ĐHĐCĐ Hoà Phát: Đã bán hết tồn kho giá cao, ước lãi sau thuế 2.800 tỷ đồng quý I
Sáng 11/4, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Hà Nội.
Mở đầu buổi họp, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT đã cập nhập thông tin tới các nhà đầu tư, theo thông tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), tập đoàn có trên 170.000 cổ đông tính tới ngày chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ.
Ông Long cho biết Hoà Phát là doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
"Dưới một góc nhìn nào đó chúng ta cảm thấy tự hào. Lượng cổ đông lớn và lượng giao dịch hàng ngày lớn chứng tỏ tính đại chúng của tập đoàn rất cao", ông Long chia sẻ.
Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023.
Hoà Phát nhận định ngành thép thế giới và Việt Nam, trong đó có Hòa Phát tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức còn hiện hữu trong năm 2024.
Thứ nhất, quá trình phục hồi chậm của nền kinh tế Trung Quốc. Thứ hai, xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra từ cuối tháng 2/2022 đẩy quan hệ Mỹ, EU liên tục đưa những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với Nga làm giá cả các mặt hàng năng lượng, lương thực, thiết yếu vẫn tiếp tục duy trì ở mức giá cao, lạm phát gia tăng, cầu tiêu dùng yếu, tác động đáng kể đối với kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ thương mại vẫn tiếp tục đang gia tăng tại nhiều khu vực và quốc gia. Cùng với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn đối với các lĩnh vực sản suất của tập đoàn, đặc biệt là thép.
Yếu tố khác là tỷ giá vẫn neo ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất của các đơn vị nhập khẩu.
Ban điều hành tập đoàn nhận định, năm 2024 doanh thu dự kiến tăng so với năm 2023 phần lớn là từ sản lượng do kỳ vọng sự quay trở lại của các nhà phát triển bất động sản sau khi Luật Đất đai 2024 được ban hành. Giá nguyên nhiên liệu có xu hướng tăng, giá bán tăng không tương xứng, chi phí tài chính lớn do dự báo lãi suất vẫn tiếp tục duy trì trạng thái cao.
Ban lãnh đạo Tập đoàn đặt mục tiêu tăng dần sản lượng sản xuất phù hợp với diễn biến thị trường và đảm bảo tiêu thụ hết số lượng sản phẩm sản xuất ra.
Quản trị tốt hàng tồn kho, theo sát diễn biến giá nguyên liệu, có chính sách điều tiết hợp lý. Tập đoàn sẽ cập nhật biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt xu hướng tỷ giá, lãi suất để có chính sách điều hành ngưỡng vay nợ an toàn, giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá, dòng tiền hiệu quả.
Đang nghiên cứu hai sản phẩm mới
Chia sẻ tại buổi họp, ông Trần Đình Long cho biết: "Trong chiến lược dài hạn của Hoà Phát sau khi hoàn thành khu liên hợp Dung Quất 2, tập đoàn sẽ tăng cường sản xuất mặt hàng yêu cầu công nghệ sản xuất cao, đầu tư lớn và khó.
Sau khi làm xong Dung Quất 2, tập đoàn sẽ có công suất khoảng 11 triệu tấn. Nếu sản xuất thép xây dựng thì chỉ phải bỏ ra 3-4 tỷ USD là làm được. Song để sản xuất được thép chất lượng cao thì phải đầu tư lớn. Tổng đầu tư sau khi hoàn thành cả Dung Quất 1 và 2 theo thời giá trước đây và bây giờ thì riêng phần máy móc thiết bị, tập đoàn đã phải đầu tư trên dưới 7 tỷ USD.
Hai sản phẩm ống thép và tôn là tồn tại lịch sử của Hoà Phát, tập đoàn không có chiến lược mở rộng quy mô thêm do có nhiều doanh nghiệp làm và sản phẩm tương đối dễ, đầu tư quy mô nhỏ.
Nếu có nhu cầu thị trường, muốn tăng sản lượng, tập đoàn sẽ mua thêm máy móc thiết bị dạng nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu chứ không mở rộng sản xuất. Hoà Phát từ nay trở đi chỉ nghiên cứu sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, khó, đầu tư lớn.
Sau khi hoàn thành Dung Quất 2, sản phẩm thép của Hoà Phát có thể dùng để sản xuất ô tô, đóng tàu, các sản phẩm quân sự, thép chế tạo - đây những sản phẩm rất khó.
Ông Long tiết lộ: "Hoà Phát đang nghiên cứu sản xuất tôn silic - sản phẩm làm cho các loại mô tơ điện, biến thế, đặc biệt là mô tơ điện dùng cho công nghiệp xe điện.
Ở Việt Nam mới có một đơn vị sản xuất nhưng chỉ gia công (nguyên liệu nhập về) còn Hoà Phát có định hướng sản xuất từ gốc. Làm tôn silic rất khó. Chưa có đơn vị nào ở Việt Nam nghiên cứu sản xuất sản phẩm này.
Sản phẩm thứ hai tập đoàn đang nghiên cứu là sản xuất thép đường ray - đáp ứng cho tàu chạy từ 800 - 1.000 km/giờ tức thép cường độ cao. Hi vọng sau này khi chính phủ làm đường sắt Bắc - Nam thì Hoà Phát có thể tham gia vào cung cấp thép đường ray", người đứng đầu tập đoàn thông tin.
Dự kiến trả cổ tức 10% năm 2024
Về phương án phân phối lợi nhuận, với khoảng 6.800 tỷ lợi nhuận sau thuế, Hòa Phát dự kiến trích 340 tỷ đồng cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi và 68 tỷ đồng để trả thù lao HĐQT và Ban kiểm soát. Lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ còn đến 6.392 tỷ đồng.
Theo đó, HĐQT đề xuất phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 (thưởng cổ phiếu) với tỷ lệ 10%. Tập đoàn theo đó sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng.
Nguồn vốn được lấy từ thặng dư vốn cổ phần 3.212 tỷ đồng và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với giá trị 2.603 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý II sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận cho năm 2024, Hòa Phát dự định trích tối đa 5% lợi nhuận thực đạt cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi và trích tối đa 5% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch để thưởng Ban điều hành.
Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đề xuất kế hoạch chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ dự kiến 10%.
Thảo luận
Tập đoàn có kế hoạch đưa thương hiệu ở mảng nông nghiệp ra đại chúng và các kênh phân phối trong nước hay không?
Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc: Mảng nông nghiệp có 4 sản phẩm chính: thức ăn chăn nuôi, thịt heo, trứng, thịt bò. Hiện thịt heo, thịt bò bán ở dạng trang trại, không bán ở dạng giết mổ nên không cần thương hiệu. Tập đoàn chưa có chiến lược phát triễn chuỗi giết mổ như thương hiệu MEATdeli.
Hoà Phát chủ yếu nhập than, quặng từ Úc (chiếm trên 70%), có rủi ro gì về nhà cung cấp không?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Than, quặng là hai nguyên liệu chính sản xuất thép.
Việc mua quặng không phải chỉ mình Hoà Phát mà tất cả các doanh nghiệp thép trên thế giới đều mua ở Úc, Brazil. Với sản phẩm than thì tập đoàn có nhập ở Úc, Mỹ cùng một số thị trường khác. Do đó, tập đoàn không thấy có rủi ro gì về vấn đề này.
Giá thép khó khăn, ban lãnh đạo có định hướng bán hàng ra sao đối với dự án Dung Quất 2?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Thép xây dựng và thép HRC là hai sản phẩm chính của tập đoàn. Trong giai đoạn khó khăn, HPG vẫn duy trì không để thị phần giảm đi.
Ngoài tiêu thụ thép xây dựng trong nước là chủ yếu thì tập đoàn còn xuất khẩu ra Đông Nam Á là chính. Thép xây dựng không có vấn đề lớn về bán hàng mặc dù giai đoạn vừa qua rất khó khăn ở thị trường bất động sản.
Năm 2024, công tác đầu tư công đang được chính phủ đang đầu tư mạnh. Thép Hoà Phát đã đi vào rất nhiều dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất, các dự án cầu đường đều sử dụng thép của tập đoàn. Đây sẽ là nguồn tiêu thụ thép xây dựng tốt của Hoà Phát thời gian tới.
Về thép HRC, năm nay chưa có sản phẩm của dự án Dung Quất 2, chỉ có Dung Quất 1. Hoà Phát vẫn có cả hai thị trường gồm nội địa và xuất khẩu.
Bộ phận xuất khẩu đang tập trung mở thêm nhiều thị trường chưa khai phá để sang năm khi ra sản phẩm của Dung Quất 2 phân kỳ 1 chúng ta sẽ bán được hết hàng.
Tiến độ dự án Dung Quất 2, hiệu quả dự án sau khi đi vào hoạt động?
- TIN LIÊN QUAN
-
Hoà Phát sẽ làm tôn silic cho xe điện và đường ray tàu cao tốc 11/04/2024 - 10:42
Ông Trần Đình Long: Dự kiến tháng 9/2026 toàn bộ dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn tất. Vốn đầu tư đã đủ cho cả Dung Quất 1 và 2.
Nhanh thì cuối năm nay Hoà Phát có thể sản xuất HRC, chậm thì quý I/2025. Ban đầu tập đoàn sẽ mất thời gian chạy thử. Năm 2025, ước tính có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC ở Dung Quất 2 cộng với 3 triệu tấn ở Dung Quất 1.
Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn. Với giá bán hiện nay (600 USD/tấn) thì tập đoàn sẽ có thêm 70.000 tỷ cộng tới doanh thu hiện tại thì tổng doanh thu tập đoàn có thể đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.
Năm ngoái tập đoàn từng có đề xuất nghiên cứu dự án Alumin ở Đăk Nông, trong tương lai xa hơn Hoà Phát có định hướng tới ngành luyện kim màu như nhôm không?
- TIN LIÊN QUAN
-
Chủ tịch Hoà Phát: Không thể chấp nhận hàng hoá nhập khẩu nhiều hơn sản xuất trong nước 11/04/2024 - 10:09
Ông Trần Đình Long: Chúng tôi đã nghiên cứu sản xuất bô xít và nhôm tại Đăk Nông nhưng hai tuần trước tôi cũng phải chia sẻ với lãnh đạo tỉnh rằng, Hòa Phát chưa tuyên bố bỏ nghiên cứu dự án này nhưng nếu có doanh nghiệp khác ngỏ lời, thì có thể để cơ hội cho người ta.
Trong 5-10 năm tới, Hòa Phát muốn dành toàn lực cho sản xuất thép - khi thị trường hiện cạnh tranh rất khốc liệt nên sẽ không mở rộng thêm sang kim loại màu.
Hệ thống cảng biển, logistics đang được đề xuất xây dựng ở Phú Yên có phải mảng mới của công ty không?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Tại Dung Quất, tập đoàn có hai cụm cảng, một cảng phục vụ cho hàng hoá ở nhà máy thép. Cảng thứ hai là cảng tổng hợp vừa phục vụ cho nhà máy Dung Quất vừa phục vụ cho khu kinh tế Dung Quất. Công suất hai cảng lên tới 50 triệu tấn/năm, nhưng chủ yếu phục vụ nhà máy thép Dung Quất..
Ở Phú Yên, tập đoàn đang đề xuất dự án cảng Bãi Gốc. Cảng này sẽ phục vụ cho dự án thép ở Phú Yên, ngoài ra còn phục vụ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Kế hoạch triển khai dự án bất động sản của Hoà Phát?
Ông Trần Đình Long: Chiến trường thép khốc liệt quá nên trong 5-10 năm tới Hoà Phát chỉ tập trung làm thép vì nguồn lực có hạn. Tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự án nhà ở đã đủ pháp lý như dự án ở Khu đô thị mới Phố Nối hoặc một vài dự án khác đã được các tỉnh giao nghiên cứu. Còn doanh nghiệp sẽ không tiếp tục mở rộng thêm bất động sản nhà ở.
Còn Hoà Phát sẽ tập trung cao độ cho kinh doanh bất động sản khu công nghiệp - nghề mà Hoà Phát làm 30 năm nay tương đối tốt.
Ước tính kết quả kinh doanh quý I/2024?
Ông Trần Đình Long: Quý I có thể nói là tương đối tốt, tập đoàn làm được tốt hai việc. Thứ nhất là tăng sản lượng bán hàng so với cùng kỳ. Thứ hai là bán hết tồn kho giá cao, quý này có thể thiệt một chút nhưng sẽ tốt cho các quý sau. Chưa bao giờ tập đoàn kéo tồn kho xuống thấp như hiện nay.
Ước tính sơ bộ, Hoà Phát ghi nhận khoảng 31.000 tỷ đồng doanh thu quý I, 2.800 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Thông tin chi tiết thêm về câu chuyện Hoà Phát và Formasa gửi đơn yêu cầu khởi xướng điều tra thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Trần Đình Long: Đây là điều rất thông thường. Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước.
Tính riêng quý I, Hoà Phát và Formosa sản xuất 2 triệu tấn, trong khi nhập khẩu tới 3 triệu tấn, riêng nhập từ Trung Quốc khoảng 2,3 triệu tấn.
Theo cá nhân tôi thì việc nhóm tôn mạ lo lắng là chính đáng. Bản thân họ quá lo lắng thì thường suy nghĩ chưa thấu đáo.
Việc khởi xướng điều tra không có nghĩa là giá nguyên liệu sẽ lên. Hiện, Hòa Phát và Formosa chỉ khởi kiện một vài công ty Trung Quốc bán phá giá chứ không phải tất cả.
Nếu khởi xướng điều tra thấy có dấu hiệu thì xung quanh Việt Nam có rất nhiều quốc gia như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,… cũng bán HRC.
Áp thuế chống bán phá giá không có nghĩa sẽ khiến giá bán bị đẩy lên cao. Chưa biết chừng, nếu có thuế chống bán phá giá thì ngành tôn mạ sẽ tốt hơn, giá cả ổn định hơn.
Việc khởi xướng điều tra thường kéo dài 12-18 tháng, tức tới năm 2026. Năm 2026, khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì tổng công suất HRC của Hoà Phát sẽ tăng lên 8,6 triệu tấn HRC, trong khi năng lực hiện tại của Formosa là 5 triệu tấn tức tổng sản xuất HRC trong nước gần 14 triệu tấn. Trong khi năm 2023, nhu cầu thép HRC là hơn 11 triệu tấn.
Liên quan tới câu chuyện tỷ giá, đây là vấn đề khách quan và Hoà Phát có công cụ phái sinh để phòng vệ nhưng chưa hiệu quả. Ban lãnh đạo có chiến lược ra sao về vấn đề này?
Ông Trần Đình Long: Đây là một bài toán khó với nhiều doanh nghiệp. Tập đoàn cũng hạn chế tối đa vay ngoại tệ. Hết quý I, tập đoàn vay 400 triệu USD bằng USD, đã trích lập dự phòng 200 tỷ nên công ty đang áp dụng nhiều biện pháp để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Tập đoàn có kế hoạch tăng đòn bẩy tài chính không?
Ông Trần Đình Long: Trong tương lai gần, Hoà Phát sẽ không tăng đòn bẩy tài chính. Trên thị trường tài chính câu chuyện này rất rõ, nhiều doanh nghiệp lạm dụng có hậu quả lớn.
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu các thị trường EU, châu Mỹ?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Giai đoạn này, tập đoàn chủ yếu xuất khẩu châu Âu là chính và một phần sang Mexico ở châu Mỹ.
Với châu Âu, nền kinh tế vẫn đang ở giai đoạn hồi phục, nhu cầu vẫn có và tập đoàn tiếp tục xuất khẩu. Hiện chúng ta có vấn đề về quota nhưng với lượng sản xuất của tập đoàn có thể bán sang thị trường Mỹ - đây là thị trường Hoà Phát đang nghiên cứu. Đặc biệt, Mỹ đang nghiên cứu đưa Việt Nam ra khỏi các vấn đề về kinh tế thị trường nên kỳ vọng thời gian tới có thể đưa hàng qua Mỹ.
Quan trọng là bán được hết hàng, thị trường nào cũng được. Với các diễn biến kinh tế như hiện nay thì trong năm 2024, tập đoàn sẽ bán hết đơn hàng.
Về dự án thép ở Phú Yên, tổng mức đầu tư dự kiến bao nhiêu?
Ông Trần Đình Long: Chiến lược phát triển của Hoà Phát trong 5-10 năm tới trở thành 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Vì vậy chúng ta sẽ không dừng lại. Trong ngành thép, với sản lượng, quy mô nhỏ, sản phẩm không tốt thì sớm muộn cũng bị đè bẹp nên chúng ta phải vươn lên.
Dự án thép Phú Yên dự kiến có vốn đầu tư tương đương dự án Dung Quất 2, trên 5 tỷ USD.
Kế hoạch phân bổ nguồn lợi nhuận giữ lại của tập đoàn trong tương lai ra sao?
Ông Trần Đình Long: Cổ đông góp vốn cũng cần phải thu lợi nhuận. Trong một quá trình xuyên suốt, Hoà Phát là một trong số ít các công ty mà luôn cân đối hài hoà nguồn tiền. Mấy năm vừa qua, tập đoàn đầu tư rất nhiều, rất khó khăn.
Bản thân tôi là Chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất, xin chia sẻ đường lối tập đoàn không có gì thay đổi. Có thể từ 2025 sẽ chia cổ tức tiền mặt lại cho cổ đông còn một phần để đầu tư.