|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Về cái bắt tay chưa từng có giữa GSM của ông Phạm Nhật Vượng và Be Group

14:45 | 26/03/2023
Chia sẻ
Taxi truyền thống và taxi công nghệ là hai hoạt động cạnh tranh nhau gay gắt trên thị trường taxi Việt trong giai đoạn vừa qua.

Đầu tháng 3, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, đã đứng ra thành lập công ty GSM với số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó ông Vượng chiếm 95% cổ phần. GSM được định hướng là một công ty kinh doanh trong hai lĩnh vực chính: cho thuê ô tô - xe máy điện và taxi điện.

Trong mảng taxi điện, GSM đã hoàn thành nhận diện thương hiệu, bước đầu đưa 50 xe VinFast VF e34 vào sử dụng, triển khai ứng dụng đặt xe trên cả hai nền tảng Android và iOS, cũng như tuyển, đào tạo tài xế.

Hãng taxi này cho biết sẽ bắt đầu vận hành trong tháng 4 tại Hà Nội, sau đó mở rộng ra 5 tỉnh thành phố khác. Như vậy, điều đó có nghĩa là taxi GSM đang vận hành tương tự các hãng taxi truyền thống khác như Mai Linh hay Vinataxi từng làm: Có đội xe, có tài xế riêng, làm cả app.

Điều đáng nói là chỉ vài ngày sau khi thành lập GSM, công ty của ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục công bố thông tin đầu tư vào Be Group - một nền tảng gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Có thể nói, đây là cái bắt tay chưa từng có trên thị trường taxi, giữa một bên là taxi truyền thống và một bên là taxi công nghệ. 

 50 xe taxi GSM chuẩn bị vận hành ở Hà Nội. (Ảnh: GSM).

Gọi taxi GSM ngay trên ứng dụng Be

Theo thoả thuận hợp tác, Be Group sẽ hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe với đối tác GSM. Khách hàng gọi xe trên nền tảng của Be Group có thêm lựa chọn dịch vụ taxi điện của GSM, bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có. Như vậy, thay vì phải tải ứng dụng riêng, những khách hàng đang sử dụng Be hoàn toàn có thể chuyển đổi sang dùng taxi do GSM cung cấp. 

Theo con số mà Be Group công bố, ứng dụng của họ đã có 20 triệu lượt tải xuống tính đến thời điểm hiện tại, với hơn 10 triệu lượt giao dịch thường xuyên hàng tháng trên nền tảng. Ngoài gọi xe, ứng dụng Be còn cung cấp các dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn, mua sắm nhu yếu phẩm, bảo hiểm, dịch vụ viễn thông và ngân hàng số,… 

Như vậy, tập khách hàng của ứng dụng này rất đa dạng cùng nhu cầu sử dụng app cao, điều này đặc biệt có lợi cho hãng taxi GSM của ông Phạm Nhật Vượng khi tiếp cận được với lượng người dùng sẵn có. Hiện mức phí và tỷ lệ phân chia doanh thu thông qua hình thức này vẫn chưa được cả hai bên công bố. 

 Ngoài ứng dụng riêng, người dùng còn có thể đặt cuốc xe taxi GSM ngay trên ứng dụng gọi xe Be. (Ảnh: GSM).

Bên cạnh việc sử dụng nền tảng của Be, thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện VinFast một cách thuận tiện và dễ dàng nhất. 

Trong giai đoạn đầu, Be Group và GSM sẽ phối hợp với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền cho tài xế của Be Group để thuê hoặc mua ô tô, xe máy điện VinFast thông qua GSM với chi phí hấp dẫn.

Ngoài ra, Be Group cũng sẽ nhận khoản đầu tư trực tiếp từ GSM để hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cũng như cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ tại Việt Nam.

Chấm dứt cuộc chiến taxi công nghệ - taxi truyền thống?

Kể từ khi loại hình taxi công nghệ xuất hiện ở Việt Nam cách đây gần một thập kỷ, sự độc quyền trên thị trường taxi của các ông lớn như Vinasun hay Mai Linh đã bị phá vỡ. Với việc linh hoạt trong kinh doanh, nền tảng công nghệ theo kịp thời đại và chiến lược trợ giá, những tên tuổi như Grab, Be, Gojek,… đã dần chiếm thị phần đáng kể, ép các hãng taxi truyền thống phải co hẹp kinh doanh, giảm đội hình xe và thay đổi để tồn tại.

Đơn cử, CTCP Ánh Dương Việt Nam - đơn vị vận hành hãng taxi Vinasun, đã từng là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần phía Nam với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng từ năm 2008 nhưng đã bắt đầu suy thoái kể từ năm 2016.

Vinasun bắt đầu xuất hiện các khoản lỗ trong hai năm 2020, 2021 liên tiếp. Số lượng xe của hãng cũng liên tục đi xuống. Cuối năm 2019, Vinasun có 4.921 xe kinh doanh taxi, cuối năm 2022 con số này ước đạt 2.621 chiếc, tức giảm hơn một nửa.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của Vinasun.

Hay thống trị thị trường taxi phía Bắc là CTCP Tập đoàn Mai Linh cũng rơi vào cảnh khó khăn. Tính đến cuối năm 2021, lỗ luỹ kế của Mai Linh là 1.419 tỷ đồng, lớn hơn cả con số 1.246 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Năm 2021 cũng là năm Mai Linh ghi nhận mức doanh thu thấp nhất trong lịch sử hoạt động, khi đạt 1.064 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cũng phải chịu khoản lỗ ròng kỷ lục 254 tỷ đồng. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của Mai Linh.

Điều này đã giúp cho Grab - một hãng công nghệ có trụ sở tại Singapore, dù không sở hữu bất kỳ một chiếc xe hay tài xế nào, đã lần đầu tiên lọt top các hãng taxi phổ biến nhất tại Việt Nam bên cạnh các tên tuổi như Mai Linh, Vinasun và VinaTaxi, theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence.

Trước thực tế này, các hãng taxi truyền thống đã liên tục phải thay đổi như làm ứng dụng riêng, cung cấp các dịch vụ không dùng tiền mặt, hỗ trợ tài xế trả chậm xe, bán bảo hiểm, bán hàng trực tuyến,… Nhưng những việc này mang lại rất ít thay đổi và không theo kịp tốc độ đổi mới chóng mặt của những startup công nghệ chia sẻ.

Tuy nhiên, với cái bắt tay giữa GSM và Be Group, có thể sẽ mở ra một chương mới trên thị trường taxi Việt, nơi taxi truyền thống và taxi công nghệ cùng bắt tay nhau, chia sẻ tài nguyên và doanh thu.

Các bên được lợi gì trong mối quan hệ giữa GSM và Be Group?

Đối với GSM, việc hợp tác với Be Group hỗ trợ tài xế chuyển qua xe máy và ô tô điện VinFast, sẽ giúp hãng xe của ông Phạm Nhật Vượng gia tăng doanh số một cách đáng kể bởi nhu cầu sử dụng xe điện để chạy dịch vụ đã được chứng minh là tối ưu hơn xe xăng .

Theo một báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố hồi tháng 5 năm ngoái, cả nước hiện có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (môtô, ôtô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa thông qua một nền tảng công nghệ.

Trong khi đó, Be Group hiện đang là nền tảng gọi xe công nghệ lớn thứ hai tại Việt Nam, sau Grab với thị phần 30% - 40% tại Hà Nội và 25% - 35% tại TP HCM. Đội ngũ tài xế “khủng” của Be Group sẽ là bàn đạp về doanh số cho VinFast trong tương lai.

Ngoài ra, thông qua ứng dụng Be, công ty của ông Phạm Nhật Vượng sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành như bán hàng và chăm sóc khách hàng - kết nối người dùng với tài xế. GSM cũng tiếp cận được lượng khách hàng lớn sẵn có mà Be Group đã xây dựng trong hơn 4 năm qua.

Về phía Be Group, hợp tác với công ty của ông Phạm Nhật Vượng điều đầu tiên thấy rõ là sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng truyền thông khi thương hiệu cá nhân và thương hiệu công ty của vị tỷ phú Việt được công chúng biết đến rộng rãi.

Thứ hai, việc tích hợp GSM vào ứng dụng gọi xe Be sẽ giúp công ty gia tăng số lượng tài xế, tăng thị phần gọi xe, tăng lượng người sử dụng app, qua đó các dịch vụ khác như ngân hàng số, giao hàng, đặt đồ ăn,… sẽ tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn.

Cuối cùng, với chương trình ưu đãi tài chính độc quyền để đổi sang xe điện mà đối tác VPBank của GSM cung cấp, việc thu hút tài xế đến với nền tảng của Be cũng trở nên cạnh tranh hơn so với đối thủ như Grab hay Gojek.

Đức Huy