|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Số dư cho vay kinh doanh BĐS tại 11 ngân hàng tăng gần 60% trong 9 tháng

07:00 | 15/11/2023
Chia sẻ
Hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản tại nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số trong 9 tháng đầu năm. Tổng hợp từ 11 ngân hàng công bố chi tiết số liệu trên vào quý III cho thấy số dư cho vay kinh doanh BĐS đã tăng 59,2%.

Cho vay BĐS vẫn tăng dù thị trường trầm lắng

Theo số liệu mới nhất từNgân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 30/9,tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối 2022, trong khi đó tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ở mức 6,92%. 

Dư nợ tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, 64% tín dụng BĐS có mục đích tiêu dùng tự sử dụng và 36% dư nợ để kinh doanh BĐS.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng rất cao (tăng 21,86%), cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước.Số liệu cho thấy rằng ngân hàng vẫn tiếp tục cho doanh nghiệp BĐS vay dù thị trường đang có nhiều khó khăn.

(Nguồn: SBV, H.L tổng hợp). 

Tại Hội nghị về tín dụng BĐS được NHNN tổ chức mới đây, Vietcombank cho biết lĩnh vực BĐS đang chiếm 24,6% dư nợ tín dụng của ngân hàng. Trong khi đó, một ông lớn khác trong nhóm Big4 là BIDV ghi nhận dư nợ với lĩnh vực BĐS đạt 297.000 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm và chiếm 18% tổng dư nợ. 

BIDV chủ yếu cho vay BĐS tiêu dùng, với dư nợ đạt 240.000 tỷ đồng. Phần còn lại, 56.000 tỷ đồng dành cho hoạt động kinh doanh BĐS. Phía BIDV cũng tiết lộ thêm rằng trong năm 2023, dư nợ BĐS tiêu dùng tăng rất chậm, chưa đến 4%. Trong giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng của phân khúc này thường đạt 20%. 

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 11 ngân hàng niêm yết (có diễn giải chi tiết), tổng dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh BĐS đạt hơn 436.000 tỷ đồng tăng 52,9% so với cuối năm 2022. 

Tỷ trọng cho vay lĩnh vực này tại những ngân hàng trên cũng tăng từ 7,3% vào cuối năm 2022 lên 14,8% vào cuối quý III, cho thấy các ngân hàng vẫn đang tích cực bơm vốn cho bất động sản dù thị trường vẫn chưa có nhiều khởi sắc. 

Có tới 8/11 ngân hàng được khảo sát ghi nhận dư nợ cho vay BĐS tăng trưởng so với đầu năm. Trong đó, mức tăng mạnh nhất thuộc về SHB. Tính đến 30/9, số dư cho vay kinh doanh BĐS của ngân hàng ở mức 67.600 tỷ đồng, hơn gấp đôi con số cuối năm trước (31.500 tỷ đồng).

HBBank và MB cũng là hai ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay BĐS cao, lần lượt đạt 70,1% và 61,6%.

Ngược lại, dư nợ cho lĩnh vực BĐS của Bản Việt, VIB và PGBank lại giảm lần lượt 5,2%, 14,9% và 9,9% so với đầu năm. Tuy đi xuống so với đầu năm, dư nợ cho vay BĐS của PGBank đã tăng 37,5% so với thời điểm cuối quý II. 

Tổng dư nợ là tổng dư nợ cho vay khách hàng, chưa bao gồm trái phiếu. 

Tăng trưởng tập trung ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp

Tại Techcombank, ngân hàng được cho là "quán quân" về cho vay BĐS trong nhóm cổ phần, tỷ trọng cho vay với lĩnh vực BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng chiếm khoảng 71% tổng dư nợ nhóm khách hàng doanh nghiệp (KHDN). Đối với nhóm khách hàng cá nhân, cho vay lĩnh vực BĐS của Techcombank chiếm tới 79% tổng dư nợ.

Tính đến cuối quý II/2023, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS cho KHDN đạt hơn 160.200 tỷ đồng, tăng 47,3% so với đầu năm.

Nếu gộp cả dư nợ tín dụng (gồm cả cho vay và trái phiếu) với KHDN trong lĩnh vực BĐS, xây dựng và vật liệu xây dựng thì cho vay BĐS với KHDN của Techcombank sẽ đạt gần 233.700 tỷ đồng. Số dư này cao hơn 62,6% so với cuối năm ngoái. Còn nếu so với quý II, dư nợ BĐS với KHDN đã tăng hơn 6,9%.

Theo bản công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 gửi nhà đầu tư cuối quý III/2023, cho vay bất động sản với khách hàng cá nhân (KHCN) đạt 165,9 tỷ đồng, giảm 12,3% so với cuối năm 2022. Số dư này đã giảm liên tục trong ba quý liên tiếp.

Như vậy, tổng cho vay trong lĩnh vực BĐS và những lĩnh vực liên quan đang chiếm khoảng 75% tổng dư nợ tín dụng (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) của Techcombank, tương đương 389.550 tỷ đồng. Nếu không tính đến trái phiếu tỷ trọng này vào khoảng xấp xỉ 70%.

Tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực bất động sản của Techcombank ở mức rất cao so với toàn ngành. 

Kết quả của Techcombank cũng xác nhận xu hướng chung trên thị trường là cầu tín dụng BĐS tiêu dùng (nhóm KHCN) có xu hướng đi xuống, phản ánh sức mua của thị trường tiếp tục giảm so với giai đoạn trước.

Trong khi đó, tín dụng cho nhóm KHDN tiếp tục tăng nhanh chóng, thể hiện rằng các ngân hàng vẫn đang tích cực cho vay đối với doanh nghiệp, ngay cả trong giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay. 

Ngân hàng đã hỗ trợ, doanh nghiệp BĐS cần phối hợp

Tại Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sáng 13/11, các chủ đầu tư BĐS đưa ra nhiều kiến nghị, vướng mắc liên quan đến lãi suất, thủ tục, hạn mức, tài sản đảm bảo ... nhưng phía các ngân hàng khẳng định nguyên nhân không nằm ở phía họ. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho biết doanh nghiệp phải phối hợp với ngân hàng để cùng tháo gỡ khó khăn, cung cấp hồ sơ đầy đủ, đúng thực trạng.

"Hai bên cần hợp tác làm thế nào nhanh nhất có thể chứ không thể yêu cầu trong lúc thị trường có nhiều biến động, ngân hàng nới quy định đi ngược lại với quản trị rủi ro", Tổng Giám đốc MB chia sẻ.

Với ý kiến của các doanh nghiệp BĐS rằng lãi suất cho vay một số ngân hàng còn cao, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng đã hạ lãi suất 2,5% từ đầu năm tới nay. Ông Tùng nhấn mạnh lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng.

Tổng Giám đốc Vietcombank khuyến nghị các chủ đầu tư cần nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, tập trung vào phân khúc nhu cầu thực thì mới tạo niềm tin được với các ngân hàng.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng khẳng định doanh nghiệp BĐS cần nhìn lại và thay đổi chính mình xem đã hoạt động lành mạnh, minh bạch thông tin chưa.

"Ngân hàng càng ngày càng sợ cho doanh nghiệp BĐS vay. Chúng tôi là một trong những ngân hàng cho vay BĐS nhiều nhưng bây giờ cũng sợ.", ông nói thêm.

Minh Quang