Tổng Giám đốc PNJ: Xác suất hồi phục thị trường trang sức trong quý IV vẫn chưa cao
Sáng ngày 27/4, CTCP Vàng bạc Đá quý phú Nhuận (Mã: PNJ) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Tính đến 8 giờ 30 phút, số cổ đông tham dự và được uỷ quyền tham dự là 1.062 người, đại diện cho 234.879.166 cổ phiếu, tương đương 71,61% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại đại hội, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết kết thúc giai đoạn 2017-2022 doanh thu của công ty tăng gấp 3,1 lần và lợi nhuận tăng gấp 2,5 lần so với cách đây 5 năm, lần lượt đạt 33.876 tỷ đồng và 1.811 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thị phần công ty đạt 57%, tăng 2,3 lần so với năm 2017. Sang đến năm 2023, kinh tế vĩ mô dự kiến còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao.
Song, ông Thông cho biết PNJ quyết tâm phát triển các năng lực chiến lược, duy trì vị thế công ty bán lẻ trang sức số một thị trường Việt Nam, sẵn sàng với các thách thức tiềm ẩn để mở tầm cao mới trong năm 2023 và những năm tiếp theo”.
Ông tin chắc rằng tốc độ tăng trưởng của PNJ trong nhiệm kỳ tới sẽ không thấp hơn 5 năm vừa qua. Bên cạnh đó, PNJ hướng tới mở rộng không chỉ trong mảng trang sức mà còn ở những mảng khác, dựa trên những nền tảng đã xây dựng thời gian qua.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc PNJ cũng cho biết công ty sẽ không mở rộng sang những mảng rời xa năng lực cốt lõi của mình như bất động sản,… mà sẽ tập trung vào các sản phẩm “làm đẹp cho con người, làm đẹp cho cuộc đời” (lifestyle).
Phát hành ESOP cho lãnh đạo nếu lợi nhuận vượt năm 2022
Tại cuộc họp, cổ đông biểu quyết thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu 35.598 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.937 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 7% so với cùng kỳ. Đồng thời, dự kiến thực hiện chia cổ tức cho năm 2023 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng chấp thuận phươg án thưởng cho HĐQT, lãnh đạo chủ chốt nếu lợi nhuận sau thuế năm 2023 cao hơn năm trước bằng tiền mặt và cổ phiếu ESOP.
Cụ thể, nếu lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 1.811 - 1.937 tỷ đồng; công ty đề nghị thưởng cho HĐQT, lãnh đạo chủ chốt 35 tỷ đồng và nếu vượt 1.937 tỷ đồng; công ty đề nghị thưởng 50 tỷ đồng.
Còn với kế hoạch phát hành ESOP, phương án được trình bày tại đại hội có sự thay đổi so với tờ trình trước đó. Theo đó, nếu lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt từ 1.811 tỷ đồng đến dưới 2.028 tỷ đồng thì tỷ lệ phát hành ESOP là 1% trên số cổ phiếu đang lưu hành ở thời điểm phát hành.
Nếu lợi nhuận sau thuế năm nay từ 2.028 tỷ đồng trở lên (tăng trưởng trên 12%), đồng thời, hiệu số giữa tỷ lệ tăng trưởng tổng lợi nhuận cổ đông PNJ (%TSR) và tỷ lệ tăng trưởng của VN-Index (%VN-Index return) từ 5% trở lên thì tỷ lệ phát hành ESOP là 1,5% trên số cổ phiếu đang lưu hành ở thời điểm phát hành.
Giá phát hành của kế hoạch ESOP này là 10.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. (30% số lượng cổ phiếu này có quyền chuyển nhượng sau 12 tháng; 60% có quyền chuyển nhượng sau 24 tháng và 100% có quyền chuyển nhượng sau 36 tháng).
Tính đến hết ngày 26/4, PNJ đang có 328 triệu cổ phiếu đang lưu hành và thị giá cổ phiếu đóng cửa ở mức 75.600 đồng/cổ phiếu.
Chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 20%
Về phương án chia cổ tức năm 2022, cổ đông thông qua phương án chia với tổng tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, tương ứng 2.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, trong tháng 1/2023, công ty đã chi gần 148 tỷ đồng thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 6%, tương ứng 600 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, công ty dự kiến sẽ chi hơn 344 tỷ đồng để thực hiện chi trả các đợt còn lại với tổng tỷ lệ 14%.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua kế hoạch phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên có đóng góp tích cực cho kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 (gồm thành viên HĐQT, thành viên Ban điều hành, lãnh đạo chủ chốt, cán bộ cấp trung, nhân viên chủ chốt thuộc PNJ và các công ty thành viên).
Theo đó, PNJ dự kiến phát hành gần 6,6 triệu cổ phiếu (tương ứng 2% số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 20.000 đồng/cổ phiếu.
100% số lượng cổ phiếu trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm, 70% bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng hai năm và 40% bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Công ty sẽ thực hiện mua lại cổ phiếu ESOP này nếu cán bộ, nhân viên nghỉ việc trước khi kết thúc thời gian hạn chế chuyển nhượng.
Bầu bổ sung thành viên HĐQT
Tại cuộc họp, cổ đông PNJ đã thông qua miễn nhiệm bà Huỳnh Thị Xuân Liên khỏi chức vụ Thành viên HĐQT do hết nhiệm kỳ và bầu bổ sung ông Đặng Hải Anh làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.
Ông Anh sinh năm 1985 tại TP HCM; tốt nghiệp cử nhân công nghệ hạt nhân tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Anh có 7 năm đảm nhiệm các vai trò quản lý về khối CNTT tại các doanh nghiệp như Noble Vietnam; Central Group Vietnam, MGI Vietnam và đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc cao cấp Khối Công nghệ thông tin (CNTT) của PNJ.
Ông gia nhập PNJ kể từ năm 2020 và hiện nắm giữ 53.333 cổ phiếu PNJ.
Phiên thảo luận:
Thị trường trang sức bao giờ có thể hồi phục?
Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT PNJ: Tới lúc nền kinh tế trở nên sáng hơn thì thị trường trang sức có thể hồi phục. Tại thời điểm này, PNJ vẫn đang quan sát.
Công ty có đưa ra 4 kịch bản gồm màu xanh, vàng, cam và đỏ (từ tốt đến xấu). HĐQT công ty trình cổ đông phương án kinh doanh theo kế hoạch màu vàng. Phương án này kỳ vọng thị trường có khả năng hồi phục về sức mua vào quý IV.
Còn thực tế hiện tại, kịch bản đang chuyển từ vàng sang cam. Cho đến hết tháng 4, vẫn có những thứ xấu thêm, xác suất hồi phục trong quý IV vẫn chưa cao.
Mảng kinh doanh mới là gì?
Ông Lê Trí Thông: Mảng mới sẽ gắn với lifestyle. PNJ không có ý định đi quá xa khỏi năng lực cốt lõi của công ty. Bên cạnh đó, cho đến cuối nhiệm kỳ (2023-2028), mảng trang sức vẫn có năng lực tăng trưởng.
Hiện tại, PNJ đang chuẩn bị cho giai đoạn 2025-2026 trở về sau, công ty đã thành lập những nhóm thuộc các dự án gắn với ngành hàng mỹ thuật, lifestyle.
Thời điểm này, PNJ vẫn đang quan sát sức mua của thị trường để chốt thời điểm ra mắt sản phẩm.
Mở mới cửa hàng năm 2023 sẽ tập trung khu vực nào?
Ông Lê Trí Thông: Năm 2023, PNJ mở mới theo kế hoạch từ 20-25 cửa hàng vì câu chuyện của những nhóm khách hàng mới trên thị trường vẫn còn.
Từ cuối năm ngoái, sức mua chung của nền kinh tế giảm, mảng trang sức và lifestyle cũng vậy. Nên, PNJ sẽ tìm kiếm những nguồn khách hàng mới mà công ty chưa tiếp cận hoặc đã tiếp cận nhưng thay đổi cách thức tiếp cận để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm.
Rút kinh nghiệm sau hai năm COVID-19, có nhiều hệ thống bán lẻ đóng cửa và trả mặt bằng nhưng PNJ vẫn mở mới, tiếp tục tấn công thị trường. Mặc dù doanh số tăng khoảng 10-11% nhưng thị phần của PNJ đã tăng cao. Chiến lược giai đoạn 2020-2021 đã tạo nên sức bật cho năm 2022.
Đánh giá về mảng bán lẻ thời gian tới?
Ông Lê Trí Thông: PNJ đã đầu tư xây dựng năng lực bán lẻ trong 5 năm qua. Từ đó, giúp công ty có năng lực mới trong việc tiếp cận khách hàng và hai năm COVID-19 vẫn "bay ngược gió".
Năm nay, năng lực bán lẻ của công ty sẽ tiếp tục với những sáng tạo mới, tiếp cận nhiều hơn với những khách hàng khách nhau, những khách hàng mới. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư về công nghệ, đầu tư về phương pháp marketing.
Công suất và chi phí nâng cấp dây chuyền hai nhà máy trong năm nay là bao nhiêu?
Ông Lê Trí Thông: Trước đây, năng suất hai nhà máy là 4 triệu sản phẩm, công ty áp dụng tối ưu hoá tổ chức vận hành sản xuất thì tăng thêm được 40-50% công suất.
Điều này giúp công ty có thời gian nghiên cứu sâu hơn trong việc thiết kế, mở mới nhà máy trong tương lai.
Sức tiêu dùng đang chậm, công ty có chiến lược gì cho marketing, bán hàng và chi phí như thế nào? Chính sách về hàng tồn kho có thay đổi gì?
Ông Lê Trí Thông: Sức mua chung giảm và sẽ tiếp tục trong ít nhất 1-2 quý nữa. Nhưng PNJ sẽ tìm nguồn khách hàng mới, tiếp cận khác đi với nguồn khách hàng hiện hữu để nếu kết quả có giảm thì giảm ít hơn thị trường. Còn nếu "thuận gió" thì công ty tận dụng để bức phá tốt hơn.
PNJ tối ưu hoá các chi phí, tức không phải tất cả các chi phí đều giảm mà có một số chi phí sẽ tăng nhưng hiệu quả phải tăng tương ứng. PNJ xác định nhìn xa hơn để chuẩn bị cho giai đoạn sau nên có những chi phí vẫn sẽ tiếp tục đầu tư.
Về hàng tồn kho, công ty đưa ra phương án tối ưu hoá chứ không phải cắt giảm con số tuyệt đối. Và, ngành hàng của PNJ hàng tồn kho có giá trị gia tăng.
Kết thúc đại hội tất cả các tờ trình đều được thông qua.