|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãi ròng quý II của Viglacera giảm 73% so với cùng kỳ

12:44 | 26/07/2024
Chia sẻ
Sụt nguồn thu từ mảng bất động sản trong khi mảng vật liệu xây dựng vẫn chưa hồi phục khiến lợi nuận ròng của Viglacera giảm sâu trong quý II.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu thuần suy giảm 31% so với cùng kỳ còn 2.712 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp còn 654 tỷ đồng, giảm 46% so với quý II/2023, biên lãi gộp thu hẹp về 24,1% trong khi cùng kỳ đạt 31%.

Trừ đi các chi phí biến động không đáng kể, Viglacera báo lãi sau thuế 171 tỷ đồng, chỉ bằng 27% so với quý II năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 73% còn 159 tỷ.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Luỹ kế 6 tháng, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần 5.351 tỷ, lãi ròng 365 tỷ đồng; giảm lần lượt 20% và 54% so với nửa đầu năm 2023.

   Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng, mảng cho thuê đất chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng lại giảm 40% so với cùng kỳ còn 1.627 tỷ đồng. 

Nguồn thu từ bán các sản phẩm gạch ốp lát đi ngang so với nửa đầu năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu các sản phẩm kính, gương, gạch, ngói, sứ, sen vòi,... tiếp tục giảm trong bối cảnh ngành vật liệu xây dựng còn nhiều thách thức và chưa có nhiều đột phá. Các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ trong và ngoài nước, cũng như những biến động liên tục về nhu cầu và giá cả.

 Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất.

Năm 2024, Viglacera đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 13.353 tỷ đồng, tăng 1% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.110 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.Theo ban lãnh đạo, nhà máy kính Bình Dương tạm dừng hoạt động để sửa chữa và nhu cầu tiêu thụ thấp nên các nhà máy hoạt động dưới công suất làm lợi nhuận gộp âm 300 tỷ đồng, kéo theo giảm lợi nhuận của Viglacera trong năm 2024.

Như vậy, với 575 tỷ đồng lãi trước thuế nửa đầu năm, Viglacera đã thực hiện được 52% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tại buổi họp thường niên cuối tháng 5, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Viglacera nhận định tình hình thị trường vật liệu xây dựng trong năm 2024 cũng chưa khởi sắc nhưng có triển vọng tốt hơn.

Bởi dự kiến từ ngày 1/8/2024, ba luật liên quan đến bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, lĩnh vực nhà ở xã hội cũng đang được quan tâm, theo chỉ thị mới nhất của Ban Bí thư, sẽ dùng vốn đầu tư công để xây nhà ở xã hội cho thuê.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang trình quốc hội về việc thí điểm nhà ở thương mại sử dụng đất khác. Tình hình bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ tốt hơn, kéo theo đó lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ tốt hơn.

Riêng với lĩnh vực kính phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, giai đoạn 2022 – 2023 tình hình rất xấu, xấu cả trên thế giới. Trong nước, lượng cung vượt cầu dẫn đến việc cạnh tranh về giá. 

Một lãnh đạo khác cho biết với mảng vật liệu xây dựng dự kiến không có lợi nhuận trong năm nay.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của Viglacera cuối quý II là 23.641 tỷ đồng. Tổng công ty nắm giữ 1.863 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng. 

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản là ở chi phí xây dựng cơ bản dở dang, nằm chủ yếu ở các dự án khu công nghiệp như Thuận Thành giai đoạn 1, Phú Hà giai đoạn 1, Yên Mỹ, Tiền Hải - Thái Bignh, Phong Điền - Huế,... và một phần ở dự án khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải.

 Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất.

Tổng dư nợ vay cuối kỳ là 5.144 tỷ đồng với 2.377 tỷ vay dài hạn.

Cập nhật về tình hình thoái vốn nhà nước tại Viglacera, trong báo cáo phân tích đầu tháng 7 của SSI Research thông tin Bộ Xây dựng sở hữu 38,6% tại đây và dự kiến thực hiện thoái vốn trong năm 2024 - 2025. 

Thời hạn Viglacera kiểm kê quỹ đất, nợ và tài sản là ngày 30/6/2024, tuy nhiên, kế hoạch không đúng tiến độ. Viglacera hoàn tất việc định giá đất được chuyển sang đến ngày 30/9. Viglacera dự kiến sẽ trình phương án thoái vốn lên Bộ Xây dựng trong quý I/2025.

 

Hoàng Kiều

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.