Lọt 'mắt xanh' tập đoàn hàng đầu thế giới, địa phương từ đứng cuối bảng vào Top dẫn đầu xuất khẩu, dòng vốn FDI ào ào đổ về
Tỉnh Thái Nguyên thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc với vị trí thuận lợi về giao thông là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa hai vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của Thái Nguyên có khá nhiều thay đổi.
Điểm nhấn chính là sự dịch chuyển từ một tỉnh miền núi thuần nông với cây chè, cây lúa hay cỗ máy công nghiệp nặng, thâm dụng lao động (Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên, hầm mỏ khai thác kim loại đen,... ) sang sản xuất, thu hút loạt dự án công nghiệp công nghệ cao của miền Bắc.
Phê duyệt 9 dự án giao thông 6.500 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào 2025
Ngược lại khoảng thời gian cách đây 10 năm, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã sớm hình thành những tuyến đường liên kết vùng như: Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 3C, Quốc lộ 1B,... Tuy nhiên, hệ thống giao thông trên lại chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh cũng như trở thành lực hút các nhà đầu tư.
Nguyên nhân là do hầu hết các tuyến đường này đã hình thành từ lâu và xuống cấp, mặt đường không đủ rộng để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa. Chẳng hạn như Quốc lộ 3, tuyến giao thông huyết mạch nối liền Hà Nội với Thái Nguyên và các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, đã rơi vào tình trạng quá tải, xuống cấp.
Với những nút thắt từ hạ tầng đã khiến đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt một con số, cụ thể giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt 6,55% trong khi đó mục tiêu của tỉnh đặt ra trong cả giai đoạn 2011-2015 là 12-13%.
Để thay đổi diện mạo hạ tầng, tạo thuận lợi cho thu hút các nhà đầu tư, Thái Nguyên khi đó kiến nghị Trung ương cùng đầu tư nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tỉnh cũng nhanh chóng nâng cấp, cải tạo các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bản tỉnh, đặc biệt là Quốc lộ 13.
Năm 2014, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài trên 60 km chính thức được thông xe, các tuyến quốc lộ cũng được đầu tư mở rộng. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên giúp quãng đường đi từ Thái Nguyên đến Sân bay quốc tế Nội Bài, Thủ đô Hà Nội được rút ngắn chỉ còn 1 giờ đi ô tô.
Trong những năm qua, hạ tầng giao thông luôn được xác định là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh. Chẳng hạn như mới đây, Thái Nguyên cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư 9 dự án giao thông với tổng số vốn hơn 6.500 tỷ đồng.
Trong đó tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc dài 42,5 km, tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng; tuyến đường gom bên trái cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên với vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng; đoạn tuyến vành đai 5 kết nối với tỉnh Bắc Giang với vốn đầu tư 700 tỷ đồng…và rất nhiều tuyến đường khác. Dự kiến các dự án giao thông quan trọng này sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đã được Thái Nguyên khởi công, khánh thành trong thời gian gần đây. Hiện tỉnh đã cơ bản hoàn thành đường vành đai 5 trên địa bàn tỉnh kết nối cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên với số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến vành đai 5 kết nối với Quốc lộ 37.
Cuối năm nay đưa vào sử dụng đường Việt Bắc kéo dài kết nối cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên với khu du lịch hồ Núi Cốc với số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang khẩn trương mở rộng, nâng cấp đường ĐT 266 nối huyện Phú Bình với thị xã Phổ Yên, TP Sông Công đi qua các KCN, CCN tạo thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư. Đường ĐT 261 cũng đang được đầu tư nâng cấp, tạo thế phát triển vùng sườn đông Tam Đảo.
Thực tế cho thấy, khi các tuyến đường mới được mở ra, như đường Bắc Sơn kéo dài, đường vành đai 5 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tạo ra quỹ đất hai bên đường rất lớn để thu hút đầu tư phát triển các KCN, CCN, khu đô thị, khu dân cư.
Dự kiến hạ tầng của Thái Nguyên sẽ có những thay đổi vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh là hơn 27.400 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương gần 5.700 tỷ đồng, vốn đầu tư ngân sách địa phương hơn 17.100 tỷ đồng và nguồn trả tiền thuê đất một lần do cấp tỉnh quản lý hơn 4.400 tỷ đồng.
Đón dòng vốn hơn 6,5 tỷ USD từ Samsung
Nhận thấy những triển vọng từ các dự án hạ tầng cũng như môi trường đầu tư, vào ngày 25/3/2013, Tập đoàn Samsung đã quyết định khởi công xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại thông minh, linh kiện điện tử tại KCN Yên Bình (thị xã Phổ Yên). Đây cũng chính là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động thu hút đầu tư tại tỉnh, đánh dấu sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang kinh tế công nghệ cao.
Khu Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) là nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới và nhà máy thứ hai của Samsung tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư bước đầu lên đến 2 tỷ USD.
Sau một năm triển khai dự án, Nhà máy điện tử Samsung đã chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động, sản xuất vào năm 2014. Liên tục các năm sau đó, Samsung đã tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Đến năm 2020, tức sau 7 năm đầu tư, tổng vốn giải ngân của Samsung tại Thái Nguyên đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tương đương 149.000 tỷ đồng.
Khi khu tổ hợp công nghệ cao này đi vào hoạt động, đã tại ra công ăn việc làm cho nhiều người dân với mức thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với nông nghiệp truyền thống. Hàng năm, Samsung Thái Nguyên xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 70.000 lao động, trong đó 1/3 lao động là người Thái Nguyên với mức thu nhập trung bình đạt 8,5 triệu/người/tháng.
Tổng giá trị xuất khẩu từ khi Samsung đầu tư vào tỉnh đến năm 2020 đạt gần 130 tỷ USD. Góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên vươn lên là tỉnh đứng thứ nhất trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ hai trong vùng Thủ đô Hà Nội về giá trị xuất khẩu.
Sự có mặt của Tập đoàn Samsung đã kéo theo sự hình thành, phát triển mạnh mẽ của công nghiệp phụ trợ nhóm ngành điện tử vào tỉnh Thái Nguyên. Theo thống kê cho thấy giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 có tổng 92 doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là các vendor của Samsung đến với Thái Nguyên, tạo ra một dòng vốn FDI chưa từng có.
Khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Thái Nguyên. Giai đoạn 2006 -2010, giá trị xuất khẩu của khu vực này chỉ chiếm 9,17% trong tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thì đến giai đoạn 2011-2015 đã chiếm 96,38%, giai đoạn 2018-2020 chiếm 98%.
Riêng năm 2020, số nộp ngân sách của khu vực FDI chiếm 34% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, 98,6% số vốn đầu tư FDI vào địa bàn tập trung ở lĩnh vực chế biến, chế tạo với trình độ công nghệ cao.
Tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đến nay, Thái Nguyên đã thu hút 194 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 8,9 tỷ USD, đứng thứ 11 trên cả nước. Hoạt động thu hút đầu tư trong nước với số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các lĩnh vực.
Tương tự, cách đây gần 10 năm, Tập đoàn Masan làm lễ tái khởi động dự án Núi Pháo với tổng mức đầu tư “khủng” tới 10.000 tỷ đồng. Đến nay, Núi Pháo đã trở thành dự án thành công lớn, cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu vonfram đứng thứ hai thế giới, ngoài Trung Quốc.
Sau hiện tượng Samsung, Núi Pháo, diện mạo Thái Nguyên ngày càng có sự thay đổi tích cực, trở thành điểm đến an toàn, thu hút các nhà đầu tư. Đáng chú ý, cùng với sự phát triển công nghiệp, nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực BĐS cũng tìm đến Thái Nguyên và phát triển nhiều dự án tầm cỡ , điển hình như Vingroup, T&T Group, FLC Group, TNR, Sông Đà 2, Tân Hoàng Minh, Flamingo Holding Group, Central Retail,…
Điểm qua các dự án đáng chú ý phải kể đến dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 500 tỷ đồng của Vingroup, hay tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, CTCP Flamingo Holding Group đang đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc có quy mô 22,5 ha, tổng vốn đầu tư 2.538 tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn có khu đô thị Crown Villas, quy mô hơn 35 ha do CTCP Thương mại Thái Hưng làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 2.100 tỷ đồng,...
Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ thương mại, tháng 4/2021, Trung tâm thương mại và siêu thị Go! Thái Nguyên của Tập đoàn Central Retail vừa chính thức đi vào hoạt động tại TP Thái Nguyên. Dự án có tổng diện tích 36.000 m2, tổng mức đầu tư 540 tỷ đồng, là dự án trung tâm thương mại và siêu thị lớn nhất của Central Retail tại Việt Nam.
Từ đứng cuối bảng trở thành Top dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu
Theo thống kê của UBND tỉnh Thái Nguyên, sự góp mặt của Samsung cũng như các dự án đầu tư lớn đã tạo ra mức tăng trưởng vượt bậc trong hai năm 2014 - 2015, cụ thể năm 2014 tạo ra mức trưởng GRDP 29,6%, năm 2015 tăng 33,2%, góp phần hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, bình quân 5 năm đạt 15,9%.
Giai đoạn 2016 - 2020, Samsung cùng với các doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế trong nước, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Thái Nguyên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,1%/năm.
Đáng chú ý, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên trong năm 2014 đã nhảy hơn 40 bậc từ vị trí 47 trong năm 2013 lên đứng hàng thứ 6 trong số 63 tỉnh/thành. Qua các năm, thứ hạng của Thái Nguyên ngày càng vươn lên nhanh chóng, luôn nằm trong Top các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 8,92%/năm và riêng năm 2020 đạt 24.457 triệu USD, đứng thứ 4 cả nước.
Là một trong những tỉnh đứng đầu trong vùng về sản xuất công nghiệp, năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 của Thái Nguyên đạt 783.619 tỷ đồng, gấp 2,07 lần so với năm 2015, đứng thứ 4 cả nước. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,8%/năm.
Việc tăng trưởng còn được thể hiện rõ nhất tại kết quả thu ngân sách của năm sau luôn cao hơn năm trước, theo lũy tiến tăng trưởng ổn định suốt 10 năm, góp phần đẩy số thu tăng nhanh từ 1.535 tỷ đồng năm 2010, chỉ trong vòng 10 năm, đã có số thu ngân sách nhà nước đã tăng gần 10 lần (đạt hơn 15.260 tỷ đồng năm 2020), giúp Thái Nguyên trở thành địa phương có thu ngân sách cao của cả nước.
Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, tỉnh Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh có bước phát triển nhanh trong khu vực và cả nước. Điều này cũng thể hiện rõ qua cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Trong năm 2020, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 58%, dịch vụ chiếm 30,5% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 11,5%.
Nhờ những thành công tại KCN Yên Bình với dự án đầu tư của Samsung, hạ tầng kỹ thuật KCN, CCN được quan tâm, đầu tư phát triển. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 7 KCN với tổng diện tích là 2.395ha, đã có 5/7 KCN đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy là 61% và tổng số các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là 262 dự án.
Trong đó Khu A - KCN Điềm Thụy đạt 100%, KCN Sông Công II đạt tỷ lệ lấp đầy 96,81%, KCN Yên Bình trên 92%. Doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp trong KCN đạt trên 30 tỷ USD và hơn 8.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên hiện có 35 CCN được quy hoạch với tổng diện tích 1.259ha. Trong đó chỉ có 16 cụm có chủ đầu tư hạ tầng, 24 cụm có quy hoạch chi tiết, 15 cụm đã đi vào hoạt động ổn định, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đã đi vào hoạt động mới đạt khoảng 44%, thu hút được 71 dự án đầu tư của các doanh nghiệp và đang tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương.
Vào hồi tháng 5, UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định thành lập hai CCN với tổng quy mô gần 50 ha. Trong đó, CCN Yên Lạc (huyện Yên Phú) có quy mô 25,6 ha với tổng vốn đầu tư dự án hơn 225 tỷ đồng. Dự án thứ hai là CCN Quang Sơn 1 (Khu A) thuộc huyện Đồng Hỷ với quy mô 15,3 ha cùng tổng vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng.
Mới đây nhất, tỉnh Thái Nguyên cũng được Thủ tướng quyết định bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình vào Quy hoạch chung Khu Công nghệ thông tin tập trung cả nước với quy mô trên 200 ha và thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên với diện tích 154 ha.
Hạ tầng thương mại tại Thái Nguyên cũng được đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa. Trên địa bàn tỉnh hiện có 139 chợ, 5 trung tâm thương mại, 18 siêu thị và hệ thống các cửa hàng tiện ích đã đóng góp tích cực, hiệu quả cho phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh.
Việc chủ động tạo môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn nhất cả nước thời gian qua. Trong những năm gần đây, các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh luôn được xếp thứ hạng cao trong toàn quốc.
Năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước và là địa phương dẫn đầu trong khu vực miền núi phía Bắc; chỉ số PAPI xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (sau Quang Ninh và Đồng Tháp), tăng tới 36 bậc so với năm 2019.
Đời sống người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập trung bình tăng từ 51 triệu đồng/người/năm trong năm 2015 lên 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, thuộc Top cao của cả nước.
Có thể nói, Tập đoàn Samsung cùng các dự án từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào tỉnh Thái Nguyên đã có tác động mạnh mẽ đối với kinh tế - xã hội của Thái Nguyên những năm qua. Những thành quả đã đạt được cũng chính là nền tảng, tiền đề để địa phương này phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.