|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một Sacombank rất khác

09:00 | 14/10/2022
Chia sẻ
5 năm về trước, cái làm cho những người lãnh đạo của Sacombank phải đau đầu là nợ xấu thì thời điểm hiện tại, thách thức với ngân hàng là giữ được đà tăng trưởng và bứt phá.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank. (Ảnh: Sacombank).

“Sacombank đã vực dậy vươn lên mạnh mẽ với tốc độ "thần kỳ". Đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa”, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, chia sẻ trong lần xuất hiện trở lại mới đây.

Nhìn lại thời điểm cách đây 7 năm về trước, khi Sacombank nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, sự đánh đổi để tăng quy mô nhanh chóng là một khối nợ xấu khổng lồ, điều mà bất kỳ ngân hàng nhận sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém nào cũng phải đối mặt.

97.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng chiếm khoảng 30% tổng tài sản của Sacombank thời điểm đó. Sacombank đã phải đối diện với rất nhiều nghi vấn về khả năng xử lý nợ và phát triển kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, sau 5 năm tái cơ cấu, số nợ xấu và tài sản tồn đọng mà Sacombank thu hồi được đã lên tới 76.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, ngân hàng cho biết đã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng trong đề án tái cơ cấu, xử lý xong 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được đưa về 1,27%.

Nhờ kết quả tái cơ cấu lạc quan, Sacombank đã nhận được mức nới room cao nhất 4% trong số gần 20 ngân hàng được điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Với đà tăng trưởng này, CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm cho rằng khoảng giữa năm 2023 ngân hàng có thể sẽ tuyên bố tái cơ cấu thành công.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết khi hoàn thành trước hạn đề án đã được NHNN phê duyệt sẽ xin phép được chi trả cổ tức. Đã 7 năm nay cổ đông của ngân hàng chưa nhận được đồng cổ tức nào.

Vượt qua “sương mù” để chạm đích

Không chỉ là những con số nợ xấu, sự phục hồi ngoạn mục của Sacombank còn được thể hiện qua các chỉ tiêu kinh doanh. Có thể thấy rằng, Sacombank đã thay đổi theo từng ngày.

Trong quá khứ, sự sụt giảm mạnh về hoạt động kinh doanh vào hai năm 2015 và 2016 có thể được xem là một cú sốc với Sacombank, một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu trong suốt một giai đoạn dài trước đó.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm từ hơn 2.200 tỷ đồng năm 2014 về 648 tỷ đồng năm 2015 và chỉ còn chưa đầy 90 tỷ đồng vào năm 2016, giảm liên tiếp 71% và 87% so với năm liên trước.

Đó có thể được hình dung là khoảng thời gian "đi trong sương mù" của ngân hàng, nhiều nhân viên đã chọn cách rời đi.

 

Sự khởi sắc tại Sacombank quay trở lại khi ngân hàng có người chèo lái mới, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT (tháng 6/2017) và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, CEO có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý nợ xấu.

Những quyết sách mạnh mẽ của ông Dương Công Minh thể hiện một sự quyết tâm cao độ của ban lãnh đạo ngân hàng lúc đó. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ mới, xử lý nợ xấu được đặt lên mục tiêu hàng đầu. Ông tự tin cho rằng có thể rút ngắn thời gian tái cơ cấu theo đề án từ 10 năm xuống còn 3- 5 năm.

Cùng với đó là cơ chế ổn định về mặt nhân sự. HĐQT Sacombank đã thông qua nhiều cơ chế thưởng và nâng cao chính sách lương, phúc lợi cho toàn bộ nhân viên, giúp cho họ có thêm động lực, lấy lại được niềm tin.

Sang năm 2018, lợi nhuận ngân hàng đã phục hồi mạnh mẽ đạt 1.790 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 4,67% xuống chỉ còn 2,13%. Đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì qua các năm sau đó ngay cả trong hai năm COVID, vượt xa kết quả của Sacombank trước khi nhận sáp nhập.

 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Sacombank ghi nhận lãi trước thuế 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%. Riêng trong quý III, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng cho biết do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án, nên lợi nhuận trước thuế của Sacombank không ở mức quá cao trong ngành.

Tính đến hết quý III/2022, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 564.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu về dưới ngưỡng 1% (0,86%).

Những dự kiến mà Chủ tịch Dương Công Minh đặt ra trước đó đang trở thành sự thật. Thực tế đã chứng minh cho những quyết sách đúng đắn, cái tài của người lãnh đạo và sự mạnh mẽ quyết liệt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu của Sacombank.

Đâu là bí quyết thành công? 

Chia sẻ về kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng, Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết đầu tiên cần xác định thực trạng toàn diện của ngân hàng yếu kém, từ cơ cấu chủ sở hữu, đến quản trị, xác định nhanh và đặc biệt những tài sản có khả năng sinh lời. Trên cơ sở đó có công ty tư vấn kiểm toán tổ chức độc lập đánh giá hiện trạng, bảo đảm tính chính xác, không giấu diếm.

Thứ hai, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng cần phải khẩn trương, kịp thời, vì càng kéo dài thì có hệ lụy của nền kinh tế rất lớn và tránh tình trạng nó sẽ chuyển biến xấu hơn và gặp nhiều khó khăn hơn cho cả ngành chứ không phải cho riêng ngân hàng yếu kém đó.

Thứ ba, như bài học của Sacombank, nên ưu tiên nguồn lực kinh tế tư nhân thay vì tập trung vào ngân sách nhà nước.

Thông qua khuyến khích các ngân hàng tự tái cơ cấu, sát nhập ngân hàng tốt với ngân hàng xấu và NHNN và Chính phủ đứng ra hỗ trợ cơ chế đi kèm, tạo điều kiện để ngân hàng yếu kém từng bước hoàn thiện và gia nhập, dựa trên sự dẫn dắt của một ngân hàng mạnh. Đồng thời có sự phối kết hợp nhịp nhàng từ các cơ quan trung ương đến các bộ ngành, đến NHNN, cho cơ chế thông thoáng.

Trích Đặc san "Người Tiên Phong" - Số tháng 10/2022 - Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam  

Diệp Bình