|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

16 doanh nghiệp phi tài chính trên sàn nắm hơn 330.000 tỷ tiền mặt, PV GAS quán quân toàn thị trường

13:30 | 09/05/2023
Chia sẻ
PV GAS đã soán ngôi Hoà Phát để trở thành doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt cao nhất trên sàn chứng khoán tại ngày 31/3. Đây cũng là lượng tiền cao kỷ lục mà PV GAS sở hữu theo công bố báo cáo tài chính.

Theo thống kê, tính tới ngày 31/3, có 16 doanh nghiệp phi tài chính có tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt trên 10.000 tỷ đồng. Tổng lượng tiền của 16 doanh nghiệp phi tài chính này đạt hơn 332.000 tỷ đồng.

 Bảng xếp hạng 16 doanh nghiệp phi tài chính sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán. (Nguồn: Tổng hợp từ FiinPro và báo cáo tài chính doanh nghiệp (Đvt: tỷ đồng)).

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS)  đã soán ngôi Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) để trở thành doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán tính tới cuối quý I.

Lượng tiền mặt của PV GAS đã tăng trưởng 8% so với đầu năm lên mức cao kỷ lục kể từ khi hoạt động và chiếm 44% tổng tài sản của tổng công ty. Với lượng tiền gửi ngân hàng lớn đã đem về cho PV GAS khoản tiền lãi 480 tỷ đồng ba tháng đầu năm, đóng góp lớn vào lợi nhuận của doanh nghiệp. 

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính của PV GAS.

Có 10 trên 16 doanh nghiệp ghi nhận khoản tiền mặt cuối quý I tăng trưởng so với cuối năm 2022, trong đó Thế Giới Di Động (Mã: MWG)  ghi nhận sự tăng trưởng cao nhất là 31%, đạt mốc kỷ lục 19.859 tỷ và xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng.

Tiền mặt của MWG đạt mốc cao kỷ lục trong bối cảnh lãi suất vẫn neo cao và công ty siết chặt quản lý chi phí. Với khoản tiền gửi ngân hàng dồi dào đã đem về cho MWG gần 314 tỷ đồng lãi tiền gửi ba tháng đầu năm, đóng góp lớn vào lợi nhuận của MWG. Thậm chí nhờ khoản lãi tiền gửi này đã giúp công ty thoát lỗ và ghi nhận 21 tỷ đồng lãi ròng trong quý I khi sức cầu yếu đã tác động tiêu cực với hoạt động kinh doanh các chuỗi của công ty.

8 doanh nghiệp có sự suy giảm lượng tiền sau một quý gồm: Vingroup (Mã: VIC), ACV, Sabeco (Mã: SAB), Vinamilk (Mã: VNM), FPT, Petrolimex (Mã: PLX), PV OIL (Mã: OIL), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR). Vingroup là doanh nghiệp có sự sụt giảm lượng tiền mặt mạnh nhất. Cuối quý I, tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi của Vingroup đã giảm 28% so với cuối năm ngoái xuống còn 22.048 tỷ đồng.

Trong 16 doanh nghiệp thống kê ở trên, loạt đơn vị ghi nhận lượng tiền chiếm quá nửa tài sản của công ty như ACV, Sabeco, VEAM. Trong đó, khoản tiền nắm giữ của Sabeco chiếm tới 65% tài sản, song lượng tiền này đã suy giảm 13% sau một quý còn 20.362 tỷ đồng tại ngày 31/3.

Dù sở hữu lượng tiền mặt dồi dào nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh vay nợ khi áp dụng nghiệp vụ gửi tiền lãi suất cao và vay nợ lãi suất thấp nhằm tối ưu chi phí. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất leo thang thì nghiệp vụ này không còn đem lại hiệu quả như giai đoạn trước.

Chênh lệch lãi tiền gửi và lãi vay của MWG chỉ đạt dương 18 tỷ quý I. Song con số này đã cải thiện hơn so với vài quý trước khi MWG thậm chí từng lỗ hàng trăm tỷ từ hoạt động này. Hay chênh lệch giữa lãi tiền gửi và chi phí lãi vay của Petrolimex ghi nhận âm 6 tỷ trong ba tháng đầu năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính doanh nghiệp.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính doanh nghiệp(Đvt: tỷ đồng).

Hoàng Kiều