|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Zero Fee: Từ 'con bài' độc quyền trở thành một xu thế

14:00 | 29/10/2022
Chia sẻ
“Chuyển tiền miễn phí” có lẽ đã không còn xa lạ với những người dùng app ngân hàng khi thanh toán ở khắp mọi nơi, không giới hạn bởi địa bàn hay các tổ chức tài chính khác nhau. Và khi mọi thứ trở nên phổ biến như những gì nó sẽ phải đến, có lẽ không nhiều người còn nhớ tới thời điểm mà chính sách “Zero Fee” đã bắt đầu, tháng 9 năm 2016, tại Techcombank.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tâm, chủ một shop bán hàng online, cho hay khi nghe tin Techcombank sẽ miễn phí tất cả giao dịch chuyển khoản trên tài khoản cá nhân anh vui như “bắt được vàng”. Ngay lập tức sau khi ngân hàng phát đi thông báo, anh đã quyết định dồn hết giao dịch tiền của cửa hàng mình về tài khoản tại Techcombank để thanh toán. "Chẳng có lý do gì để tôi ở lại với các ngân hàng khác khi ở đây tôi được miễn phí phần lớn các giao dịch", anh nói.

Không chỉ riêng một người kinh doanh nhỏ như anh Tâm, hàng loạt tài khoản mở mới tại Techcombank thời điểm đó là minh chứng cho thành công của ngân hàng với chiến dịch mở màn trong “nghi ngờ” này. Số liệu từ ngân hàng cho biết lượng tài khoản mở mới và lượng giao dịch liên tục tăng đột biến, theo cấp số nhân, số lượng khách hàng cá nhân mới tăng bình quân 23,5% từ năm 2016 – 2021.

Tuy nhiên, phải công nhận rằng quyết định áp dụng “Zero Fee” thời điểm đó của Techcombank là một lựa chọn mạo hiểm, khi mà xu thế chung mà các ngân hàng đang theo đuổi là tăng thu từ phí dịch vụ, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng. Ban điều hành của ngân hàng đã phải nhiều lần giải trình, thuyết phục HĐQT đồng ý.

Không thu phí sẽ trực tiếp làm giảm nguồn thu từ dịch vụ, không chỉ vậy, ngân hàng cũng phải bỏ ra một khoản đầu tư không nhỏ để phát triển hạ tầng công nghệ đáp ứng cho nhu cầu giao dịch tăng đột biến.

Sự mạo hiểm để dẫn đầu xu thế đó cũng đã mang lại “trái ngọt” cho Techcombank không chỉ ở thời điểm đó mà cho tới hiện tại.

Việc miễn phí giao dịch kết hợp với chiến lược khách hàng trọng tâm đã đẩy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng tăng vọt tăng từ 17% năm 2015 đến 24,1% vào cuối năm 2017, và đạt mức đỉnh 50,5% trong năm 2021. Và trên thực tế, nguồn thu từ dịch vụ thanh toán (bao gồm phí giao dịch trực tuyến) của ngân hàng cũng không hề sụt giảm sau một năm áp dụng "Zero Fee".

Ưu thế chi phí vốn rẻ nhờ lượng lớn tiền gửi thanh toán trên tài khoản của khách hàng giúp cho ngân hàng có lợi thế hơn các đối thủ trong ngành. Lãnh đạo ngân hàng từng chia sẻ nhờ có CASA mà Techcombank có thể có mức lãi suất cho vay tốt hơn, củng cố cho thế mạnh cho vay bất động sản, đồng thời đỡ đi phần nào áp lực trong các đợt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng.

 Nguồn: Techcombank.

Zero Fee không còn là “con bài” độc quyền

“Techcombank không phải là ngân hàng duy nhất áp dụng Zero Fee nữa, các ngân hàng khác đang copy mô hình này rất nhanh”, Tổng Giám đốc Techcombank cho hay.

Nếu chỉ đơn thuần là miễn phí chuyển tiền, việc áp dụng chính sách là không khó, quan trọng là sự đồng thuận của ban lãnh đạo ngân hàng và xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng được nhu cầu giao dịch.

Có lẽ những thành công của “người tiên phong” đã tạo động lực thúc đẩy việc áp dụng Zero Fee tại nhiều ngân hàng tư nhân sau đó. Ngay cả những ông lớn Big4 cũng không đứng ngoài cuộc. Từ 1/1/2022, Vietcombank, BIDV, VietinBank đều chính thức miễn phí chuyển tiền cho tất cả giao dịch trên ngân hàng số (Agribank áp dụng trước đó từ tháng 5/2021).

MB là một trong những người tiếp bước thành công chiến lược Zero Fee. Tận dụng được ưu thế đặc thù của một ngân hàng “xuất thân” từ quân đội, MB đã luôn giữ được vị trí trong Top 3 những ngân hàng dẫn đầu về CASA.

Trong quý II/2022, trong khi các ngân hàng khác đều có sự suy giảm CASA thì MB lại đi ngược xu thế, tỷ lệ CASA tăng nhẹ 0,7% so với quý trước đó, lên 45,5%. 

Lý giải về kết quả này, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng sự gia tăng CASA của MB nhờ ngân hàng có tập khách hàng chất lượng cũng như đã gia tăng được khách hàng nhanh chóng nhờ chương trình miễn phí chuyển khoản và các chương trình marketing khác.

Cuối quý II/2022, lượng khách hàng sử dụng ứng dụng MB đã lên tới 12,9 triệu người tăng 17,3% so với cuối quý I và tăng 228% so với cùng kỳ.

 

Trong khi miếng bánh “tiền gửi nhàn rỗi” hơn 13 triệu tỷ đồng vẫn là một sức hấp dẫn khó chối từ thì việc áp dụng Zero Fee của các ngân hàng để giành thị phần từ đó cũng ngày càng trở nên đa dạng và phong phú hơn, đòi hỏi nhiều sự sáng tạo hơn. Các chuyên gia của Chứng khoán SSI cũng cho rằng cuộc cạnh tranh giành thị phần CASA vẫn diễn ra căng thẳng trong thời gian tới.

Cho đến thời điểm hiện tại, có thể thấy rằng Zero Fee đã không còn là “con bài” độc quyền của một ngân hàng mà đã trở thành một xu thế tất yếu trong quá trình cạnh tranh và phát triển của hệ thống tài chính hiện đại. Đó cũng là những gì đã và đang diễn ra trên thế giới.

Thực tế, “người tiên phong” Techcombank cũng nhận thức được đặc tính độc quyền ngắn hạn và dễ sao chép của lợi thế mà chương trình Zero Fee mang lại. Ngân hàng hiện nay đầu tư rất nhiều để nâng cao công nghệ nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, con số đầu tư được tiết lộ cho giai đoạn 5 năm (2021-2026) dự kiến lên tới nửa tỷ USD.

“Chúng tôi không chỉ muốn làm một app đơn thuần chỉ cung cấp một dịch vụ mà còn muốn đưa nhiều sản phẩm lên app của mình. App của chúng tôi sẽ có tính tương tác cao và khiến cho khách hàng cảm thấy như đang trao đổi với một người rất hiểu mình chứ không phải chỉ là một robot thông thường”, lãnh đạo Techcombank cho hay.

Không chỉ dừng lại ở Zero Fee, các ngân hàng có lẽ sẽ sớm bước sang các cuộc đua khác trong quá trình cạnh tranh đổi mới của mình. Và điều đó được kỳ vọng sẽ ngày càng mang lại những trải nghiệm thú vị cho người dùng hiện đại.

Trích Đặc san "Người Tiên Phong" - Số tháng 10/2022 - Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nga

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.