Nhờ đâu HAGL không những thoát lỗ mà còn lãi đột biến quý II?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) đạt 1.233 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 127% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, doanh thu từ trái cây chiếm tỷ trọng lớn nhất (52%) trong cơ cấu doanh thu với 643 tỷ đồng, tăng 223% so với quý II/2021 và ghi nhận biên lợi nhuận gộp hơn 31%.
Bán thịt heo đem về cho công ty 259 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán heo là 66 tỷ, gấp 2,35 lần quý II/2022 và biên lợi nhuận gộp đạt 25,4%.
Trong kỳ lợi nhuận gộp chỉ đạt 271 tỷ đồng. Riêng chi phí tài chính đã lên tới gần 834 tỷ đồng, gấp gần 4,8 lần cùng kỳ do trong quý tập đoàn đã trích lập dự phòng khoản đầu tư vào nhóm HAGL Agrico (Mã: HNG) đồng thời lỗ chênh lệch tỷ giá cũng tăng cao.
Chí phí ăn mòn lợi nhuận gộp nhưng nhờ nguồn thu từ doanh thu tài chính (chủ yếu từ tiền lãi cho vay), đặt biệt là khoản chi phí quản lý doanh nghiệp âm 782 tỷ do hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu đã giúp HAGL vẫn có lãi ròng gần 272 tỷ đồng, gấp 3,5 lần quý II/2021.
Luỹ kế 6 tháng, HAGL đạt 2.036 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 522 tỷ đồng; tăng 151% về doanh thu và gấp gần 28,7 lần về lợi nhuận.
Năm 2022, HAGL đặt kế hoạch tham vọng với doanh thu hơn 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng. Với 531 tỷ lợi nhuận sau thuế, công ty đã hoàn thành 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm và hơn 42% mục tiêu doanh thu cả năm.
Trước đó, trong thư gửi cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT cho biết nửa đầu năm, giá xuất khẩu chuối rơi vào chu kỳ thấp nhất trong năm chỉ còn bình quân 6,5 USD đến 8,5 USD/thùng kéo dài hơn hai tháng gần đây và giá bán heo bình quân cũng chỉ giao động từ 53.000 đồng tới 55.000 đồng/cp quanh mức giá lập kế hoạch tại thời điểm đầu năm.
Sản lượng heo tiêu thụ trong 6 tháng của HAGL đạt 82.529 con. Sản lượng trái cây tiêu thụ là 109.807 tấn, trong đó chuối xuất khẩu là 81.569 tấn và chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 28.238 tấn.
Từ nay đến cuối năm, khi giá bán chuối đi vào chu kỳ cao nhất trong năm khoảng từ tháng 9 trở đi và giá bán heo tiếp tục tăng cao như hiện nay (tăng 20% so với mức giá lập kế hoạch) và sản lượng heo xuất bán dự kiến tăng gấp đôi so với sản lượng đã tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm thì bầu Đức cho rằng công ty sẽ sớm đạt được kế hoạch đề ra cho cả năm và có thể vượt 20% - 30% kế hoạch.
Hơn 9.000 tỷ nợ vay cuối quý II
Điểm qua tình hình tài chính, quy mô tài sản của HAGL đạt 19.254 tỷ đồng cuối tháng 6. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là chỉ tiêu phải thu ngắn hạn là 5.874 tỷ, trong đó khoản phải thu về cho vay là 4.454 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có gần 2.462 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn.
Các khoản cho vay trên đều là khoản vay tín chấp cho các bên liên quan có thời hạn hoàn trả từ tháng 1/2023 đến tháng 5/2025.
Nửa đầu năm, các khoản cho vay trên đem về cho HAGL 225 tỷ đồng tiền lãi.
Ở chiều ngược lại, HAGL có tổng nợ đi vay là 9.021 tỷ đồng, chiếm 47% nguồn vốn và gấp 1,94 lần vốn chủ sở hữu. Nửa đầu năm, công ty đi vay 1.140 tỷ đồng thời hoàn trả nợ gốc vay gần 674 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, dư nợ trái phiếu là 6.440 tỷ đồng, trong đó khoản trái phiếu dài hạn là 5.146 tỷ còn 1.294 tỷ đồng là đến hạn trả trong vòng một năm.
Khoản dư nợ ngân hàng cuối quý II là 2.461 tỷ đồng, gồm 815 tỷ của Sacombank, VPBank 500 tỷ, Eximbank 598 tỷ, 294 tỷ của TPBank, 254 tỷ Liên doanh Lào Việt. Chi tiết về lãi suất và thông tin tài sản đảm bảo không được công bố chi tiết. 6 tháng đầu năm, tổng chi phí lãi vay của HAGL lên tới 330 tỷ đồng.
Dù có lãi năm 2021 và nửa đầu năm song khoản lỗ luỹ kế tính tới 30/6 vẫn còn 3.946 tỷ đồng, cùng với khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái âm 1.181 tỷ nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 4.640 tỷ đồng.