|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ Eximbank: Kế hoạch lãi trước thuế 5.000 tỷ trong năm 2023, quý I lãi trên 900 tỷ đồng

12:44 | 14/04/2023
Chia sẻ
Lãnh đạo Eximbank cho biết kế hoạch kinh doanh 2023 đã được tính toán kĩ và HĐQT đã lên các phương án để thực hiện được ít nhất 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

 

Cổ đông Eximbank làm thủ tục tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2023 của ngân hàng sáng ngày 14/4. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Tính đến 8 giờ 13 phút, có 171 cổ đông sở hữu 904.820.458 cổ phần tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, Mã: EIB), chiếm 73,59% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Theo đó, đại hội đủ điều kiện tiến hành.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, Mã: EIB) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào sáng nay (14/4). (Ảnh: Eximbank).

Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 35%, tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,6%

Tài liệu đại hội cho biết HĐQT dự kiến trình kế hoạch kinh doanh 2023 với lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng (tăng 35% so với kết quả đạt được trong năm 2022); dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trên 16.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nhóm 3-nhóm 5) tối đa 1,6%; tổng tài sản chạm mốc 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5%.

Riêng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ban Tổng Giám đốc đã trình và được HĐQT thông qua. Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, ngân hàng sẽ xin Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Đối với hoạt động đầu tư, Eximbank có kế hoạch mở mới 8 điểm giao dịch trong năm nay, bao gồm 4 chi nhánh và 4 phòng giao dịch.

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để thực hiện dự án Tòa nhà Hội sở Eximbank (số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM); hoàn thiện pháp lý và lập dự toán đầu tư các tài sản thuộc sở hữu của Eximbank tại Hải Phòng, Đà Nẵng; hoàn thiện pháp lý bất động sản ở quận 7, TP HCM để làm trụ sở chi nhánh.

(Đvt: Tỷ đồng). (Nguồn: Eximbank).

Giảm mạnh danh mục đầu tư trái phiếu

Trong năm 2022, Eximbank đạt trên 3.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 45% kế hoạch . Lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ còn hơn 2.300 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 11,6% lên hơn 185.000 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 148.615 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2021.

Eximbank đã trình và NHNN chấp thuận điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 11,2% và 13,2%.  Dư nợ cấp tín dụng trong năm tăng trưởng 13% so với cùng kỳ và vượt 3% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,8%, giảm 0,14 điểm % so với năm 2021 và tăng 0,1 điểm % so với kế hoạch.

 

Theo HĐQT, ngân hàng đã giảm mạnh danh mục đầu tư trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, ưu tiên vốn cho vay phục vụ tiêu dùng thiết yếu, sản xuất kinh doanh. Cơ cấu danh mục cho vay tập trung tăng trưởng vào phân khúc khách hàng SME, cá nhân, cho vay nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; giảm dần hạn mức các khoản vay không có tài sản bảo đảm.

Tính đến cuối năm 2022, Eximbank đã trích và sử dụng dự phòng rủi ro trên 1.300 tỷ đồng, trong đó dự phòng chung 966 tỷ đồng, dự phòng cụ thể 342 tỷ đồng. Tổng số dự phòng cụ thể đã sử dụng để xử lý nợ trong năm là 166 tỷ đồng.

 Giá trị ghi sổ danh mục đầu tư tài chính của Eximbank. (Nguồn: Eximbank).

Đề xuất bán hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ

Eximbank vừa phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong thời gian tới nên HĐQT đề xuất với cổ đông bán toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ.

Trong tháng 3 vừa qua, Eximbank đã phát hành gần 246 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.

Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng, dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, trụ sở làm việc, đầu tư công nghệ,...

Phiên thảo luận

Cổ đông: Eximbank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam. Ngân hàng đã và đang có kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ bởi quá ít so với các ngân hàng khác. Tâm lý của cổ đông thích chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng tôi thấy chia bằng cổ phiếu có lợi hơn, qua đó tăng vốn điều lệ tốt hơn.

Thứ hai, tôi chưa thấy ban điều hành đề cập thông tin xây trụ sở tại đại hội hôm nay. Tiền thuê trụ sở mấy năm nay đủ sức xây trụ sở ở Lê Thị Hồng Gấm. Đề nghị ban điều hành lên phương án triển khai gấp.

Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú: Tại đại hội bất thường trước đã thông qua phương án xây dựng. Chúng ta còn vướng pháp lý, cần xin giấy phép và phê duyệt quy hoạch tại TP HCM, sau đó thiết kế lại mô hình và các công năng bên trong tòa nhà (hoàn toàn là công năng văn phòng phục vụ cho chính ngân hàng và các công ty liên quan).

Bản thân HĐQT cũng nhận thức được hao phí khi có khu đất nhưng chưa xây được trụ sở. Đây là nhiệm vụ trọng điểm năm nay. Tuy nhiên, phải chờ được phê duyệt pháp lý thì chúng ta mới thực hiện được.

Cổ đông: Kết quả kinh doanh quý I/2023? Cơ sở kế hoạch kinh doanh năm nay?

Tổng Giám đốc Trần Tấn Lộc: Kế hoạch năm nay được tính toán rất kỹ, dự đoán tình hình kinh tế trong và ngoài nước, chúng tôi có phương án để làm sao thực hiện được ít nhất 5.000 tỷ lãi trước thuế. Quý I đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú: Nhiệm kỳ này chúng tôi đã tái cấu trúc mạnh mẽ và tiếp tục trong năm 2023, xử lý nhân sự, quy trình quy định, hình ảnh và các mảng kinh doanh của ngân hàng. Đó là lý do tại sao chúng tôi tự tin vào kế hoạch năm nay và hết quý I đã đi đúng lộ trình.

Cổ đông: Hiện ngân hàng đang áp dụng chuẩn Basel bao nhiêu?

Tổng Giám đốc Trần Tấn Lộc: Hiện ngân hàng đang áp dụng Basel II và đang triển khai tiếp để áp dụng Basel III.

Ngoài ra, sắp tới ngân hàng sẽ áp dụng công bố thông tin theo chuẩn quốc tế để thông tin sát hơn với thực tế và minh bạch hơn.

Cổ đông: Một số ngân hàng khác đã có chiến lược bán lẻ digital banking hoặc app, chiến lược của Eximbank trong vấn đề này như thế nào? Chiến lược bán lẻ SME và khách hàng doanh nghiệp?

Tổng Giám đốc Trần Tấn Lộc: Mảng ngân số digital banking của Eximbank trong thời gian rồi hạn chế. Năm 2022, ngân hàng nhận thấy rõ điều này và đã tập trung đẩy nhanh hơn.

Về chiến lược bán lẻ, năm rồi có sự thay đổi, cơ cấu danh mục cho vay của ngân hàng tập trung tăng trưởng vào phân khúc khách hàng SME, cá nhân, cho vay nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; qua đó đóng góp tương đối tốt và kết quả kinh doanh chung. Thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng cơ cấu cho vay này. 

Cổ đông: Vừa rồi có thông tin Eximbank thay đổi phí dịch vụ SMS trong khi các ngân hàng khác giữ nguyên, lý do thay đổi này là gì?

Tổng Giám đốc Trần Tấn Lộc: Trước đây bộ phận dịch vụ có tính toán và đưa ra phương án điều chỉnh phí nhưng sau đó ngân hàng đã quyết định không tăng phí, hiện tại vẫn giữ nguyên. 

Tổng Giám đốc Amber Capital vào Ban kiểm soát Eximbank

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua việc bầu bổ sung một thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025). Bà Doãn Hồ Lan là ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và được cổ đông thông qua, trở thành thành viên ban kiểm soát không chuyên trách của Eximbank.

Bà Doãn Hồ Lan sinh năm 1981, quê quán Hà Nội, là cử nhân Đại học Kinh tế Quốc Dân và cử nhân Đại học Hà Nội.

Bà Doãn Hồ Lan, Tổng Giám đốc, kiêm Thành viên HĐQT Amber Capital vào Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh:Amber Capital).

Quá trình công tác của tân thành viên ban kiểm soát Eximbank như sau:

Tháng 9/2004 – tháng 1/2007: Nhân viên Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội số 22.

Tháng 1-9/2007: Chuyên viên Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Tháng 9/2007 – tháng 8/2008: Chuyên viên CTCP Chứng khoán An Bình.

Tháng 8/2008 – tháng 6/2010: Phó Phòng tại CTCP Chứng khoán An Bình.

Tháng 6/2010 – tháng 11/2013: Chuyên viên Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP An Bình.

Tháng 5/2014 – tháng 5/2016: Chuyên viên Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).

Tháng 5/2016 – tháng 11/2017: Trưởng Bộ phận Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).

Tháng 11/2017 đến nay: Công tác tại CTCP Quản lý Quỹ Amber (Amber Capital) với các vị trí:

-       Trợ lý Tổng Giám đốc (11/2017-2/2018)

-       Quyền Phó Tổng Giám đốc (2/2018-10/2019)

-       Tổng Giám đốc (10/2019-8/2020)

-       Tổng Giám đốc, kiêm Thành viên HĐQT (8/2020 đến nay)

Tất cả các tờ trình đều được thông qua. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Nguyên Ngọc

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.