|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt xa Trung Quốc nhờ bơm tiền và vắc xin COVID-19

19:10 | 17/08/2021
Chia sẻ
Mỹ và Trung Quốc đang hoán đổi vị trí trên cuộc đua tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, mức chênh lệch trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phản ánh sự khác biệt trong cách ứng phó với dịch COVID-19 của hai quốc gia.

Theo Wall Street Journal, GDP của Mỹ tăng 12,2% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức 7,9% của Trung Quốc. Giới quan sát nhận định Mỹ sẽ giữ ưu thế trong ít nhất vài quý tới.

Trong ngắn hạn, sự đảo ngược vị thế này phản ánh sự khác biệt trong cách ứng phó với dịch COVID-19 của hai quốc gia. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã phải áp dụng các lệnh hạn chế nghiêm ngặt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Trong quý I, GDP Trung Quốc lao dốc 6,7% trong khi GDP Mỹ ghi nhận mức tăng nhẹ.

Phản ứng cứng rắn của Trung Quốc ban đầu đã giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhanh chóng khôi phục tăng trưởng nhanh hơn Mỹ. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng khi tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt xa Trung Quốc nhờ bơm tiền và vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

GDP của Mỹ tăng 12,2% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức 7,9% của Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg).

Sự đảo chiều tăng trưởng

Mặc dù, nền kinh tế Mỹ mất nhiều thời gian để ổn định hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ đã đổ nhiều nguồn lực hơn để phục hồi nền kinh tế. Sự kết hợp giữa chiến dịch tiêm chủng vắc xin và các gói kích thích tài chính khổng lồ, lãi suất thấp gần 0% đã giúp Mỹ vượt lên Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng GDP.

Những gói viện trợ của chính phủ đã giúp các hộ gia đình tại Mỹ tích lũy được 2.600 tỷ USD (được gọi là tiết kiện dư thừa), con số này cao gấp 7 lần so với Trung Quốc.

Hãng phân tích Moody’s Analytics dự báo kể từ quý II, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ vượt xa Trung Quốc trong vòng 5 quý liên tiếp. Capital Economics và Oxford Economics cũng dự báo xu thế tương tự sẽ diễn ra trong vòng 3 quý, ngắn hơn so với dự báo của Moody.

Các chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều dự báo khác nhau về tăng trưởng giữa Trung Quốc và Mỹ. Đa số đều tin rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ hiện đang vượt xa đất nước 1,4 tỷ dân.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt xa Trung Quốc nhờ bơm tiền và vắc xin COVID-19 - Ảnh 2.

Các biện pháp siết chặt kiểm soát, phong tỏa nhằm ứng phó với dịch COVID-19 của Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng. (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia phân tích về châu Á tại tổ chức Matthews Asia, ông Andy Rothman, cho rằng sự đảo chiều tăng trưởng này có thể được coi là bước cản quan trọng trong con đường Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Với tổng dân số gấp 4 lần so với Mỹ, giới chức Trung Quốc nhiều thập kỷ nay đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích tăng trưởng thông qua tiết kiệm và đầu tư, việc nền kinh tế Trung Quốc sớm vượt Mỹ về quy mô cũng là điều dễ hiểu.

Vào những năm 1970, chuyên gia kinh tế Angus Maddison từng nói về khả năng kinh tế Trung Quốc sớm đứng đầu thế giới về quy mô, tuy nhiên không lâu sau đó, kinh tế Trung Quốc đã bị vượt qua bởi nhiều nền kinh tế công nghiệp lớn hàng đầu thế giới với năng suất lao động cao hơn.

Đường đua trở thành nền kinh tế dẫn đầu thế giới

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế thế giới vào những năm 1970, nước này đã thu hẹp đáng kể khoảng cách GDP với Mỹ. Oxford Economics dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2030. Trong khi đó, số liệu của Moody chỉ ra khả năng này sẽ thành hiện thực vào năm 2038.

Vị thế hàng đầu không đơn giản chỉ là một danh hiệu. Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đặt ra xu hướng kinh doanh và tiêu dùng trên toàn cầu, đồng thời sở hữu nhiều nguồn lực hơn để đổ vào công nghệ và các dự án ở nước ngoài.

Song, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại đáng kể. Các nhà kinh tế nhận định, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với những vấn đề lớn, bao gồm chiến dịch siết chặt quản lý khu vực kinh tế tư nhân, nợ chính phủ và doanh nghiệp tăng mạnh cũng như dân số già.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt xa Trung Quốc nhờ bơm tiền và vắc xin COVID-19 - Ảnh 3.

Tăng trưởng GDP thực của Mỹ và Trung Quốc những năm qua và dự báo thời gian tới. (Nguồn: WSJ).

Theo số liệu của Capital Economics, lực lượng lao động của Trung Quốc - những người từ 15 đến 59 tuổi - đạt đỉnh vào năm 2014 và giảm dần kể từ đó. Hãng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại khoảng 2% vào năm 2030, tương đương dự báo tốc độ tăng trưởng dài hạn của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình "dường như đang nỗ lực để giành lại vị trí của mình trong lịch sử trước khi sự suy giảm nhân khẩu học bắt đầu", Arvind Subramanian, nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức dài hạn cản trở sự tăng trưởng, bao gồm hệ thống chính trị bị chia rẽ mạnh mẽ, hóa đơn y tế tăng cao và tăng trưởng năng suất chậm.

Tuy nhiên, theo ông Derek Scissors - nhà kinh tế học tại American Enterprise Institute, GDP là thước đo sản lượng quốc gia, không phải thước đo sức mạnh chính xác. "Đó là của cải", ông nói. "Các hãng máy bay và các khoản tiền đầu tư ra nước ngoài được trả từ sự giàu có của một quốc gia, chứ không phải GDP", ông Scissors lập luận.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ còn nhiều điều phải làm để bắt kịp Mỹ. Theo ước tính, từ năm 2011 đến năm 2021, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách GDP với Mỹ khoảng 2.000 tỷ USD.

Nhưng trong cùng thời gian đó, khối tài sản của Mỹ đã tăng thêm 13.500 tỷ USD, theo ước tính của Credit Suisse. Sự giàu có của Trung Quốc có mức tăng trung bình nhanh hơn của Mỹ nhưng điều đó chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách.

Phương Trang