|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kết cục của khủng hoảng năng lượng châu Âu [phần 2]: Khả năng xuất hiện chiến tranh năng lượng toàn diện

15:57 | 03/11/2022
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu chưa thể kết thúc. Theo dự đoán của Economist và hãng tư vấn Rystad Energy, châu Âu sẽ rơi vào cảnh khốn khổ nếu chiến tranh năng lượng toàn diện với Nga diễn ra.

 

Người dân Anh biểu tình nhằm bày tỏ mong muốn được sưởi ấm trong mùa đông. (Ảnh: SOPA Images). 

Trái với kỳ vọng của một số người, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu hiện chưa thể đi đến hồi kết. Giá khí đốt nhiều khả năng sẽ tăng trở lại khi mùa đông ập đến và các nước nhập khẩu khí LNG, đặc biệt là tại châu Á, cạnh tranh để gom thêm hàng.

Tờ Economist đã phối hợp cùng các nhà phân tích tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy để tìm hiểu diễn biến của cuộc khủng hoảng trong tương lai, kết quả có ba kịch bản khả thi nhất.

Ở kịch bản đầu, châu Âu và Nga sẽ chịu ít thiệt hại nhất, nhưng cái giá mà lục địa già phải trả cũng không hề đơn giản. Bên dưới là hai kịch bản còn lại với ảnh hưởng vượt xa tình huống đầu tiên.

Đấu đá qua lại

Trong kịch bản thứ hai (kịch bản căng thẳng), Nga sẽ quăng ra một vài “quả lựu đạn”. Moscow sẽ đóng đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine - một trong những hệ thống vẫn còn mở, khiến châu Âu mất thêm 10 - 12 tỷ mét khối (bcm) khí đốt mỗi năm.

Giới lãnh đạo Moscow sẽ tuyên bố một lý do nào đó để làm cái cớ cho việc đóng đường ống, chẳng hạn như “rò rì” khí đốt. Động thái ban đầu này sẽ không khiến giới thương nhân ngạc nhiên.

Tuy nhiên, họ sẽ sửng sốt nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt hoá lỏng (LNG) cho châu Âu - bước tiếp theo trong kế hoạch. Mỗi năm, Nga xuất khẩu khoảng 20 bcm sang châu Âu, tương đương một nửa lượng LNG mà nước này bán ra nước ngoài.

Mặt khác, Nga sẽ không muốn giá LNG giao ngay trên thị trường toàn cầu phi mã và gây hại cho các quốc gia thân thiện với mình như Ấn Độ và Pakistan. Do đó, các nhà phân tích tin rằng Nga sẽ bán LNG cho các nước đó với giá hời.

Phương Tây sẽ trả đũa bằng cách củng cố sức mạnh của lệnh áp giá trần, có thể bằng cách đe doạ phạt nặng những doanh nghiệp vi phạm, tăng cường giám sát hoặc hạ mức giá trần xuống thấp hơn.

Để phản đòn, Nga có thể thuyết phục OPEC+ giảm mục tiêu sản lượng hàng tháng thêm 1 triệu thùng/ngày, bên cạnh mức giảm 2 triệu thùng/ngày mà liên minh dầu mỏ đã triển khai trong tháng 10.

 

Mô hình của Rystad dự đoán rằng vào cuối trận chiến này, Nga chịu ít thiệt hại hơn. Nhà tư vấn Giovanni Serio của công ty thương mại Vitol cho biết các tàu chở dầu thuộc sở hữu của nhóm G7 đã được các công ty châu Á và Trung Đông mua lại.

Cho đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước mua nhiều dầu thô của Nga nhất kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, cũng có thể tự lo liệu vấn đề bảo hiểm cho các tàu chở dầu của riêng họ.

Các nước khác thì có thể tận dụng thị trường “chợ đen”. Dầu của Nga sẽ được vận chuyển ra biển, sau đó chuyển từ tàu này sang tàu khác hoặc trộn với các loại dầu thô khác để người mua không thể truy được nguồn gốc.

Mặc dù Nga sẽ chịu thiệt khi doanh thu từ khí đốt sụt giảm, nguồn thu từ dầu mỏ nhiều khả năng sẽ ổn định hơn.

Tính toán của Economist cho thấy, xuất khẩu dầu của Nga sẽ sụt 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 2024 (so với mức của năm 2021). Điều này buộc Nga phải cắt sản lượng hơn 1,5 triệu thùng/ngày.

Nguồn cung trên thị trường toàn cầu sẽ bị thắt chặt hơn, giúp giá dầu Brent leo lên mức ba con số. Trong khi đó, nhu cầu chỉ thu hẹp không đáng kể.

Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga vẫn duy trì ở mức 170 tỷ USD vào năm 2023, sau đó tụt xuống còn 150 tỷ vào năm sau đó. Ở chiều ngược lại, châu Âu sẽ phải bù thêm hàng chục tỷ USD để thay thế nguồn cung của Nga.

Chiến tranh năng lượng toàn diện

Kịch bản thứ ba (tức kịch bản cực đoan) giả định Nga - vốn đang đối mặt với những tổn thất nặng nề trên chiến trường, không còn quan tâm đến tiền bạc hoặc việc duy trì quan hệ với các đồng minh. Khi đó, Nga có thể khơi mào một cuộc chiến tranh năng lượng toàn diện.

Moscow sẽ bắt đầu với việc đóng cửa TurkStream - đường ống khí đốt còn lại với châu Âu. TurkStream chủ yếu phục vụ các quốc gia thân thiện với Nga như Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. TurkStream đóng cửa sẽ khiến châu Âu thiếu thêm 15 bcm khí đốt mỗi năm.

Sau đó, Nga sẽ phá huỷ cơ sở hạ tầng mà châu Âu dùng để nhập khẩu khí đốt. Khả năng này từng ít ai nghĩ đến nhưng đã dễ xảy ra hơn khi đường ống Nord Stream bị phá hoại vào tháng 10.

Kịch bản cực đoan giả định thêm rằng Nga sẽ ngừng dòng chảy qua hai đường ống lớn nhất của Na Uy, loại bỏ thêm 55 bcm khí đốt của châu Âu mỗi năm. Các đường ống này ở khá xa Nga và phương Tây có thể coi đây là một cuộc tấn công nhằm vào NATO.

Bỏ qua các hàm ý quân sự, Economist và Rystad cho rằng các cường quốc phương Tây sẽ đáp trả bằng những lệnh trừng phạt “thứ cấp” hoặc dùng quyền tiếp cận đồng USD để đe doạ các cá nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài ngừng kinh doanh dầu Nga.

Các biện pháp đáp trả của phương Tây sẽ buộc các ngân hàng và công ty bảo hiểm trên khắp thế giới phải từ bỏ giao dịch liên quan tới Nga, giúp các lệnh cấm vận trở nên hiệu quả hơn nhiều.

 

Điện Kremlin sẽ phản đòn bằng cách thuyết phục OPEC+ giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày. Đồng thời, Moscow cũng sẽ cản trở hoạt động của CPC - đường ống vận chuyển 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ Kazakhstan đến cảng Novorossiysk của Nga.

Mỹ, trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt giá dầu, sẽ đẩy nhanh việc giải phóng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược (SPR). Tuy nhiên, nguồn cung của SPR cũng có hạn và gần đây đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984.

Vì vậy, các nhà phân tích tin rằng OPEC+ có thể kiên nhẫn chờ đợi, ban đầu cắt giảm sản lượng và sau đó tăng nguồn cung khi SPR của Mỹ đã cạn kiệt.

Cuối cùng, Nga sẽ đạt được một chiến thắng kiểu Pyrros. Lúc này, chỉ thị trường chợ đen mới có thể tiêu thụ dầu mỏ của Nga. Xuất khẩu dầu của xứ sở Bạch Dương sẽ giảm xuống khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày trong nhiều năm.

Bất chấp tình trạng chênh lệch lớn về nguồn cung toàn cầu, giá dầu Brent sẽ “chỉ” tăng lên mức 186 USD/thùng trong năm 2023, sau đó hạ xuống còn 151 USD vào năm 2024, do nhu cầu hoàn toàn bị phá vỡ.

Doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga sụt mạnh trong thời gian dài, xuống còn 90 tỷ USD hoặc ít hơn. Tuy nhiên, châu Âu sẽ rơi vào một cú sốc kinh hoàng.

Lục địa già phải bỏ ra lần lượt 250 và 200 tỷ USD vào năm 2023 và 2024 để thay thế nguồn cung của Nga. Hoá đơn nhập khẩu năng lượng hàng năm của châu Âu sẽ lên gần 1.000 tỷ USD, gần gấp đôi con số trong kịch bản cơ sở, dù khối lượng nhập khẩu thấp hơn nhiều.

Ngoài ra, châu Âu hoàn toàn không thể bù đắp lượng khí đốt bị mất. Mô hình của Economist và Rystad cho thấy, kho dự trữ khí đốt của châu Âu sẽ cạn kiệt vào tháng 11/2023 và trống trơn trong cả năm 2024.

Sự đoàn kết của các nước châu Âu gần như chắc chắn sẽ sụp đổ, qua đó làm trầm trọng thêm tình cảnh khốn khổ của lục địa này.

Yên Khê