|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ sắp qua giai đoạn khủng hoảng, doanh nghiệp lên dây cót, sẵn sàng 'chạy'

20:09 | 21/06/2023
Chia sẻ
Động thái mới từ thị trường gỗ là tín hiệu cho thấy những ngày u tối với ngành gỗ có thể sắp qua.

Xuất khẩu gỗ, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của hàng hóa Việt Nam, đóng góp khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu, đã ghi nhận giảm tới 31% về giá trị so với cùng kỳ, chỉ còn 3,9 tỷ USD. Đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ khi ngành gỗ tham gia vào thương mại quốc tế, khó khăn thời điểm này còn khó khăn hơn giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Alex Chu) 

Với con số này, ngành gỗ mới hoàn thành được khoảng 22% mục tiêu xuất khẩu cả năm 2023 (17,5 tỷ USD). Chặng đường về đích của ngành gỗ trong những tháng cuối năm sẽ cần sự nỗ lực rất lớn. Trong số các thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam, Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng khi chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành.

Dù trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ sang thị trường này mức giảm tới 40%, chỉ còn hơn 2 tỷ USD do nhu cầu giảm và tồn kho cao, tuy nhiên ngành gỗ và các doanh nghiệp đều xác định rằng đây là thị trường quan trọng và phải bám trụ.  

Những tín hiệu tích cực mới

Các doanh nghiệp gỗ Việt đã trải qua 4 tháng đầu năm 2023 đầy khó khăn khi lạm phát ở những thị trường lớn như Mỹ, EU gia tăng, người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”, không sẵn sàng mở hầu bao với những sản phẩm không thiết yếu. Số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp gỗ giảm 20-30%, thậm chí có nơi giảm tới 50% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thị trường đang xuất hiện những tín hiệu mới dự báo cho một chu kỳ mới sắp bắt đầu. “Một số tay to trong ngành gỗ đã bắt đầu thu gom nguyên liệu chờ thời cơ”, một nguồn tin của chúng tôi cho hay.

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông mới đây, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch CTCP Chế biến gỗ Đức Thành, cho biết sau khủng hoảng, các doanh nghiệp rất "khát" hàng hóa vì trong lúc khi khó khăn, họ không dám mua. Điều này có nghĩa khi khủng hoảng qua đi, doanh nghiệp nào sẵn sàng sẽ là người chiến thắng.

Bà Lê Hải Liễu thông tin thời điểm này, gỗ Đức Thành không chịu áp lực về nợ, lãi vay cao như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành. Do đó, công ty có nguồn tài chính để dự trữ nguyên liệu, duy trì đội ngũ nhân công và hoạt động hệ thống nhà máy để khi đơn hàng mới đổ về, doanh nghiệp có thể đáp ứng ngay.

“Lượng gỗ dự trữ trong kho của Đức Thành hiện rất lớn, chúng tôi đang chia sẻ với các nhà cung cấp trong giai đoạn thấp điểm, đồng thời chuẩn bị nguyên liệu, sẵn sàng cho sự phục hồi. Nếu thị trường khởi sắc, tôi chắc chắn doanh thu và lợi nhuận của gỗ Đức Thành sẽ tăng trưởng”, bà Lê Hải Liễu nói.

Hay tại Gỗ An Cường, một trong những doanh nghiệp có tiếng trong ngành, tình hình đơn hàng đang tích cực hơn. “Cho đến thời điểm này, các nhà máy phục vụ mảng xuất khẩu của gỗ An Cường đang chạy tối đa công suất với lượng đơn hàng đến hết tháng 6”, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Gỗ An Cường, chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng 4.

Ông Nghĩa cho biết hiện đơn hàng xuất khẩu của An Cường khá tốt, doanh nghiệp đang làm việc với một vài đối tác tiềm năng và năm 2023 đang là điểm rơi về doanh thu từ các đối tác này.

“Có một tập đoàn lớn đang mua hàng từ Đức và Italy với giá trị hàng trăm triệu USD nhưng nay họ đang chuyển dần đơn hàng về An Cường vì chất lượng sản phẩm của chúng tôi tương tự mà giá lại rẻ hơn. Đơn vị này cam kết sẽ mang về 10 triệu USD doanh thu cho An Cường trong năm nay và sang năm 2024 là khoảng 20 triệu USD. Hiện, An Cường đã ký được hợp đồng trị giá 5 triệu USD với khách hàng này”, ông Lê Đức Nghĩa cho hay.

Doanh nghiệp 'lấy ngắn nuôi dài', tích trữ hàng hóa chờ phục hồi

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, có doanh nghiệp đang chạy đua với đơn hàng nhưng cũng có doanh nghiệp sản xuất cầm cự. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những tính toán riêng cho mình, doanh nghiệp chọn việc tìm tới các thị trường ngách để làm giảm tác động từ các thị trường chính, có doanh nghiệp lại tận dụng cơ hội tích hàng giá rẻ,…

Tất cả đang cố gắng xây dựng những chiến lược để có thể duy trì sản xuất, đồng thời chuẩn bị với tâm thế của “người làm chủ cuộc chơi” khi thị trường phục hồi.

Ông Lý Vĩnh Hùng, Giám đốc Công ty Chế biến và Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Lyprodan (Bình Dương), cho biết trong giai đoạn thấp điểm hiện tại, doanh nghiệp đang sản xuất, khai thác các đơn hàng từ thị trường ngách để giữ chân lao động nòng cốt với chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”, chờ khi thị trường chính hồi phục sẽ có những tăng trưởng đột phá hơn về doanh thu, lợi nhuận.

Ông Hùng cũng lạc quan rằng kinh tế Bắc Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của Lyprodan, chiếm tới 40-50% tổng sản phẩm gỗ của doanh nghiệp, vẫn khá hơn châu Âu nên đà hồi phục sẽ tốt hơn.

Tương tự, tại CTCP Gỗ An Cường, bên cạnh hai thị trường trọng điểm là Mỹ và Campuchia, doanh nghiệp cũng đa dạng hoá và phát triển thêm các thị trường nhỏ khác như Singapore, Malaysia với mục tiêu tích tiểu thành lớn, nuôi dưỡng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Gỗ An Cường cho biết công ty dự kiến mở văn phòng và kho hàng tại Campuchia bởi nước này đang phát triển nhanh và rất gần với Việt Nam. Còn Mỹ vẫn là thị trường lớn mà công ty có lợi thế từ sự hỗ trợ của đối tác chiến lược lâu năm công ty Sumitomo Forestry.

Sumitomo Forestry AN đang đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào Mỹ và nắm giữ loạt công ty bất động sản và xây dựng tại đây, sự hậu thuẫn này có thể giúp gỗ An Cường chắc chân hơn ở thị trường đầy sự cạnh tranh này.

Mặc dù dự báo thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ban lãnh đạo Gỗ Đức Thành vẫn khá lạc quan với kết quả kinh doanh năm 2023 với mục tiêu tăng trưởng doanh thu 30% so với năm trước đạt 520 tỷ đồng, trong đó gần 81% đến từ xuất khẩu; lợi nhuận sau thuế tăng 20% đạt 83,2 tỷ đồng.

"Nếu tình hình khởi sắc, mức 520 tỷ đồng nằm trong tầm với của gỗ Đức Thành, thậm chí vượt. Còn nếu tình hình xuất khẩu chưa khởi sắc, đây vẫn là con số để cố gắng, chứ chúng tôi không ngồi đó chờ chết", Chủ tịch gỗ Đức Thành chia sẻ. 

Xuất khẩu gỗ có thể cải thiện từ quý III

Khó khăn của ngành gỗ được cho là đang ở đáy của chu kỳ khủng hoảng, tuy nhiên đã nhìn thấy tín hiệu sáng, các doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý III, IV và năm 2024.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Alex Chu) 

Dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm trên thương trường, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, cho biết chu kỳ khủng hoảng của ngành gỗ thường kéo dài 6 tháng đến một năm, dù có lạm phát, xung đột chính trị thì cuộc sống vẫn vận hành, nhu cầu sẽ vẫn còn nhưng ít hơn giai đoạn “thịnh vượng” một chút.

“Đến quý III, xuất khẩu gỗ có thể bình thường trở lại nhưng để đơn hàng nhiều như năm 2022 sẽ rất khó. Ở thời điểm này, chúng tôi đang nỗ lực tham gia các hội chợ trong nước, quốc tế với kỳ vọng mở thêm thị trường, gia tăng đơn hàng, đồng thời nhân cơ hội quảng bá thương hiệu, lùi một bước để tiến nhiều bước”, ông Huỳnh Quang Thanh nói.

Tương tự, ông Lý Vĩnh Hùng của Lyprodan cũng cho rằng nửa đầu năm 2023 có thể là giai đoạn đáy của ngành gỗ, nửa cuối năm sẽ bớt khó khăn hơn và bước sang năm 2024 xuất khẩu gỗ mới cải thiện rõ rệt.

“Thị trường đang ở đáy rồi, 2024 sẽ phục hồi, vấn đề chúng ta cần quan tâm là phục hồi nhanh hay chậm. Đối với hàng ngoại thất, chúng tôi đã bắt đầu nhận đơn cho vụ mới, sản xuất từ tháng 6 để kịp giao từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau. Ngoài ra cũng có nhiều khách hỏi báo giá, mẫu mã, tín hiệu tích cực đã trở lại nhưng không thể mạnh như năm 2022”, ông Lý Vĩnh Hùng chia sẻ.

Chủ tịch gỗ An Cường cũng cho rằng tình hình tháng 4 và đến cuối năm sẽ khởi sắc hơn bởi doanh nghiệp này đã nắm trong tay nhiều hợp đồng lớn, công ty đã lấy lại nhịp độ của năm ngoái và đạt mức tăng trưởng sơ bộ khoảng 10%.

Năm 2023, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 668 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,7% và 8,6% so với kết quả thực hiện năm 2022.

“Công ty đã ký được rất nhiều hợp đồng lớn ở thị trường Mỹ, cũng như đẩy mạnh hoạt động phân phối. Tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp năm nay sẽ tốt hơn, không ảm đạm như năm ngoái, chúng tôi tự tin với kế hoạch đề ra”, ông Lê Đức Nghĩa đánh giá. 

Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2023

Phạm Mơ