|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lãnh đạo Trung Nguyên Legend chia sẻ bí quyết để trở thành thương hiệu cà phê nhập khẩu có thị phần lớn nhất Trung Quốc

11:05 | 12/05/2022
Chia sẻ
Việc xác định "Trung Quốc không phải thị trường dễ tính" và liên tục phát triển sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng là yếu tố quan trọng nhất giúp cà phê của Trung Nguyên Legend có được thị phần ở thị trường 1,4 tỷ dân.

“Mỗi năm, Trung Nguyên Legend bán khoảng 800 triệu ly cà phê G7 tại Trung Quốc. Cứ 18 ly cà phê của bất kỳ thương hiệu nào bán ra thị trường thì có ít nhất 1 ly của G7”, ông Lý Thanh Hải, Giám đốc Phát triển kinh doanh thị trường toàn Trung Quốc của Tập đoàn Trung Nguyên Legend, chia sẻ tại hội nghị giao thương trực tuyến đồ uống Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 mới đây.

Trung Quốc là thị trường lớn nhưng rất "khó tính"

Nhận định về thị trường 1,4 tỷ dân này, ông Lý Thanh Hải khẳng định sức mua của thị trường Trung Quốc là vô cùng lớn và hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải nhìn nhận đây là một thị trường khó tính, phát triển nhanh và xu hướng liên tục thay đổi.

Ông Lý Thanh Hải, Giám đốc Phát triển kinh doanh thị trường toàn Trung Quốc của Tập đoàn Trung Nguyên Legend. (Ảnh chụp màn hình sự kiện).

Người tiêu dùng Trung Quốc luôn mở rộng cánh cửa chào đón các sản phẩm đồ uống nhập khẩu. Tuy nhiên, họ muốn được trải nghiệm những thứ mới. Do vậy, doanh nghiệp phải tung ra sản phẩm có mùi vị mới theo xu hướng của từng năm, đồng thời cải tiến bao bì, nhãn mác.

Đồng thời, Trung Quốc là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt với hàng triệu thương hiệu cùng nhau san sẻ thị phần.

"Nếu doanh nghiệp nước ngoài giữ tư tưởng chỉ buôn bán thương mại đơn thuần, không đầu tư phát triển thị trường, marketing sẽ dễ dàng bị phớt lờ trước hàng triệu thương hiệu khác vốn rất tích cực quảng bá”, ông Hải cho biết.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc, ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh văn phòng Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 8 của Việt Nam, tăng 4 bậc so với năm 2018.

4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc tăng mạnh 14.000 tấn, 44 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, sản lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch vẫn tăng nhờ giá bán cà phê phục hồi và tỷ trọng cà phê chế biến cao.

Tổ chức cà phê thế giới (ICO) cũng đánh giá Trung Quốc là thị trường mới nổi về tiêu dùng cà phê, mức tiêu thụ ở mức cao và ổn định. 

Phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc thua lỗ nhiều năm

Chia sẻ về bí quyết đã giúp G7 trở thành thương hiệu cà phê hòa tan nhập khẩu có thị phần lớn nhất Trung Quốc, ông Hải cho rằng doanh nghiệp cần chú ý 4 điểm cốt lõi, bao gồm tâm lý, đầu tư, kiến thức về thị trường bản địa và kết nối với đoàn thể của quốc gia tại Trung Quốc.

Trước khi mở văn phòng tại Trung Quốc, bản thân Trung Nguyên Legend đã mất hơn một năm chỉ để xây dựng kế hoạch, nguồn lực và mất 5 năm để chuẩn bị bán sản phẩm mang thương hiệu doanh nghiệp tại thị trường này.

Ngoài yếu tố tâm lý, ông Lý Thanh Hải nhấn mạnh doanh nghiệp cần xác định rõ việc tham gia thị trường Trung Quốc là hành trình dài hơi và khoản đầu tư dài hạn.

Do vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, nguồn lực đủ cho thời gian tối thiểu 3-5 năm. Thực tế, có thương hiệu xây dựng kế hoạch 10 - 15 năm đầu tiên không có lợi nhuận.

 

Tại Trung Quốc, Trung Nguyên Legend có 15 nhà nhập khẩu, 300 nhà phân phối, 300.000 điểm bán trực tiếp và hàng vạn cửa hàng online. Tính chung, tập đoàn này có khoảng 15 triệu khách hàng thường xuyên tại Trung Quốc.

Ông Lý Thanh Hải

Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Để phát triển mảng đồ uống ở Trung Quốc, một yếu tố quan trọng khác là trang bị kiến thức về thị trường bản địa. Trong đó, phương án dễ dàng nhất là thông qua hệ thống nhân sự địa phương.

Cà phê Việt cũng có nhiều thế mạnh khi xuất khẩu sang nước láng giềng Trung Quốc. Đại diện Vicofa cho hay ngoài nhu cầu ổn định từ thị trường này, Việt Nam có ưu thế khi nguồn cung cà phê chất lượng cao lớn với 680.000 ha trồng cà phê chất lượng cao.

Đồng thời, cả nước có hơn 620 nhà máy chế biến cà phê rang xay với công suất trên 80.000 tấn/năm.Công suất các nhà máy chế biến cà phê hòa tan khoảng trên 52.000 tấn/năm; Công suất các nhà máy chế biến cà phủ phối trộn, khoảng 190.000 tấn/năm. 

Cùng với đó, giao thương Việt Nam – Trung Quốc ngày càng gắt kết nhờ các hiệp định thương mại tự do và hiệp định RCEPT. Hệ thống giao thông ở cả đường sắt, đường biển, đường cửa khẩu đều thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị phần ở Trung Quốc. 

Phạm Mơ