|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một quý buồn của Thế Giới Di Động: Lợi nhuận rơi về mức thấp nhất kể từ khi niêm yết, đạt 21 tỷ đồng

12:40 | 29/04/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh sức cầu yếu, Thế Giới Di Động báo lãi bình quân mỗi tháng trong quý I chỉ đạt 7 tỷ đồng, là con số thấp chưa từng có kể từ khi doanh nghiệp niêm yết HOSE tới nay.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt 27.106 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu rơi về mức thấp nhất 6 quý và ghi nhận quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng từ điện máy, điện thoại tới chuỗi siêu thị Bách Hoá Xanh đều ghi nhận sức cầu yếu.

Lợi nhuận gộp giảm tới 36% còn 5.214 tỷ. Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn hơn 21 tỷ đồng, giảm 98,5% so với quý I/2022. Đây cũng là quý có lợi nhuận thấp nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính của MWG (2014).

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart.

Trong những tháng đầu năm, Thế Giới Di Động cho biết kết quả sơ bộ về sức mua điện thoại, điện máy đang giảm mạnh hơn so với dự báo của doanh nghiệp.

Tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao đang diễn ra ngay cả với nhóm khách hàng trung - cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, nhóm khách hàng thu nhập thấp cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức trả góp. 

Tổng doanh thu hai chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) giảm 34% so với quý I/2022. MWG cho hay doanh thu của hầu hết các sản phẩm điện thoại và điện máy giảm từ 25% đến 35% so với cùng kỳ,  máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh khoảng 40-50%. Còn chuỗi Bách Hoá Xanh, doanh thu luỹ kế của chuỗi này trong quý I tăng 5%.

Chia sẻ về những khó khăn của tập đoàn, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT và cũng là người phụ trách hai chuỗi TGDĐ và ĐMX cho biết sức mua giảm nằm nhiều ở phân khúc tầm trung trở xuống (mid-end và low-end) cho cả phân khúc điện thoại và điện máy, trong đó điện thoại bị tác động mạnh hơn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT cũng thông tin thêm doanh thu vay tiêu dùng có giai đoạn chiếm trên 35% tổng doanh thu của MWG đã rơi xuống chỉ còn dưới 10% ở hiện tại. Công ty từng có 3-4 đối tác trả góp, hiện giờ chỉ còn 1. Bên cạnh đó, tỷ lệ duyệt hồ sơ tín dụng rớt mạnh, trước đây tỷ lệ 60-70% thì bây giờ chỉ 20%. 

Khi thị trường thuận lợi thì MWG là người hưởng lợi. Nhưng những giai đoạn khó khăn như hiện nay thì đơn vị khác chỉ chiếm 5-10% nên không bị tác động nhiều còn MWG bị mất tới 35% doanh thu của chính tập đoàn. Vì vậy việc này tác động lớn tới doanh thu của MWG, người đứng đầu doanh nghiệp cho hay.

Quý I, biên lãi gộp của MWG là 19,2%, suy giảm so với mức 22,3% của cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất kể từ quý II/2019. Còn biên lãi thuần đạt chưa tới 0,08%, thấp nhất kể từ khi niêm yết (2014). MWG cho biết trong khi chi phí hoạt động mặc dù đã giảm đáng kể nhưng mức giảm chi phí không tương ứng với sự sụt giảm doanh thu do một số chi phí cố định, dẫn đến tác động mạnh lên lợi nhuận ròng.

Doanh nghiệp cũng thông tin thêm chi phí phát sinh một lần từ việc đóng cửa hàng tại Campuchia, việc dọn dẹp hoạt động kinh doanh đã cơ bản hoàn tất trong quý I.

  Nguồn: Tổng hợp từ Wichart.

Đánh giá về thị trường điện thoại, điện máy, ông Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ hiện tại thì nền kinh tế của Việt Nam nói chung và thế giới nói chung đều đang khó khăn vì vậy thị trường điện thoại, điện máy cũng bị tác động nhiều.

Ông Hiểu Em dự báo tình hình kinh doanh trong quý vừa qua và vài quý tới tiếp tục khó khăn. Từ góc độ MWG, dự báo khoảng quý III và quý IV, thị trường sẽ khôi phục, nhu cầu mua sắm sẽ tăng lên.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT dự báo hai quý cuối năm khả quan hơn nửa đầu năm. Nguyên nhân là đơn hàng gia công ở Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, lãi suất sẽ được kiểm soát theo chiều hướng giảm, bất động sản có dấu hiệu được cởi trói những nút thắt lớn, dự báo sắp bước qua đáy. Cuối cùng là đầu tư công, nếu 2-3 năm trước đây chậm chạp thì bây giờ bị thúc ép để đẩy tăng trưởng GDP.

Hoàng Kiều