Doanh nghiệp bất động sản tính chuyện mở rộng quỹ đất
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, từ năm 2020, quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,... ngày càng trở nên khan hiếm, giá đất theo đó ngày một tăng cao.
Nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng tìm đến những vùng đất mới, còn nhiều dư địa để phát triển dự án như Tây Nguyên, các tỉnh ven biển miền Trung, phía Tây Bắc hay các đô thị vệ tinh Hà Nội, TP HCM,...
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, nhiều doanh nghiệp đã trình kế hoạch mở rộng quỹ đất và được cổ đông thông qua, nhằm chuẩn bị chiến lược dài hơi sau giai đoạn dịch COVID-19 và phục vụ mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Novaland, Đất Xanh muốn mở rộng quỹ đất gấp 2-3 lần
Theo kế hoạch kinh doanh do CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) công bố, soanh song với các dự án đang triển khai, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm quỹ đất tại Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt - Lâm Đồng, Ninh Thuận, Nha Trang, Phan Thiết,....
Mục tiêu đến năm 2030, Novaland có thêm quỹ đất 10.000 ha, tập trung ở Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa,…). Tính đến hết tháng 3/2021, Novaland sở hữu quỹ đất 5.400 ha, tổng giá trị phát triển dự án trên quỹ đất này ước đạt 45 tỷ USD.
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) cũng có chiến lược cụ thể trong việc mở rộng quỹ đất. Giai đoạn 2020 - 2025, doanh nghiệp dự kiến triển khai các khu đô thị với quy mô 100 - 200 ha/dự án tại các đô thị loại I và loại II.
Bên cạnh đó, Đất Xanh sẽ thâu tóm các quỹ đất có quy mô lớn hơn 200 ha để chuẩn bị phát triển đô thị lớn và M&A quỹ đất khu công nghiệp có quy mô 500 - 1.000 ha. Dự kiến đến năm 2030, Đất Xanh hướng đến mục tiêu có quỹ đất 10.000 ha.
Tính đến hết năm 2020, Đất Xanh đang phát triển khoảng 25 dự án tại 9 tỉnh, thành với tổng quỹ đất hơn 2.295 ha và tổng giá trị đầu tư 118.087 tỷ đồng.
Tại CTCP Vinhomes (Mã: VHM), với chiến lược tập trung phát triển các đại đô thị với quy mô dự án lớn, doanh nghiệp cũng không ngừng tìm kiếm và bổ sung quỹ đất theo hướng thận trọng, với chi phí và giá phù hợp.
Thông tin từ Chứng khoán BSC cho biết, tổng giá trị phát triển ròng (GDV) và tổng quỹ đất phát triển dự kiến của Vinhomes giai đoạn 2020 - 2025 ước tính lần lượt đạt khoảng 48,2 tỷ USD và 73 triệu m2.
Dữ liệu từ VNDirect và Chứng khoán Phú Hưng cho thấy, Vinhomes đang sở hữu quỹ đất hơn 16.000 ha, là doanh nghiệp có quỹ đất lớn nhất trong số các doanh nghiệp BĐS.
Một doanh nghiệp khác là Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) cũng có kế hoạch nghiên cứu đầu tư 13 dự án mới với quy mô trên 2.000 ha trong giai đoạn 2021-2025. Đến hết năm 2020, DIC Corp sở hữu quỹ đất khoảng 8.000 ha, tập trung tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Hậu Giang, Hà Nam,…
Nam Long, LDG hướng đến thị trường phía Bắc; Khang Điền tập trung phát triển ở ngoại đô TP HCM
Không chỉ dừng lại ở các tỉnh miền Trung, nhiều doanh nghiệp bất động sản phía Nam có kế hoach mở rộng đầu tư ở thị trường phía Bắc.
Đơn cử như CTCP Đầu tư LDG (Mã: LDG) cho biết, doanh nghiệp đang triển khai thủ tục đầu tư khu đô thị LDG miền Bắc (418,6 ha) ở TP Hạ Long, Quảng Ninh. Hiện nay, LDG đã và đang thực hiện đầu tư 15 dự án với tổng diện tích hơn 800 ha. Gần nhất vào tháng 1/2021, LDG nhận chuyển nhượng dự án Vạn Hương gần 496 ha tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Thị trường miền Bắc cũng là mục tiêu phát triển của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) trong giai đoạn tới. Theo ban lãnh đạo Nam Long, công ty sẽ phát triển mảng lõi tại TP HCM và các tỉnh thành lớn, đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng ra Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ.
Riêng tại Hải Phòng, trong năm 2021, Công ty TNHH Kikyo Valora - doanh nghiệp do Nam Long nắm hơn 50% quyền biểu quyết - dự kiến triển khai dự án VSIP Hải Phòng (21,4 ha) tại khu công nghiệp VSIP, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Theo kế hoạch, Nam Long sẽ chi khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm nay để mở rộng quỹ đất; doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất 100 ha tại tại TP Thủ Đức. Tính đến năm 2020, Nam Long sở hữu quỹ đất 681 ha.
Tại TP HCM, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH) là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn với hơn 500 ha tính đến hết năm 2020, tập trung tại khu Đông và khu Nam Sài Gòn, trong đó có 100 ha đất công nghiệp.
Bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT Khang Điền cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm các khu đất mới ở quận 2 và quận 9, nay là TP Thủ Đức. Doanh nghiệp còn khu đất 329 ha tại quận Bình Tân và dự án 109 ha ở Bình Chánh đang thực hiện các thủ tục pháp lý.
Một doanh nghiệp phía Nam khác là CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) cũng đang trong quá trình đàm phán mua thêm 30 - 50 ha đất để phát triển dự án thấp tầng. Sắp tới, An Gia vẫn tập trung tại thị trường TP HCM (quận 7, quận 9, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè).
Lãnh đạo An Gia cho biết, doanh nghiệp có kế hoạch mua thêm quỹ đất sạch ở những địa phương lân cận TP HCM có nhu cầu ở thực cao như Long An, Bình Dương, Đồng Nai,... Doanh nghiệp sẽ dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng mỗi năm để mua thêm quỹ đất phục vụ phát triển giai đoạn 2024 - 2027.
Về phía CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, Mã: SGR), ngoài thị trường truyền thống TP HCM, năm nay doanh nghiệp dự kiến triển khai một số dự án như khu nhà ở Saigonres Vũng Tàu; khu nhà ở Saigonres Bình Thuận; khu đô thị Việt Xanh ở Hòa Bình;... Song song với đó, Saigonres sẽ tiếp tục tìm kiếm dự án đầu tư tại các địa phương có ngành du lịch và công nghiệp phát triển mạnh.
Đối với CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), doanh nghiệp tiếp tục kế hoạch gia tăng quỹ đất cho các dự án khu công nghiệp ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,… mục tiêu cung cấp cho thị trường khoảng 300.000 m2 kho bãi logistics.
Thông tin từ lãnh đạo Phát Đạt, doanh nghiệp đã ký với một đối tác lớn với tổng quỹ đất 6.000 ha nhưng chưa thể công bố chi tiết. Ngoài ra, doanh nghiệp đang tập trung một khu vực mới là Đà Nẵng để phát triển trong thời gian tới. Tính đến năm 2020, Phát Đạt đang sở hữu quỹ đất gần 460 ha.