|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người lao động bị kẹt lại giữa thành phố: Nỗi lo không chỉ là dịch bệnh mà còn vì hai chữ 'tiền đâu?'

14:59 | 17/08/2021
Chia sẻ
Cuộc sống mưu sinh nơi thành thị vốn đã khó khăn nay lại càng điêu đứng hơn khi phải đối mặt với những khoản chi tiêu hằng tháng: tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống,... trong khi không còn thu nhập.

Nhận thông tin TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 30 ngày, nhiều người không khỏi lo lắng, không phải chỉ vì dịch bệnh COVID-19 mà còn vì hai chữ "tiền đâu".

Khi TP HCM bắt đầu bùng phát dịch, nhiều người ngày lập tức tìm đường về quê tránh dịch. Nhưng không ít người vẫn cố gắng bám trụ với hy vọng dịch bệnh sớm qua đi, nhịp sống hằng ngày nhanh chóng quay lại nhưng "đời không như là mơ".

Dịch COVID-19 ập đến khiến cả gia đình chị Sang (31 tuổi, quận 7) điêu đứng. Làm công nhân thời vụ do phải chăm con nhỏ vừa mới sinh, nhưng giờ chị thất nghiệp đã 2 tháng. Tất cả chi phí trong nhà cho 4 miệng ăn (gồm 1 bé 5 tuổi và 1 bé 16 tháng tuổi) giờ trông cây hết vào công việc shipper của chồng chị.

Khu trọ nhà chị còn có hơn 20 người lao động đủ mọi ngành nghề tự do: bán vé số, giúp việc, công nhân, phụ quán,... Do nấn ná chờ dịch bệnh qua đi mà hiện tất cả đều đang mắc kẹt lại thành phố. Tình cờ nhìn thấy ứng dụng Zalo Connect (hỗ trợ người khó khăn trong mùa dịch), chị Sang mong muốn có "mạnh thường quân" nào nhìn thấy có thể hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hoặc chí ít là khẩu trang y tế cho mọi người trong khu trọ.

TP HCM giãn cách xã hội: Những phận người kẹt lại giữa nỗi lo gạo tiền - Ảnh 1.

Nhiều người kêu cứu, xin được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 trên mạng xã hội.

May mắn hơn chị Sang, chị Châu (26 tuổi, quận Tân Bình) dù nghỉ làm nhưng vẫn được công ty hỗ trợ 70% lương cơ bản (khoảng 3 triệu đồng) để trang trải cuộc sống và cho cư trú ở khu kí túc xá. Giờ chị chỉ mong công ty sớm được hoạt động trở lại để có thể phục hồi thu nhập, gửi về cho gia đình ở Khánh Hòa.

"Mấy tháng qua, công ty dù không làm việc nhưng cho phép nhân viên ở lại trong kí túc xá không ra được ngoài. Thế nên tôi cứ ở phòng suốt ngày, thực phẩm thì đặt online hoặc nhờ người quen gửi vào", chị Châu chia sẻ.

80 ngày giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ và sẽ còn kéo dài thêm đã mang đến nhiều hệ lụy dây chuyền, mà người lao động là những người chịu ảnh hưởng cùng cực nhất. Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, kéo theo hàng nghìn người giảm lương hoặc mất việc.

Trong tháng 7, theo Bộ LĐ-TB&XH, TP HCM có tới 1,6 triệu lao động, Bình Dương có 1,2 triệu, Đồng Nai có 1 triệu lao động bị tác động lớn bởi dịch COVID-19. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp gia tăng và nguy cơ không dừng ở đây.

Lặn lội từ Đắk Nông xuống TP HCM tìm việc làm, gửi con lại cho nhà nội, vợ chồng chị Trúc Ly (37 tuổi, TP Thủ Đức) hy vọng sau 2-3 năm dành dụm được ít vốn để về quê sửa lại căn nhà đã xuống cấp rồi tìm công việc khác làm ăn. Nhưng mức lương công nhân may chỉ đủ trang trải và gửi một ít về nhà.

Tháng 6/2021, dịch COVID-19 ập đến, vợ chồng chị vẫn ráng bám trụ, lịch trình hằng ngày là nhà trọ - công ty, lặp đi lặp lại để tránh tiếp xúc ai. Nhưng dịch bệnh đâu có chừa một ai, hai người trở thành F1, phải đi cách ly tập trung. Mất việc, không về quê được, tiền trợ cấp không có, nợ tiền nhà đã hai tháng nay mà chủ trọ không giảm.

Không việc làm, không có tiền, hằng ngày, chị đi mót rau muống ở gần khu trọ để làm bữa ăn cho cả gia đình. Bí quá, chị phải đăng tìm người giúp đỡ một khoản tiền với lời nhắn "để cầm cự qua đợt dịch, rồi đi làm được, tôi xin gửi trả lại".

Không cam chịu ngồi chờ như những người khác, anh Vinh (29 tuổi, TP Thủ Đức) quyết định đưa gia đình đi xe máy về quê ở Bình Định sau khi nghe thành phố giãn cách thêm 30 ngày, nhưng bị bắt quay xe lại.

"Hai vợ chồng làm công ty may mà thất nghiệp ba tháng rồi. Nghe nhiều người trong hội đồng hương trên Facebook rủ nhau, hai vợ chồng liều chạy xe về. Phòng trọ cũng đã trả, nợ 3 tháng nay giờ chủ nhà không cho nợ thêm nữa, vợ chồng còn đúng 500.000 đồng mượn của người quen để đi đường nhưng chính quyền không cho về nên đành quay lại nhà trọ xin được ở tạm, không biết người ta có chịu không nữa", anh Vinh bộc bạch.

TP HCM giãn cách xã hội: Những phận người kẹt lại giữa nỗi lo gạo tiền - Ảnh 2.

Người dân định về quê trong sáng 15/8 nhưng được CSGT yêu cầu quay lại. (Ảnh: Thanh Niên).

Giống như nhiều người khác, chọn mảnh đất Sài Gòn làm công nhân để lo cuộc sống mưu sinh, anh Quang Đại (31 tuổi, TP Thủ Đức) đưa cả vợ con vào lập nghiệp giữa năm 2020 khi đưa con đầu lòng chưa tròn 1 tuổi. Mất việc vì dịch, anh chuyển sang chạy xe công nghệ để tạm cầm cự nhưng cũng không khá hơn.

Kiệt quệ, anh cùng vợ đành khăn gói đi xe máy về quê nhưng không được. Anh lên mạng xã hội kêu cứu với hy vọng có ai đó giúp đỡ, chỉ cần hỗ trợ tiền sữa để nuôi con.

Ở quận 8 (TP HCM) có một con hẻm được gọi với cái tên "xóm hành tỏi". Bóc vỏ hành tỏi cho các quán ăn là nghề nghiệp chính của những người dân ở đây. Cuộc sống của họ không cố định, nay bị đuổi ở đây, mai họ lại trôi dạt nơi khác tìm nơi dựng nhà, quây bạt rồi lại tiếp tục công việc vô cùng độc hại mà chẳng kiếm được bao nhiêu.

Giãn cách xã hội khiến các quán ăn đóng cửa, không còn gì để ăn, họ sống nhờ vào nguồn cứu trợ của các tổ chức từ thiện, ai cho gì nhận nấy mà cầm cự. Nhiều khi vội chạy đến không kịp đi dép, chỉ kịp đeo chiếc khẩu trang và bật khóc. Nhưng không ai còn đủ nước mắt để khóc vì hơi cay hành tỏi đã lấy đi cả rồi.

TP HCM giãn cách xã hội: Những phận người kẹt lại giữa nỗi lo gạo tiền - Ảnh 3.

Người lao động nhận quà từ đoàn cứu trợ. (Ảnh: SCDI).

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ khiến mọi người phải lo sợ vì sự nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của nó mà còn khiến cuộc sống đảo lộn, thậm chí không còn đường lùi vì mất kế sinh nhai. Người bệnh phải khổ sở vì đau đớn về thể xác nhưng những người không mắc bệnh cũng khổ sở vì chưa thấy ngày mai.

Sơn Thạnh