|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những rủi ro nào đeo bám nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023?

21:16 | 14/11/2022
Chia sẻ
Kỷ nguyên tiền rẻ, một Trung Quốc bùng nổ và nhiều thập kỷ hòa bình giữa các cường quốc đều không còn nữa. Năm tới, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải cùng lúc gánh chịu hậu quả khi các trụ đỡ này biến mất.

Năm 2022 là khoảng thời gian tồi tệ đối với nền kinh tế toàn cầu và mọi thứ có thể trở nên bết bát hơn trong năm 2023.

Lịch sử cho thấy các đợt tăng lãi suất quy mô lớn của Fed có thể sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái vào năm tới. Hẳn cũng không ai ngạc nhiên khi giá khí đốt tự nhiên phi mã và đẩy châu Âu vào tình cảnh tương tự.

Cú sốc kép từ chiến lược Zero COVID và cú lao dốc của thị trường bất động sản có nguy cơ khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào bế tắc.

trong một kịch bản cực đoan, tất cả các sự kiện trên đều xảy ra cùng lúc. Trái với những dự báo lạc quan hồi đầu năm 2022, sản lượng kinh tế toàn cầu năm tới có thể bốc hơi khoảng 5.000 tỷ USD, theo Bloomberg Economics (BE).

Viễn cảnh kinh tế ảm đạm đến mức khó tin này cho thấy nhiều liên kết của nền kinh tế thế giới đã bị xô lệch nghiêm trọng. Chúng ta có thể thấy rất nhiều bằng chứng trong năm nay.

Tiền rẻ, nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc và môi trường địa chính trị ít căng thẳng là những thành phần của thứ "nước sốt" bí mật từng giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định và giá cả duy trì ở mức dễ chịu trong hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, trong năm 2022, tất cả đã biến mất. Lạm phát được dịp quay trở lại và vẫn đang đứng vững trên mức đỉnh hàng chục năm. Thị trường tài chính tổn thất đến hàng nghìn tỷ USD.

 

Dĩ nhiên, những điều tích cực có thể bất ngờ xảy đến và ngăn chặn cú rơi của nền kinh tế chung trong năm 2023. Fed có thể thực hiện được cú hạ cánh mềm trong bối cảnh thị trường lao động vẫn tương đối khoẻ mạnh bất chấp các đợt tăng lãi suất.

Thời tiết ấm áp có thể giúp châu Âu thoát khỏi suy thoái hay Trung Quốc có thể từ bỏ chính sách phong toả, Bloomberg gợi ý.

Một vài tín hiệu vui đã xuất hiện vào tuần trước, khi thị trường tăng điểm nhờ số liệu lạm phát thấp hơn dự kiến của Mỹ và các dấu hiệu về sự xoay trục của Trung Quốc khỏi chiến lược Zero COVID.

Ngay cả khi những tín hiệu trên không đúng, một số nhà đầu tư có thể vẫn đang kỳ vọng vào một cuộc phục hồi khi lãi suất chính sách đạt đỉnh và tăng trưởng chạm đáy.

Song, vì nền kinh tế toàn cầu đã bị đại dịch COVID-19, chiến sự và tình trạng khan hiếm nguồn cung giày xéo trong suốt những năm qua, thật khó để lạc quan như vậy.

Bên dưới đây, tờ Bloomberg đã điểm qua những rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, gồm:

Lãi suất bóp nghẹt kinh tế

Lãi suất chuẩn của Fed dự kiến sẽ đạt mức 5% vào đầu năm 2023, tăng từ con số 0 vào đầu năm nay.

Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất của Fed trong nhiều thập kỷ qua đã và đang làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ và thế giới. Tương lai, nền kinh tế sẽ phải chịu nhiều nỗi đau hơn.

Khi chi phí đi vay tăng cao và tác động đến các ngành nhạy cảm với lãi suất như bất động sản, BE dự đoán Mỹ sẽ suy thoái trong nửa cuối năm tới. Hơn 2 triệu người có thể sẽ mất việc.

Tình hình có thể trở nên tươi sáng hơn, nếu lạm phát nhanh chóng rút lui. Song, nhiều khả năng áp lực giá cả sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Đại dịch đã khiến thị trường lao động trở nên khác thường. Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên - tức mức độ thất nghiệp cần thiết để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, đã vượt lên trên mức trung bình nhiều năm qua.

 

Trong bối cảnh đó, Fed có thể phải nâng lãi suất cao tới 6%, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc suy thoái sâu và kéo dài hơn.

Rủi ro này đang lan rộng ra toàn cầu, vì hầu hết các nước khác đều có chung vấn đề lạm phát với Mỹ và ngân hàng trung ương của họ cũng đang đi theo con đường tương tự để khống chế lạm phát.

Các nước nằm ngoài xu thế tăng lãi suất cũng không thể thoát nạn. Nhật Bản - nền kinh tế vẫn đang mắc kẹt với lãi suất âm, hiện đang phải trả giá đắt trên thị trường tiền tệ. Đồng yen Nhật đã giảm hơn 15% so với đồng USD.

Rủi ro nợ nần trở lại

Khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cao hơn chi phí đi vay, việc vay nợ của chính phủ thường sẽ ít tốn kém hơn và do đó, nhiều nước đã đổ xô đi vay nợ trong những năm qua.

Tính đến năm 2022, tổng nợ công của 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới (nhóm G7) đã tăng lên tương tương 128% GDP, từ mức 81% vào năm 2007.

Bây giờ, trong bối cảnh nền kinh tế chung đã chững lại đáng kể và lãi suất đang tăng lên nhanh chóng, việc vay nợ của chính phủ nhiều nước không còn dễ dàng như xưa và nhiều khoản vay đang sắp đến hạn.

Một số nền kinh tế lớn có thể rơi vào quỹ đạo nợ không bền vững, nếu như họ không nghiêm túc điều chỉnh chính sách tài khoá.

 

Chẳng hạn, chi phí thanh toán nợ vay (debt-service costs) của Italy sẽ tăng từ mức 3% GDP hồi năm 2019 lên mức 7% vào năm 2030. Italy có thể sẽ không vỡ nợ, nhưng để tránh kịch bản đó xảy ra, EU sẽ cần phải hy sinh.

Thị trường trái phiếu của Anh đã vực dậy sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ nỗ lực tài khoá của cựu Thủ tướng Liz Truss. Song, việc thu hẹp khoảng cách về tài chính công và duy trì uy tín với các nhà đầu tư đòi hỏi Anh sẽ phải trải qua thời kỳ thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu ngân sách.

Tình hình của Mỹ không giống Italy hay Anh. Tuy nhiên, cuộc tranh luận xoay quanh trần nợ công - vốn đang được khuếch đại bởi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, sẽ khiến thị trường phải bận tâm.

Ở một số thị trường mới nổi, vấn đề càng nghiêm trọng hơn. Sri Lanka đã tiếp bước Lebanon và Zambia, trở thành quốc gia gần nhất vỡ nợ. Hiện tại, chí ít là cuộc khủng hoảng nợ nần của Sri Lanka có vẻ đã được kiểm soát phần nào.

Mô hình của BE cho thấy rủi ro vỡ nợ sắp xảy ra tập trung ở các nền kinh tế nhỏ - hiện chiếm khoảng 3% GDP toàn cầu. Trong khi đó, các nước đang phát triển lớn hơn có thể thoát khỏi khủng hoảng nợ.

Thị trường nhà ở có vẻ mong manh

Cung tiền trở nên eo hẹp đồng nghĩa với việc thị trường nhà ở toàn cầu đã bước vào giai đoạn khó khăn. Các nước như Canada và New Zealand - vốn là những thị trường đắt đỏ hàng đầu thế giới, có thể gặp nguy hiểm.

Thị trường nhà đất Mỹ không đứng đầu bảng xếp hạng về rủi ro, nhưng cũng không thực sự an toàn. BE ước tính, giá nhà trên toàn quốc phải giảm thêm 15% thì chi phí đi vay thế chấp mới tương quan với thu nhập của các hộ gia đình.

 

Vấn đề của Trung Quốc là vấn đề của mọi người

Ở kịch bản cơ sở, các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế sẽ giúp bù đắp tác động từ cú sập của thị trường bất động sản. Kết quả là, đất nước tỷ dân sẽ tăng trưởng mạnh hơn một chút, vào khoảng 5,7% cho năm 2023.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn đó. Khi nào và bằng cách nào chính phủ Trung Quốc loại bỏ Zero COVID vẫn là một câu hỏi mở. Mặt khác, hoạt động xây dựng bất động sản sẽ phải giảm 25% để nguồn cung nhà ở thu hẹp lại.

 

Thất bại trên cả hai mặt trận có thể khiến tăng trưởng của Trung Quốc tụt xuống mức 2,2% vào năm tới. Nếu cú rơi của thị trường bất động sản trở thành khủng hoảng tài chính, con số thực tế có thể còn thấp hơn nhiều.

Nếu Trung Quốc sa sút, toàn thế giới sẽ chấn động. Các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc, từ Hàn Quốc đến Việt Nam, và các nhà sản xuất hàng hoá lớn như Australia và Brazil sẽ chịu thiệt hại nặng nhất.

Châu Âu “đi trên dây”

Sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine sau cuộc tấn công của Nga vào nước này đã khiến lục địa già rơi vào tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên và chứng kiến giá điện tăng chóng mặt.

Kịch bản cơ sở của BE cho thấy, giá năng lượng phi mã và các đợt tăng lãi suất của ECB sẽ đẩy khối kinh tế chung vào suy thoái, GDP giảm 0,1% vào năm 2023.

Nếu may mắn (thời tiết tốt) và có kỹ năng quản lý chính sách hiệu quả, châu Âu có thể tránh được suy thoái. Nếu không, nền kinh tế chung có thể lao dốc tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

 

Giá dầu thô đã giảm từ mức đỉnh gần 130 USD/thùng hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, nhu cầu hồi sinh tại Trung Quốc và OPEC+ giảm sản lượng có thể kích thích giá đi lên trong năm 2023.

Điều này sẽ mở ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới, không chỉ ở châu Âu, và càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát.

Các ông lớn xích mích với nhau

Cuộc đối đầu với Nga khiến châu Âu thiếu hụt năng lượng chỉ là một ví dụ cho thấy sự rạn nứt của hệ thống địa chính trị toàn cầu.

 

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang tiếp tục xấu đi. Tổng thống Biden đã giữ nguyên các mức thuế quan do người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt và mới đây còn ban hành thêm lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc.

Mối quan hệ thương mại bị rạn vỡ là một lực cản khiến tăng trưởng ở cả hai nước chậm lại, trong đó Trung Quốc phải trả cái giá đắt hơn.

Vấn đề đảo Đài Loan càng khiến quan hệ giữa hai siêu cường trở nên căng thẳng. Nếu một trong hai bên có một bước đi sai lầm, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng.

Yên Khê