|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Infographic] Ai vẫn còn mua năng lượng của Nga?

16:52 | 31/07/2022
Chia sẻ
Bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga vẫn xuất khẩu được khoảng 97,7 tỷ USD nhiên liệu hoá thạch trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi nước này tấn công Ukraine, trung bình mỗi ngày khoảng 977 triệu USD.

 

Bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga đã xuất khẩu được khoảng 97,7 tỷ USD nhiên liệu hoá thạch trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, trung bình mỗi ngày khoảng 977 triệu USD.

Vậy, các doanh nghiệp Nga đang xuất khẩu những loại nhiên liệu hoá thạch nào và ai là người nhập khẩu những hàng hoá này?

Dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), Visual Capitalist đã thực hiện một biểu đồ thuật lại hoạt động xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch của Nga trong 100 ngày đầu của cuộc chiến.

Nga xuất khẩu được bao nhiêu hàng?

Trong vài năm qua, thị trường năng lượng toàn cầu đã chứng kiến một số cú sốc theo chu kỳ.

Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu khí đã giảm đáng kể trong nhiều năm, sau đó đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến sản lượng sụt giảm mạnh và cuối cùng khiến nguồn cung đi xuống nghiêm trọng.

Mặt khác, người tiêu dùng lại đang sử dụng nhiều năng lượng hơn khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại và mùa đông ngày càng trở nên lạnh lẽ hơn.

Vì lẽ đó, nhu cầu nhiên liệu hoá thạch trên khắp thế giới đã tăng lên ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine và làm trầm trọng thêm cú sốc trên thị trường.

Nga là nhà sản xuất lớn thứ ba và xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai hành tinh. Trong 100 ngày đầu của chiến sự, dầu mỏ là mặt hàng năng lượng xuất khẩu giá trị nhất của Nga, chiếm 48 tỷ USD hoặc tương đương gần một nửa tổng doanh thu xuất khẩu.

Loại nhiên liệu hoá thạch

Doanh thu xuất khẩu trong 100 ngày đầu của chiến sự 

Tỷ trọng so với tổng doanh thu xuất khẩu của Nga
Dầu thô 48,3 tỷ USD                       49,4%
Khí đốt tự nhiên 

25,2 tỷ USD

25,8%
Sản phẩm dầu mỏ khác 13,6 tỷ USD 13,9%
Khí đốt hoá lỏng (LNG) 5,4 tỷ USD

5,5%

Than đá

5 tỷ USD

5,1%
Tổng cộng 97,7 tỷ USD 100%

Trong khi dầu thô của Nga được vận chuyển trên các tàu chở dầu, một mạng lưới đường ống sẽ giúp cung ứng khí đốt của nước này đến các thị trường quan trọng. Trong giai đoạn 100 ngày đầu của cuộc chiến, Nga xuất khẩu được khoảng 25 tỷ USD khí đốt.

Trên thực tế, Nga chiếm 41% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia gần như phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Trong con số 25 tỷ USD nêu trên, 85% được xuất sang EU.

Ai mua nhiều hàng nhất?

Khu vực Eurozone chiếm khoảng 61% doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch của Nga trong 100 ngày đầu chiến sự. Đức, Italy và Hà Lan - các thành viên của cả EU và NATO, là ba trong các nhà nhập khẩu lớn nhất, chỉ xếp sau Trung Quốc.

Quốc gia Giá trị nhập khẩu trong 100 ngày đầu của chiến sự Tỷ trọng so với tổng doanh thu xuất khẩu của Nga
Trung Quốc 13,2 tỷ USD 13,5%
Đức 12,7 tỷ USD 12,9%
Italy 8,2 tỷ USD 8,4%
Hà Lan 8,2 tỷ USD 8,4%
Thổ Nhĩ Kỳ 7 tỷ USD 7,2% 
Ba Lan 4,6 tỷ USD 4,7%
Pháp 4,5 tỷ USD 4,6%
Ấn Độ 3,6 tỷ USD 3,7%
Khác 35,7 tỷ USD 36,5%
Tổng cộng 97,7 tỷ USD 100%

Trung Quốc đã vượt qua Đức để trở thành nhà nhập khẩu năng lượng Nga lớn nhất. Trong tháng 5, đất nước tỷ dân mua gần 2 triệu thùng dầu giá rẻ của Nga, tăng 55% so với một năm trước. Ngoài ra, Nga cũng đã vượt Arab Saudi để trở thành nhà cung ứng dầu lớn nhất của Trung Quốc.

Ấn Độ cũng là nhà nhập khẩu dầu thô Nga lớn trong thời gian qua. Quốc gia Nam Á này mua 18% tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga trong 100 ngày đầu chiến sự.

Một lượng đáng kể dầu đến Ấn Độ đã được tái xuất ra nước ngoài, dưới dạng sản phẩm tinh chế sang Mỹ và châu Âu - các khu vực đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Ai tẩy chay hàng Nga?

Để phản ứng với cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine, một số quốc gia đã có hành động nghiêm khắc chống lại Nga, thông qua các biện pháp trừng phạt như hạn chế nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch.

Mỹ và Thuỵ Điển đã cấm nhập khẩu hoàn toàn năng lượng của Nga. So với thời điểm bắt đầu cuộc tấn công, khối lượng nhập khẩu hàng tháng của hai nước đã giảm lần lượt 100% và 99% trong tháng 5.

 

Trên phạm vi toàn cầu, khối lượng nhiên liệu hoá thạch nhập khẩu từ Nga đã giảm 15% trong tháng 5. Đây là một dấu hiệu cho thấy chính phủ các nước đang tẩy chay Nga về mặt chính trị như thế nào.

Cũng cần lưu ý rằng một số quốc gia châu Âu, bao gồm các nhà nhập khẩu lớn nhất trong 100 ngày đầu tiên của chiến sự, đã giảm thu mua nhiên liệu hoá thạch của Nga.

Bên cạnh kế hoạch cấm vận của EU nhằm bớt phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, một số nước cũng từ chối thanh toán hàng hoá bằng đồng ruble như yêu cầu của Moscow, dẫn đến nhập khẩu đi xuống.

Việc hạn chế mua hàng hoá năng lượng của Nga có thể sẽ tiếp tục. Gần đây, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 6, cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm dầu thô vận chuyển bằng đường biển trước cuối năm nay.

Trong khi EU đang dần loại bỏ dầu thô của Nga, một số quốc gia châu Âu vẫn phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của xứ sở Bạch Dương. Một cuộc tẩy chay toàn diện đối với nhiên liệu hoá thạch của Nga cũng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế lục địa già.

Do đó, kế hoạch loại bỏ hoàn toàn sản phẩm của Nga khỏi nguồn cung năng lượng của khu vực có thể sẽ diễn ra từ từ và tuỳ thuộc vào môi trường địa chính trị đang liên tục thay đổi.

Nội dung: Khả Nhân - Đồ họa: Alex Chu

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.