[Infographic] Lei Jun - người tạo ra kỉ nguyên điện thoại di động mới ở Trung Quốc
Nhiều người gọi Lei Jun (Lôi Quân) là Steve Jobs của Trung Quốc.
Ở một khía cạnh nào đó, nhận định này có cơ sở. Nếu như Steve Jobs đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp smartphone hiện đại, Lei Jun là người tạo ra một "kỉ nguyên" mới trong ngành di động Trung Quốc từ năm 2011 với những thiết bị smartphone cao cấp bán với tầm giá phải chăng. Chúng vận hành trên hệ điều hành MIUI (tuỳ biến từ Android), tương tự như cách Steve Jobs khiến cả thế giới mê mẩn với iOS trên iPhone.
Bên cạnh đó, nếu như Steve Jobs phát triển Pixar Animation Studio, bên cạnh "công trình" lớn nhất của ông là Apple, Lei cũng là một CEO thành công bên ngoài Xiaomi. Cụ thể, ông là Chủ tịch Kingsoft trong hơn 30 năm và thực hiện IPO thành công cho 3 công ty con gồm Kingsoft (HKEX: 03888), Kingsoft Office (SHA: 688111) và Kingsoft Cloud (NASDAQ: KC).
Thực tế, trong cuốn sách vừa mới xuất bản mang tên Walk the Line, chính Lei Jun cũng thừa nhận câu chuyện của Steve Jobs đã tạo cảm hứng để ông muốn tạo ra "một công ty công nghệ đa quốc gia" khi vẫn còn ngồi trên ghế trường đại học.
Thậm chí, Lei Jun còn "sao chép" phong cách của cố CEO Apple. Ông thường xuất hiện với những chiếc áo phông và quần jeans lặp đi lặp lại khi giới thiệu sản phẩm của Xiaomi.
Ở Trung Quốc, Lei Jun còn là một nhà đầu tư có tiếng. Từ năm 2005, Lei Jun thực hiện đầu tư vào trên dưới 30 công ty, 2 trong số đó đã thực hiện IPO thành công. 3 công ty do Lei Jun thực hiện (bao gồm RIGO, Duokan và Wali (đã đổi tên thành Mi Entertainment ở thời điểm hiện tại) đã được Xiaomi thâu tóm, trong khi đó trình duyệt Ucweb về tay Alibaba. 9 công ty khác đã gọi vốn từ vòng Series C trở lên, theo ITjuzi.
Tới năm 2011, Lei Jun sáng lập công ty đầu tư Shunwei. Nhiều công ty Internet nổi tiếng hiện nay có thể tìm thấy trong danh mục đầu tư gồm 445 công ty của Shunwei Capital, trong đó có thể kể đến nền tảng streaming video iQiyi, công ty xe điện Nio, Xpeng Motor, công ty phân phối thông tin Qutoutiao và công ty hình ảnh máy tính AI Cloud Walk.
Thành công trong hoạt động đầu tư của Lei Jun không chỉ mang đến dòng tiền cho Xiaomi mà còn giúp Xiaomi có lợi thế lớn trong quá trình xây dựng danh mục sản phẩm và nhận sự hỗ trợ sâu sắc từ chuỗi cung ứng.
Năm 2013, Xiaomi tuyên bố kế hoạch đầu tư vào 100 công ty phần cứng trong giai đoạn 5 năm để phát triển danh mục sản phẩm IoT (Internet vạn vật). Nhiều sản phẩm hiện bán dưới thương hiệu Mi là kết quả của các khoản đầu tư, thâu tóm và sáp nhập do Lei Jun thực hiện.
Xiaomi cũng tích cực đầu tư vào chuỗi cung ứng. Theo Lei Jun, quỹ Xiaomi Industry Fund đã đầu tư vào hơn 70 công ty sản xuất thông minh và bán dẫn để cải thiện khả năng của chip di động và các sản phẩm nhà thông minh.
Mặc dù có danh mục sản phẩm đa dạng, Xiaomi vẫn chưa thể so sánh với Apple ở tầm ảnh hưởng quốc tế. Trên sân nhà, sau khi có thị phần lớn trên thị trường di động vào năm 2015, Xiaomi bị Huawei vượt mặt một năm sau đó. Đến năm 2019, theo IDG, Xiaomi chỉ còn 11% thị phần di động ở Trung Quốc, xếp sau Huawei, Vivo và OPPO nhưng vẫn xếp trên Apple.
Khác với nhiều đời sống kín tiếng của nhiều "ông lớn" công nghệ Trung Quốc, Lei Jun thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Tài khoản Bilibili của ông, mặc dù chỉ đăng 5 video, có tới 1,1 triệu người hâm mộ.
Nhìn về tương lai 10 năm, người đứng đầu Xiaomi nói rằng muốn duy trì một tinh thần "doanh nhân khởi động lại", hàm ý rằng cả Lei Jun và Xiaomi sẽ thôi thúc lại đam mê khởi nghiệp. Với Lei Jun, thách thức lớn nhất lúc này là xây dựng lại đà tăng trưởng cực kì ấn tượng mà Xiaomi từng có trong quá khứ.