Tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của các nước trong khu vực Đông Nam Á
Theo dữ liệu mới nhất cập nhật vào ngày 22/7 của Bloomberg, hơn 3,71 tỷ liều vắc xin phòng COVID-19 đã được sử dụng ở 179 quốc gia trên khắp thế giới, với tốc độ tiêm chủng trung bình 31 triệu liều mỗi ngày. Riêng tại Đông Nam Á, đã có hơn 131 triệu liều vắc xin được tiêm cho người dân (chiếm 3,53% tổng số liều đã sử dụng trên thế giới).
Trong đó, xét về số liều vắc xin COVID-19 đã tiêm chủng, dẫn đầu là Indonesia với gần 59,6 triệu liều (chiếm 45,5% tổng số liều đã sử dụng ở Đông Nam Á) và cao gấp 4 lần quốc gia đứng thứ hai và ba là Philippines và Malaysia với hơn 15 triệu liều. Vắc xin mà Indonesia sử dụng là vắc xin của hãng Sinovac do Trung Quốc sản xuất.
Trái ngược với chính sách ở nhiều nước khác, Indonesia thực hiện việc ưu tiên tiêm trước cho những người trẻ trong độ tuổi lao động thay vì nhóm dân số cao niên. Đây cũng là nước dẫn đầu tốc độ tiêm tại Đông Nam Á với gần 660.000 liều vắc xin COVID-19 được sử dụng mỗi ngày.
Vào cuối tháng 6, trong bối cảnh chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp, chính phủ Indonesia đã cho phép những người cao tuổi có thể đến bất cứ cơ sở đã được chỉ định để tiêm phòng mà không cần phải đăng ký trước. Đồng thời, sẽ tiêm cho những người trẻ tuổi nếu họ giúp đưa người từ 60 tuổi trở lên đi tiêm chủng, theo Straits Times.
Về về tỷ lệ người dân đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin COVID-19, Singapore là nước đang dẫn đầu trong 11 quốc gia Đông Nam Á, với tỷ lệ đạt 74,1%, sở dĩ Singapore dễ dàng đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao bởi đây là quốc gia có diện tích nhỏ nhất ở khu vực Đông Nam Á, với dân số gần 5,9 triệu người.
Đứng thứ hai là Campuchia với tỷ lệ 34% và tiếp đó là Malaysia với 31,6%.
Singapore là quốc gia châu Á đầu tiên cấp phép sử dụng vắcxin phòng bệnh COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) điều chế. Hiện nay Singapore đã cấp phép cho cả Pfizer/BioNTech; Moderna và Sinovac (Trung Quốc), tuy nhiên phần lớn số mũi tiêm đã thực hiện là hai loại vắc xin của Mỹ.
Số liệu của Bloomberg cho biết Việt Nam hiện đã thực hiện tiêm được hơn 4,3 triệu liều vắc xin, tỷ lệ dân số đã tiêm một mũi vắc xin là 4,2%. Với tinh thần quyết tâm của toàn thể bộ máy chính trị, cả nước đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số được tiêm phòng đầy đủ vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.
Tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam hiện tại phụ thuộc chủ yếu vào tiến độ vắc xin về theo thời gian. Bộ Y tế cho biết dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam tới cuối năm 2021.
Tính đến ngày 22/7, Việt Nam đã nhận được hơn 8 triệu liều vắc xin hỗ trợ từ các nước và đối tác, trong đó: thông qua cơ chế COVAX khoảng 4,5 triệu liều, Mỹ 2 triệu liều nằm trong cơ chế trên, Nhật Bản 3 triệu liều, Trung Quốc 500.000 liều, Liên bang Nga tặng 1.000 liều.
Về tình hình dịch bệnh tại các nước, hiện Malaysia là nước có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á với 29.019 ca/1 triệu người. Tiếp đó là Philippine, Singapore và Indonesia. Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp nhất
Cập nhật trong ngày 22/7, Việt Nam ghi nhận 6.194 ca mắc COVID-19 mới, đây là ngày ghi nhận số lượng ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay. Đến nay, Việt Nam có tổng 74.371 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 72.242 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 70.672 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.