|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung bình hơn 3.600 ca mỗi ngày, đâu là điểm sáng trong bức tranh dịch COVID-19 tại TP HCM?

10:17 | 31/07/2021
Chia sẻ
TP HCM đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16. Số ca mắc mới tạm thời đi ngang, trường hợp khỏi bệnh tăng và chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy nhanh là những điểm sáng trong bức tranh dịch COVID-19 tại TP đông dân nhất cả nước.

Số ca nhiễm tạm thời đi ngang

TP HCM bắt đầu ghi nhận ca nhiễm COVID-19 ở mức nghìn ca mỗi ngày từ 9/7. Đến 18/7, TP HCM lập kỷ lục đầu tiên với 4.692 bệnh nhân mới. Từ đó đến nay, sau gần 2 tuần, số ca dương tính mới trong khoảng từ 4.000 - 6.000 ca, đáng chú ý ngày 27/7, TP lại xác lập kỷ lục mới với 6.318 ca. Tuy nhiên chưa ngày nào lên đến mốc 7.000.

Những tín hiệu tích cực trong đợt dịch lần thứ 4 ở TP HCM - Ảnh 1.

Tại buổi họp báo chiều 30/7, theo Zing, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết nhìn trên biểu đồ dịch bệnh, số ca F0 đang đi ngang, đúng như dự báo.

Sau 20 ngày thực hiện Chỉ thị 16, bình quân mỗi ngày TP HCM phát hiện hơn 3.600 ca mắc. Báo cáo trước Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc của Trung ương với TP về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết phần lớn ca mới đêu trong khu cách ly, phong tỏa. 

TP HCM đã điều trị khỏi gần 25.900 bệnh nhân, hiện đang điều trị hơn 36.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 300 bệnh nhân đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã điều trị khỏi cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, từ khi áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày đã chậm lại, hiện nay chỉ tăng bình quân 1,5 lần /ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15 (hơn 6 lần bình quân/ ngày).

Trung bình hơn 3.600 ca mỗi ngày, đâu là điểm sáng trong bức tranh dịch COVID-19 tại TP HCM? - Ảnh 2.

TP HCM hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước. (Ảnh: AP).

Ngoài ra, số người xuất viện cũng ngày càng tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), lượng người xuất viện những ngày gần đây tăng nhanh. Trong đó, hôm 29/7 có 3.131 người, 27/7 là 4.353 người, 26/7 là 1.955 người, hai ngày trước nữa lần lượt là 2.115 và 1.890. Tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 28.320.

Điều này có được nhờ Sở Y tế TP HCM rút ngắn thời gian điều trị F0 không triệu chứng tại bệnh viện, từ ngày 13/7.

Những F0 xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc dương tính nhưng tải lượng vi rút thấp sẽ chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Sau đó, thời gian xét nghiệm rút ngắn còn 8 ngày, nhằm giảm tải và giúp bệnh viện có thể tiếp nhận ca mới.

Đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng

Tối 29/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn 6118 về tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội tại TP HCM.

Trong đó, Bộ Y tế tháo gỡ nhiều vướng mắc để tăng tốc độ tiêm vắc xin. Cụ thể, TP HCM sẽ tổ chức tiêm cho tất cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên, vẫn duy trì việc tiêm chủng cho lực lượng y tế, người cao tuổi, trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng.

Ngày 29/7, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho biết TP đặt ra mục tiêu trong tháng 8 cơ bản phủ 2/3 người trên 18 tuổi tại TP HCM. Bên cạnh nguồn vắc xin được Bộ Y tế cung cấp, TP còn nguồn cung cấp thứ hai đến từ tài trợ. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, 1 triệu liều vắc xin tài trợ đầu tiên về tới TP HCM trong sáng 31/7.

Trung bình hơn 3.600 ca mỗi ngày, đâu là điểm sáng trong bức tranh chống dịch COVID-19 tại TP HCM? - Ảnh 3.

Đợt tiêm vắc xin thứ 6 dành cho toàn bộ người dân sinh sống tại TP HCM trên 18 tuổi sẽ được triển khai ngay khi đợt thứ 5 kết thúc. (Ảnh: Báo Người lao động).

TP HCM hiện đang triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 5. Theo HCDC, từ 14h ngày 22/7 đến trưa 30/7, TP đã tiêm được khoảng 490.000 liều vắc xin, đạt trên 50% mục tiêu đề ra. Để đảm bảo năng suất, tùy khả năng, TP được tiêm không giới hạn số lượng. 

Trước đó, kế hoạch của TP là 120 liều/ngày, sau đó nâng lên 200 liều/ngày theo quy định của Bộ Y tế. Trong điều kiện cần thiết, TP sẽ tổ chức tiêm cả buổi tối. Việc tăng cường này vẫn nằm trong giới hạn an toàn.

Đợt tiêm vắc xin thứ 6 dành cho toàn bộ người dân sinh sống tại TP HCM trên 18 tuổi sẽ được triển khai ngay khi đợt thứ 5 kết thúc. Trong đợt tiêm thứ 6 công tác an toàn tiêm chủng vẫn sẽ được đưa lên hàng đầu, tuy nhiên sẽ tinh giảm các thủ tục. Người dân sẽ được phát phiếu đồng thuận tiêm chủng, phiếu khai báo tiền sử bệnh trước tại nhà và thời gian theo dõi sau tiêm sẽ rút xuống còn 15 phút trừ những trường hợp có bệnh nền, trên 65 tuổi.

Tạo điều kiện "luồng xanh" thông suốt, shipper được di chuyển liên quận

Sở GTVT TP HCM đã xây dựng phương án tạo luồng xanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện lưu thông ra/vào TP HCM bao gồm xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục sản xuất kinh doanh; xe chở công nhân, xe vận chuyển hàng hóa đến các cảng.

Các phương tiện sau khi được cấp thẻ nhận diện (mã QR) khi di chuyển từ TP HCM đi các tỉnh và ngược lại, các phương tiện đi qua địa bàn sẽ được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Phạm vi hoạt động phương tiện là các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Trung bình hơn 3.600 ca mỗi ngày, đâu là điểm sáng trong bức tranh dịch COVID-19 tại TP HCM? - Ảnh 4.

(Ảnh: Báo Thanh niên).

Sở GTVT mới đây cũng gửi kiến nghị UBND TP chỉ đạo không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân.

Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận tải nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hoá đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.

Trường hợp các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu; thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, chưa được cấp Giấy nhận diện phương tiện (có mã QR), nhưng người điều khiển phương tiện và người đi cùng trên phương tiện đã có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn giá trị (trong vòng 72 giờ), thì lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát (tại các cửa ngõ TP) cho xe lưu thông qua.

Ngoài ra, để dự phòng cho tình huống quá tải đường bộ trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, Sở GTVT TP cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất phương án vận chuyển hàng hóa theo luồng xanh đường thủy.

Đối với các xe taxi đã được Sở GTVT TP cấp phép (Giấy nhận diện có mã QR) để hoạt động, phục vụ các trường hợp cần thiết, được phép lưu thông (24/24h) trên địa bàn TP.

Đội ngũ người giao hàng (shipper) được hoạt động trong thời gian từ 6h đến 18h hằng ngày. Các shipper thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 được phép di chuyển liên quận, huyện, TP Thủ Đức.

Mạng lưới 2.500 y bác sĩ tư vấn từ xa

Trong bối cảnh dịch tại TP HCM diễn biến phức tạp, hôm 25/7, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp Tổ thông tin Đáp ứng nhanh chống COVID-19 thành lập mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" tập trung tư vấn, hỗ trợ các trường hợp F0 và các trường hợp có nguy cơ cao trở thành F0 đang cách ly tại nhà trên khắp cả nước.

Theo báo Người lao động, nhóm tập trung tư vấn cho các bệnh nhân COVID-19 cần hỗ trợ khẩn cấp hoặc trường hợp F0 nhưng chưa được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải).

Mạng lưới cũng tư vấn cho các trường hợp bệnh nhân có chỉ định theo dõi tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế và trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân COVID-19.

Sơn Thạnh