), Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), Gemadept (Mã: GMD), Vinaconex (Mã: VCG), Nông nghiệp BAF (Mã: BAF), Ngân hàng LienVietPostBank (Mã: LPB), Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), Chứng khoán HSC (Mã: HCM), Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI), Chứng khoán VIX (Mã: VIX), Chứng khoán SHS (Mã: SHS), Chứng khoán MBS (Mã: MBS), Chứng khoán VietinBank (Mã: CTS), Chứng khoán DSC (Mã: DSC), Chứng khoán Bảo Việt (Mã: BVS), Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC), Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND),...

Môi trường lãi suất neo ở mức thấp và thị trường chứng khoán có những diễn biến tích cực giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh là yếu tố giúp nhóm chứng khoán lãi lớn quý đầu năm. 

Vietnam Airlines bất ngờ lọt top doanh nghiệp lãi nghìn tỷ quý I sau nhiều quý thua lỗ nhờ khoản thu nhập khác từ xoá nợ. Lãi ròng của hãng hàng không đạt 4.334 tỷ, trong khi quý I năm ngoái lỗ gần 104 tỷ.

MWG đã có sự chuyển mình về kết quả kinh doanh khi ngắt mạch 5 quý tăng trưởng âm về lợi nhuận khi báo lãi sau thuế gần 903 tỷ đồng, gấp 42,5 lần quý I/2023. Doanh nghiệp cho biết sự cải thiện cả về doanh thu và lợi nhuận của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, việc tăng doanh số chuỗi Bách Hoá Xanh cùng với việc tái cấu trúc đã giúp MWG quay trở lại quỹ đạo .

Vingroup lãi ròng 7.934 tỷ quý I, tăng 644% cùng kỳ nhờ sự tích cực từ các lĩnh vực cho thuê bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục.  Một doanh nghiệp họ Vin là Vincom Retail (Mã: VRE) có quý thứ 5 liên tiếp báo lãi trên nghìn tỷ một quý với con số lãi ròng là 1.083 tỷ, tăng 6% so với cùng kỳ.

Hoà Phát công bố mức lãi ròng 2.871 tỷ, gấp 7,2 lần cùng kỳ 2023 trong bối cảnh ngành thép phục hồi. Còn Vinaconex lãi ròng 463 tỷ quý I nhờ tăng mạnh nguồn thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản. 

CTCP FPT (Mã: FPT) tiếp tục mức đỉnh lợi nhuận quý, ghi nhuận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 20% trong quý đầu năm lên 1.798 tỷ đồng. 

 

     Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ dữ liệu của Wichart.

Trái lại, một số doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận ròng hai chữ số trong quý I như: Masan (Mã: MSN), REE (Mã: REE), Vinhomes (Mã: VHM), Eximbank (Mã: EIB), MBBank (Mã: MBB), PG Bank (Mã: PGB), PV Power (Mã: POW), Khang Điền (Mã: KDH), Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC), Dược Hậu Giang (Mã: DHG), Imexpharm (Mã: IMP), Domesco (Mã: DMC), Traphaco (Mã: TRA), Mộc Châu Milk (Mã: MCM), Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH), Cao su Phước Hoà (Mã: PHR),...

Quý đầu năm, REE ghi nhận 480 tỷ lợi nhuận ròng, sụt 36% so với cùng kỳ năm ngoái do lợi nhuận mảng điện giảm sâu, ảnh hưởng chính từ các đơn vị thành viên cũng như công ty liên kết ở nhóm thuỷ điện gồm: Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, Thuỷ điện Thác Bà, Thuỷ điện Thác Mơ, Thuỷ điện Miền Trung,...

Còn Tập đoàn Masan ghi nhận lợi nhuận sau thuế 479 tỷ, tăng gần 10% so với cùng kỳ song lại báo lãi ròng giảm hơn nửa so với quý I/2023 còn hơn trăm tỷ.

Vinhomes báo lãi ròng giảm tới 93% so với cùng kỳ còn 885 tỷ do hụt thu lớn từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Doanh nghiệp đứng đầu ngành là Dược Hậu Giang giải trình việc lợi nhuận giảm 38% quý I do giá thành sản xuất tăng vì công ty chủ động điều tiết sản lượng để đưa dự trữ tồn kho về mức thấp. Bên cạnh đó, nhà máy Betalactam mới chuẩn bị đi vào hoạt động làm tăng các chi phí ghi nhận ngay. Ngoài ra, lãi suất xuống thấp cũng làm hụt thu tài chính và tỷ trọng doanh thu khác có biên lợi nhuận thấp gia tăng cũng kéo lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.

Tương tự, Imexpharm cho biết giá đầu vào leo thang cộng với việc nhà máy IMP4 đi vào hoạt động quý III/2023 khiến chi phí khấu hao và vận hành tăng là yếu tố chính khiến lãi ròng giảm 20% so với cùng kỳ.

Lộ diện các khoản lỗ lớn quý I

Tính tới tối 2/5 có trên 160 doanh nghiệp báo lỗ quý đầu năm, theo dữ liệu của Wichart. Doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lớn nhất tính tới thời điểm này là CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) với mức lỗ ròng 718 tỷ.

Phía MSR giải trình kết quả thua lỗ do khả năng sinh lời trong kỳ bị ảnh hưởng bởi EBITDA thấp hơn do gián đoạn dịch vụ nổ mìn và nhu cầu từ thị trường thấp. 

Nhu cầu và giá bán của các sản phẩm vonfram của công ty giảm nên doanh thu trong quý I của MSR giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Công ty vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự gián đoạn dịch vụ nổ mìn tại mỏ Núi Pháo từ tháng 4/2023. Do vậy, khối lượng quặng nguyên khai khai thác bị giảm đáng kể, dẫn tới chi phí vận hành tăng cao và khả năng sinh lời của công ty giảm rõ rệt trong năm tài chính 2023 cũng như quý I/2024.

Bên cạnh đó, hai đại diện trong ngành điện ghi nhận lỗ lớn quý I là Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3 - Mã: PGV) lỗ ròng 655 tỷ và CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) lỗ ròng 158 tỷ.

EVNGenco3 cho biết việc lỗ lớn quý đầu năm do giá bán điện bình quân thấp hơn và sản lượng điện bán thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Thêm vào đó, tổng công ty cũng ghi nhận khoản lỗ lớn từ chênh lệch tỷ giá trong khi cùng kỳ có lãi, đẩy chi phí tài chính leo thang ăn mòn lợi nhuận.

Còn NT2 giải trình việc thua lỗ là do quý I/2024, sản lượng điện chỉ đạt 151,5 triệu kWh, trong khi sản lượng điện cùng kỳ năm 2023 đạt hơn 1 tỷ kWh khiến doanh thu sản xuất điện giảm 88% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn nên NT2 lỗ đậm quý đầu năm và cũng là quý lỗ kỷ lục của NT2.

Trong nhóm lỗ lớn có tới 3 doanh nghiệp ở nhóm bất động sản gồm: Novaland (Mã: NVL) lỗ ròng 567 tỷ, DIC Corp (Mã: DIG) lỗ ròng 117 tỷ, Đầu tư LDG (Mã: LDG) lỗ ròng 125 tỷ và Nam Long (Mã: NLG) lỗ ròng 77 tỷ. 

Có thể nói đây là một quý buồn của nhóm bất động sản dân cư khi nhiều đơn vị trong ngành báo lỗ bên cạnh ông lớn Vinhomes cũng ghi nhận lợi nhuận sụt 93% so với cùng kỳ hay Khang Điền giảm 63% lợi nhuận ròng quý đầu năm.

Nói về khoản lỗ quý đầu tiên trong vòng 10 năm qua, Nam Long cho biết việc do giảm doanh thu bán căn hộ và giảm phần lãi nhận được từ công ty liên doanh Mizuki so với cùng kỳ 2023. Còn Novaland giải trình việc thua lỗ lớn quý đầu năm do hụt nguồn thu tài chính, cụ thể là lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư. 

DIC Corp lỗ lớn quý I do kinh doanh dưới giá vốn khi ghi nhận hàng bán bị trả lại với giá trị 186 tỷ đồng, dẫn đến lỗ gộp gần 51 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 117 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 79 tỷ đồng).

    Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ dữ liệu của Wichart.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác báo lỗ lớn quý đầu năm như: Masan MEATLife (Mã: MML), HAGL Agrico (Mã: HNG), Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã: BTS), CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Mã: NOS), CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã: FTM), Chứng khoán SBS (Mã: SBS), Thuỷ sản Cavodimex (Mã: CAD), Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1), Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: PSH),...

Hoàng Kiều

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.