Ngành phân bón hết thời lãi đậm, lợi nhuận Đạm Cà Mau vượt Đạm Phú Mỹ năm 2023
Năm 2021 và 2022 là năm huy hoàng của nhiều doanh nghiệp phân bón khi doanh thu và lợi nhuận thiết lập được mốc kỷ lục mời. Thành quả này có được là nhờ giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 cũng như thị trường xuất khẩu thuận lợi.
Sang năm 2023, khi giá phân bón điều chỉnh giảm trở lại, trong khi chi phí đầu vào vẫn neo khiến ngành phân bón đối mặt với bức tranh kinh doanh kém khả quan.
Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM) là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về sản xuất phân ure, báo cáo lợi nhuận ròng cả năm giảm hơn 90% so với năm 2022 về 533 tỷ đồng và là kết quả thấp nhất trong 4 năm. Con số này cũng chỉ tương đương 24% chỉ tiêu đã đề ra.
Riêng trong quý cuối năm, lợi nhuận ròng chỉ đạt gần 108 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với quý IV/2022 nhưng cũng đã cải thiện so với hai quý II và III/2024.
Tình hình kinh doanh của Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) cũng tương tự với Đạm Phú Mỹ. Năm vừa rồi, công ty có lãi ròng giảm 74% so với năm 2022, về 1.107 tỷ đồng. Tuy vậy kết quả này đã giúp Đạm Cà Mau vượt qua Đạm Phú Mỹ và trở thành quán quân lợi nhuận của ngành phân bón.
Xét trong quý IV/2023, Đạm Cà Mau báo lợi nhuận ròng còn 493 tỷ đồng, giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ nhưng là tín hiệu hồi phục so với các quý liền trước. Đồng thời 493 tỷ đồng là mức lợi nhuận cao nhất theo quý của năm 2023.
Trong năm qua, tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại của Đạm Cà Mau đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022, trong đó ure chiếm tỷ trọng lớn nhất với 866.000 tấn. Công ty còn thâm nhập và phát triển thị trường NPK với sản lượng tiêu thụ tăng 92%.
CTCP DAP - Vinachem (Mã: DDV) có kết quả cuối năm khả quan với lãi ròng đạt 62 tỷ đồng, gấp 8,7 lần cùng kỳ và cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây. Tuy nhiên do mức thấp của các quý đầu năm nên cả năm, lợi nhuận ròng đạt 70 tỷ, giảm 80% so với năm 2022 và thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
DAP - Vinachem giải thích, sản lượng tiêu thụ tăng 20% nhưng giá bán bình quân trong quý IV vừa rồi lại giảm 14%. Giá vốn hàng bán đi xuống là do giá một số nguyên liệu chính kỳ này giảm sâu so với cùng kỳ (lưu huỳnh giảm 61%, Amoniac giảm gần 42%,...). Ngoài ra, kỳ vừa rồi cũng phát sinh hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho, giúp giá vốn giảm so với quý IV/2022.
Một doanh nghiệp cũng chuyên sản xuất phân ure là CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB). Quý vừa rồi, công ty này báo lãi đột biến hơn 1.649 tỷ đồng, gấp hơn 19 lần cùng kỳ và giúp công ty thoát lỗ.
Giá vốn tăng cao, các chi phí ăn mòn khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 154 tỷ đồng trong bối cảnh tiêu thụ NH3 kém. Tuy nhên khoản thu nhập khác 1.802 tỷ đồng (thu nhập miễn giảm lãi vay từ đề án tái cơ cấu các khoản vay của Ngân hàng BIDV - chủ nợ của Đạm Hà Bắc) đã giúp công ty báo lãi trên nghìn tỷ đồng trong quý IV, vượt mặt nhiều doanh nghiệp lớn như Đạm Cà Mau hay Đạm Phú Mỹ.
Lũỹ kế cả năm 2023, Đạm Hà Bắc đạt 861 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 52% so với năm 2022. Khoản lãi lớn năm qua giúp lỗ luỹ kế tính tới hết năm 2023 chỉ còn 2.108 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, vẫn có những doanh nghiệp báo lợi nhuận ròng cả năm tăng trưởng so với 2022, nhưng đây là những đơn vị quy mô nhỏ. Trong đó có thể kể đến như CTCP Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (Mã: LAS) báo lãi ròng tăng 68% lên 149 tỷ đồng, CTCP Phân bón Miền Nam (Mã: SFG) lãi tăng 26% lên 57 tỷ, CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) tăng 5% lên 148 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ siết chặt quản lý các công nợ, quản lý và điều tiết các chi phí hoạt động,...
Tín hiệu hồi phục giá phân bón trong quý đầu năm
Thời gian đầu năm, giá ure thế giới đã khởi sắc trở lại. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa CRU (trụ sở tại Anh), giá ure hiện vẫn duy trì ở mức thấp, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Ấn Độ tăng tháng 1/2024 và là yếu tố giúp giá ure đảo chiều tăng nhẹ.
Đặc biệt, trong quý I/2024, giá ure thế giới sẽ xác định rõ hơn xu hướng tăng khi các nhà nhập khẩu bắt đầu đặt đơn mua phân bón cũng như có thông tin đầy đủ hơn về giá nông sản thế giới.
Bên cạnh ure, giá phân UAN dự kiến sẽ tăng từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024 khi nông dân có nhu cầu cao loại phân này cho vụ xuân.
Giá phân bón tổng hợp DAP và MAP được dự báo sẽ cao hơn dự kiến trước đây, mặc dù có mức độ biến động lớn hơn trong những tháng đầu năm 2024 do lệnh hạn chế xuất khẩu mới nhất của Trung Quốc dự kiến kéo dài đến tháng 4 sau khi kết thúc vụ mùa xuân trong nước.
Tương tự, dự báo của Hiệp hội phân bón quốc tế (IFA) cũng cho thấy giá phân ure thế giới sẽ tăng trong quý I/2024 do quốc gia sản xuất ure lớn thứ hai thế giới là Nga (chiếm 14% thị trường xuất khẩu toàn cầu) tiếp tục chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa.
Cùng với đó, sản xuất ure ở EU dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp do giá thành sản xuất mặt hàng này ở khu vực châu Âu cao hơn nhiều so với chi phí nhập khẩu ure từ Ai Cập. Trong khi đó, Chính phủ Ai Cập quyết định kéo dài vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn cung ure toàn cầu. Với các yếu tố chủ chốt này, giá ure thế giới dự kiến sẽ tăng trong quý I/2024.
Thị trường phân bón Việt Nam đã có quan hệ mật thiết với thị trường thế giới nhiều năm nay, giá phân bón trong nước được dự báo biến động tương quan với giá phân bón thế giới.
Theo các chuyên gia phân bón, do vụ Đông Xuân năm nay bắt đầu chậm hơn các năm trước đây nên nhu cầu phân bón, nhất là phân ure sẽ tăng cao trong quý I/2024 khi bước vào chính vụ. Vì vậy, đây sẽ là yếu tố khiến giá phân ure ở trong nước có thể tăng.
Còn trong báo cáo triển vọng 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2024 có thể tăng chậm so với năm 2023. Nhu cầu tiêu thụ nội địa kỳ vọng tăng vào quý IV/2023 và quý I/2024 khi bước vào vụ Đông Xuân, song vụ mùa năm nay đến trễ, bắt đầu cuối tháng 11.
VCBS cho rằng giá khí đầu vào là biến số khó dự báo khi giá dầu biến động và tỷ trọng phân bổ các nguồn khí tác động lớn đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp phân bón.
Đối với Đạm Cà Mau, tỷ lệ khí mua ngoài từ Petronas trong năm 2024 dự báo giảm so với năm 2023 do thời tiết sẽ thuận lợi hơn để giảm huy động điện khí kể từ nửa đầu năm 2024.
Đối với Đạm Phú Mỹ, nguồn khí đầu vào tuy vẫn được đảm bảo cung ứng đầy đủ nhưng tỷ trọng nguồn khí đồng hành có giá thấp (mỏ Bạch Hổ - Rồng Đồi Mồi, thuộc Bể Cửu Long) đạt công suất thấp hơn kế hoạch và đang suy giảm nhanh hơn dự báo. Trong khi, tỷ trọng khí cấp bù từ nguồn khác (Nam Côn Sơn và Cửu Long) tăng lên và có mức phí vận chuyển cao, khiến giá thành khí gia tăng.