Hàng trăm tấn cá mú tại Khánh Hòa tắc đầu ra, nông dân trước nguy cơ trắng tay
Gần 400 tấn cá mú tắc đầu ra
Ông Nguyễn Trung Cân, một người nuôi cá mú tại xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh – Khánh Hòa cho biết, hiện gia đình ông có ba đìa nuôi cá mú trân châu mỗi đìa thả khoảng 10.000 con giống.
Đến nay, một đìa của ông Tân cá đã vào size loại 3 (khoảng 3 kg/con) với hơn 6 tấn cá thương phẩm, hai đầm còn lại cá mú cũng đã được hơn 700 g/con gần đủ size để xuất bán.
"Giá và kích cỡ cá mú ngược với các loại thủy sản khác. Cá có giá cao nhất là loại một chỉ khoảng một ký, cá càng lớn thì giá càng giảm nhưng chi phí chăn nuôi ngày một tăng. Đó là chưa kể hao hụt trong quá trình nuôi khi thời gian càng kéo dài.
Hiện tôi còn hơn 6 tấn cá loại ba có giá khoảng 110.000 đồng/kg (loại một khoảng 150.000 đồng/kg), giá cá đã giảm từ 20.000 đến hơn 30.000 đồng/kg so với trước dịch nhưng vẫn không có thương lái mua", ông Cân cho biết.
Cũng theo ông Cân, hiện cá mú đang tắc đầu ra nhưng mỗi ngày ông phải chi khoảng 10 triệu đồng tiền mồi để duy trì đàn.
"Vụ này chắc chắn lỗ nặng, tôi đã muốn bán để thu hồi vốn nhưng không lái nào mua. Mỗi ngày chi mua khoảng một tấn mồi mất hơn 10 triệu đồng cũng chỉ để cầm chừng và duy trì đàn. Vào mùa mưa, giá mồi sẽ tăng và rủi ro cá chết rất cao", ông Cân lo lắng.
Trao đổi với người viết, ông Lê Minh Hải, Trường phòng Kinh tế TP Cam Ranh cho biết, hiện Cam Ranh còn hơn 100 tấn cá mú thương phẩm chưa thể xuất bán.
"Thị trường chính của cá mú là Trung Quốc và các nhà hàng tại các tỉnh thành lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 đầu ra của cá mú đang gặp khó, cá không thể xuất sang Trung Quốc cũng như đến các địa phương.
Chúng tôi có nhờ các siêu thị "giải cứu" nhưng mỗi ngày chỉ tiêu thụ vài chục ký. Địa phương cũng có kiến nghị UBND tỉnh liên hệ với các tỉnh thành Tây Nguyên tiêu thụ để tìm đầu ra cho bà con", ông Hải cho hay.
Không chỉ Cam Ranh, huyện Câm Lâm cùng còn hơn 250 tấn cá mú thương phẩm vượt size loại một với giá giảm sâu nhưng thương lái vẫn "ngó lơ".
Nếu tính trung bình giá cá mú khoảng 130.000 đồng/kg và chỉ tính riêng Cam Lâm và Cam Ranh (chưa tính Vạn Ninh và Ninh Hòa cũng có nhiều hộ nuôi cá mú số lượng lớn) thì người dân đang "ngâm" dưới biển hơn 45 tỷ đồng và số tiền này đang hao hụt mỗi ngày.
Mong được chính quyền bao tiêu
Trao đổi với người viết, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN PT-NT) tỉnh Khánh Hòa cho hay, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, do đó, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến bà con nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, sản lượng nông, thủy sản còn tồn đọng tại các hộ dân vẫn còn khá lớn với ốc hương khoảng 150 tấn, cá mú gần 400 tấn, cá bớp hơn 150 tấn và cá chim khoảng 100 tấn.
Vị này cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp vận động, hỗ trợ, hình thành các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông thủy sản tại siêu thị Co.opmart, Công ty TNHH Nhật Phong, khách sạn Yasaka, điểm hỗ trợ tiêu thụ tại Khu liên cơ ngành nông và hình thành các điểm tiêu thụ tại TP Nha Trang và huyện Cam Lâm.
Bên cạnh đó, UBND huyện Cam Lâm, các tổ chức đoàn thể vận động, kêu gọi hội viên, đoàn viên, cán bộ, công chức trên địa bàn huyện hỗ trợ, tiêu thụ cá mú, ốc hương cho hộ nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng hỗ trợ tiêu thụ hơn 400 triệu đồng nông, thủy sản các loại.
Tuy nhiên, do lượng thủy sản, đặc biệt là cá mú còn lượng tồn lớn lại có giá cao hơn các loại thủy sản khác (hiện cá mú loại hai - khoảng 2kg/con đang được các siêu thị giải cứu với giá 159.000 đồng/kg) nên việc tiêu thụ vẫn gặp khó.
Các hộ dân nuôi cá mú cho biết, với tình hình này họ không dám xuống vụ nuôi mới vì rủi ro quá cao khi đầu ra vẫn tắc và dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hơn hết, nguồn vốn của họ đã cạn dần cũng nhưng khó được ngân hàng cho vay mới.
"Chúng tôi hy vọng chính quyền sớm có giải pháp để người nuôi trồng thủy sản an tâm nuôi trồng. Tôi thấy, một số loại nông sản có thể lưu kho nhiều tháng. Với cá mú hay các loại thủy sản khác nếu chính quyền thu mua trữ đông với giá tối thiểu thì sẽ giúp người dân xoay xở được nhiều, tránh thiệt hại nặng khi thời gian nuôi kéo dài và mưa bão sắp đến", ông Đoàn Ngọc Thành một người nuôi cá mú tại TP Cam Ranh cho hay.
Còn theo các thương lái chuyên thu mua cá mú, hiện cá không xuất được sang Trung Quốc, các địa phương khác cũng gặp khó trong đi lại cũng như các nhà hàng, quán ăn chưa hoạt động trở lại nên họ không thể thu mua hoặc mua trữ hàng với số lượng lớn.