|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nắm trong tay hàng chục nghìn tỷ tiền mặt và liên tục huy động vốn, các doanh nghiệp BĐS niêm yết đang nợ bao nhiêu?

07:17 | 11/11/2021
Chia sẻ
Novaland và Vinhomes là hai doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn nhất nhóm bất động sản niêm yết với 16.250 tỷ đồng và 11.603 tỷ đồng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết tích cực sử dụng đòn bẩy thông qua phát hành riêng lẻ trái phiếu và cổ phiếu để mở rộng quỹ đất, phục vụ giai đoạn hậu COVID-19 cũng như chiến lược trung - dài hạn. Lượng tiền mặt và nợ vay của một số doanh nghiệp theo đó cũng tăng đáng kể so với đầu năm.

Theo thống kê của người viết đến hết tháng 9, 51 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết nắm giữ xấp xỉ 66.742 tỷ đồng tiền mặt, bao gồm tiền và các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng (được ghi nhận ở khoản mục tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn). Con số này tăng 13,4% so với thời điểm đầu năm.

Nắm trong tay hàng chục nghìn tỷ tiền mặt và liên tục huy động vốn, các doanh nghiệp BĐS niêm yết đang nợ bao nhiêu?   - Ảnh 1.

10 doanh nghiệp BĐS niêm yết nhiều tiền mặt nhất

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) là doanh nghiệp có nhiều tiền mặt nhất nhóm với hơn 16.250 tỷ đồng, tăng 32,3% so với đầu năm và chiếm 8,8% tổng giá trị tài sản. Phần lớn các khoản tiền này được Novaland dùng làm tài sản đảo bảo cho các khoản vay và bảo lãnh và đang được ngân hàng quản lý cho vay cho từng dự án.

Từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong quý III, Novaland cùng các công ty con, công ty liên quan liên tục phát hành trái phiếu để phát triển và M&A dự án, trong đó có 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế.

Tổng dư nợ vay của Novaland cũng đứng đầu nhóm với trên 56.000 tỷ đồng, riêng dư nợ vay ngắn hạn chiếm 15.731 tỷ đồng. Nợ vay từ trái phiếu của doanh nghiệp ghi nhận khoảng 33.487 tỷ đồng (nợ trái phiếu ngắn hạn gần 4.900 tỷ đồng).

Trữ hàng chục nghìn tỷ tiền mặt và liên tục huy động vốn, các doanh nghiệp BĐS niêm yết đang nợ bao nhiêu?   - Ảnh 2.

So với thời điểm đầu năm, tiền mặt của CTCP Vinhomes đã giảm 26,4% về hơn 11.600 tỷ đồng, chiếm 5,3% tài sản. Trong đó, doanh nghiệp đã giảm tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn 1-3 tháng để tăng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tăng đầu tư trái phiếu với số tiền trên 3.600 tỷ đồng.

Tình hình tài chính của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) đã có sự cải thiện trong hai kỳ kế toán gần đây. Tính đến hết quý III, doanh nghiệp có hơn 4.950 tỷ đồng tiền mặt, gấp 2,5 lần đầu năm và chiếm 17,3% tài sản.

Gần 70% tài sản của Nhà Đà Nẵng là tiền mặt

CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi không có dư nợ vay và nắm tỷ trọng tiền mặt lớn trong cơ cấu tài sản.

Bên cạnh các khoản tiền gửi, Nhà Đà Nẵng còn đầu tư chứng khoán tại 17 doanh nghiệp, từ những nhà băng như Techcombank (Mã: TCB), SHB, ABBank (Mã: ABB), đến doanh nghiệp sản xuất như Vinamilk (Mã: VNM), Mộc Châu (MCM); Hòa Phát (Mã: HPG) và một số doanh nghiệp BĐS như Vinhomes (Mã: VHM). Các khoản đầu tư này đã đem về khoản lãi gần 113 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm (cùng kỳ lãi gần 13 tỷ đồng).

Tính đến hết tháng 9, Nhà Đà Nẵng có hơn 1.259 tỷ đồng tiền mặt, giảm 8% so với đầu năm nhưng chiếm đến 69,5% tài sản của doanh nghiệp.

Ngoài Nhà Đà Nẵng, một số doanh nghiệp khác nắm giữ tỷ trọng tiền mặt trên tài sản cao còn có TNS Holdings (Mã: TN1; 52,1%), LDG (51,1%), Long Hậu (45,5%),… Riêng TNS Holdings, dư nợ vay của doanh nghiệp cũng tăng đột biến từ 20 tỷ đồng lên 491 tỷ đồng.

Tiền mặt tăng cao từ vay nợ

Nhiều doanh nghiệp BĐS có lượng tiền mặt tăng đột biến trong quý III đến từ vay nợ. Đơn cử như tiền mặt của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) tăng 89% so với đầu năm lên hơn 5.652 tỷ đồng, tương đương 18,7% tài sản. Trong kỳ, Kinh Bắc có gần 3.860 tỷ đồng tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp chủ sở hữu và gần 3.120 tỷ đồng vay ngắn, dài hạn.

Các đợt phát hành trái phiếu quy mô nghìn tỷ liên tục được Kinh Bắc thực hiện trong thời gian qua để rót vào các dự án như Khu đô thị Tràng Cát và cơ cấu nợ. Mặt khác, Kinh Bắc cũng cho các công ty thành viên vay tín chấp để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng dư nợ vay của Kinh Bắc tính đến hết tháng 9 gần 7.376 tỷ đồng, tăng 49,3% so với đầu năm; trong đó nợ vay ngắn hạn chiếm trên 1.500 tỷ đồng.

Hay như tiền mặt của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) cao gấp 4,5 lần đầu năm lên 2.450 tỷ đồng, tương đương 17,6% tài sản. Đây có thể là khoản tiền từ 2.900 tỷ đồng doanh nghiệp vay thêm trong kỳ nhưng chưa phân bổ cho hoạt động đầu tư. Cũng nhờ khoản vay này mà dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của DIC Corp ghi nhận dương, trong khi cùng kỳ âm.

Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) là một trong những doanh nghiệp liên tục huy động vốn từ trái phiếu. Tổng tiền thu từ đi vay trong kỳ của doanh nghiệp ghi nhận gần 7.481 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Lượng tiền mặt Becamex IDC đang nắm giữ xấp xỉ 2.936 tỷ đồng, tăng 59,5% so với đầu năm và chiếm 6,1% tổng tài sản.

Việc nắm giữ tiền mặt lớn có thể giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn khi đứng trước cơ hội, linh hoạt trong điều phối dòng tiền, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, nắm giữ tiền mặt nhiều chưa chắc doanh nghiệp đã khỏe, bởi nếu đòn bẩy tài chính quá cao dễ phát sinh rủi ro về dòng tiền.

Tính đến hết tháng 9, nhóm BĐS niêm yết có tổng dư nợ vay 168.199 tỷ đồng (tương đương trên 7 tỷ USD). Phần lớn các doanh nghiệp top đầu về lượng tiền mặt cũng là những doanh nghiệp có dư nợ vay cao nhất. Trong đó, riêng Novaland chiếm 33,3% dư nợ của nhóm (56.062 tỷ đồng), kế đến là Vinhomes với tỷ trọng 12,8% (gần 21.509 tỷ đồng).

Trữ hàng chục nghìn tỷ tiền mặt và liên tục huy động vốn, các doanh nghiệp BĐS niêm yết đang nợ bao nhiêu?   - Ảnh 3.

Trữ hàng chục nghìn tỷ tiền mặt và liên tục huy động vốn, các doanh nghiệp BĐS niêm yết đang nợ bao nhiêu?   - Ảnh 4.

 

Nguyên Ngọc