Chủ Cơm thố Anh Nguyễn ngao ngán khi biết kinh doanh ăn uống mất 4 năm mới hoà vốn
Ông Nguyễn Văn Hậu từng có thời gian 4 năm làm việc tại Singapore và Malaysia. Năm 2014 ông trở về nước thành lập chuỗi Cơm thố Anh Nguyễn. Tới nay, chuỗi này có 120 cơ sở trên 17 tỉnh thành trong nước và một chi nhánh tại Philippines.
Tại sự kiện về F&B do iPOS.vn tổ chức mới đây ở TP HCM, ông Hậu bất ngờ với con số trung bình 4 năm một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống mới hoà vốn và bắt đầu có lãi.
Ông nói: “Anh Bình (ông Nguyễn Thái Bình - Co-Founder Cộng đồng điểm chạm F&B) chia sẻ 3-4 năm thị trường F&B mới hoàn vốn tôi thấy rất ngao ngán. Với Cơm thố Anh Nguyễn 120 cơ sở hiện tại, hầu như tỷ lệ thua chỉ 3-5 cơ sở. Thua không phải vì chất lượng mà do không biết cách quản lý, địa điểm lựa chọn chưa đẹp. 3-4 năm mới hoàn vốn thì thực sự tôi cũng không muốn kinh doanh, đây là góc nhìn của tôi”.
Ông Hậu chia sẻ, chỉ tính riêng hoạt động kinh doanh offline, doanh thu trên mỗi cửa hàng Cơm thố Anh Nguyễn đã có khả năng bao trọn chi phí mặt bằng, nhân sự, điện nước,… thậm chí là có lãi.
Tuy nhiên, để mở rộng như ngày hôm nay, Cơm thố Anh Nguyễn phải nhờ vào tính lan truyền của các ứng dụng giao đồ ăn (Food App). “Không có các app sẽ không có Cơm thố Anh Nguyễn ngày hôm nay”, nhà sáng lập cho hay.
Ông cho biết Cơm thố Anh Nguyễn phát triển mạnh trong thời gian các ứng dụng giao đồ ăn bùng nổ 2020 - 2021. Theo giới thiệu, chuỗi đồ ăn này mở mới tới 18 cơ sở nhờ áp dụng Food App.
Ông Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh ba yếu tố giúp Cơm thố Anh Nguyễn tạo được thành công là nhờ chất lượng ổn định, giá cả hợp lý (50.000 - 60.000 đồng/suất) và biết cách bán hàng trên Food App.
Cơm thố Anh Nguyễn luôn nằm trong top đầu các gian hàng bán hàng trên nền tảng giao đồ ăn. Ngay từ ngày đầu, chuỗi đã hợp tác với những nền tảng đầu tiên như Shopee Food, Grab, Gojek, Baemin,… với số vốn khởi nghiệp từ 70 triệu đồng.
Ông Hậu kể, giai đoạn đầu 2016 - 2017 là thời kỳ đốt tiền của các ứng dụng giao đồ ăn. Họ đốt tiền để đổi lấy tăng trưởng, khuyến khích các cửa hàng bán hàng trên Food App tạo thói quen cho người tiêu dùng.
Thời điểm này, chiết khấu rất thấp, người hưởng lợi là nhà hàng và khách hàng. Các nền tảng ra sau cũng thực hiện chiến thuật tương tự thậm chí còn mạnh mẽ hơn với việc tung ra nhiều voucher (phiếu giảm giá) để giành giật thị phần từ đối thủ. Lúc này người hưởng lợi vẫn là người tiêu dùng và các nhà hàng.
Giai đoạn sau, khi các ứng dụng đạt được tăng trưởng nhất định và có được thói quen của người tiêu dùng, khuyến mại bắt đầu giảm và kéo theo việc yêu cầu nhà hàng phải thực hiện khuyến mãi khủng.
Chủ Cơm thố Anh Nguyễn cho biết đây là thời gian các nhà hàng cảm thấy khó khăn khi nền tảng cắt giảm dần khuyến mại, số lượng người bán tăng lên và kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm.
Do đó, theo ông Hậu, hiện tại bán hàng trên Food App không chỉ lên là bán được mà phải có chiến thuật bài bản, nghiên cứu thị trường, nhân khẩu học, chương trình chạy khuyến mại với từng phân khúc sản phẩm, khách hàng. Ông đánh giá trong tương lai, các nền tảng giao đồ ăn vẫn là kênh bán hàng hiệu quả. Kinh doanh trên Food App là hệ sinh thái không thể tách rời của F&B.
Về chiến lược “sống sót” trên nền tảng trong giai đoạn này, ông chủ 120 tiệm cơm cho rằng tương tự kinh doanh truyền thống phải thuê mặt bằng đắc địa để nhận diện thương hiệu, người bán trên nền tảng online cũng cần chi tiền quảng cáo để mang lại hiệu quả bán hàng. Muốn có vị trí quảng cáo đẹp phải sẵn sàng chi trả cao hơn.
Thời gian đầu mở cửa hàng trên Food App, người bán nên giảm giá 30% - 50% để hút khách, giúp người tiêu dùng làm quen. Người bán cũng cần để ý đánh giá sao của khách hàng. Chẳng hạn từ 4,5 sao trở lên lượng thu hút khách vào xem gấp 8 lần so với gian hàng khác.
Hay như đánh giá 5 sao kèm 99 lượt bình luận sẽ có tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng thành công cao, bình luận kèm hình ảnh còn có tác dụng lớn hơn nữa.
Để tối ưu thời gian giao hàng tới tay khách, ông Hậu đưa ra công thức của Cơm thố Anh Nguyễn là dưới 3 km giao trong 20 phút và thêm mỗi km thêm 4-5 phút. Để đáp ứng thời gian này, chuỗi thường chuẩn bị phần ăn kèm và đũa thìa trước. Đồng thời luôn sắp xếp khu vực dành riêng chco tài xế, tránh ảnh hưởng tới khách ăn tại quán.
Ngoài ra, nhà hàng cũng cần phân bổ người lọc đơn, nhận đơn tránh sai sót làm tăng thời gian giao hàng. Với chuỗi Cơm thố tại Hà Nội, hiện cứ 3 km sẽ có một cửa hàng do đó vị trí xa nhất khách hàng có thể gọi món về nhà là 1,5 km. Ông Hậu khuyến nghị các nhà hàng bán online có thể mở thêm địa điểm để khách không phải chờ lâu và mất nhiều phí ship.
Điểm quan trọng nhất để bán đồ ăn online có lãi, theo ông Nguyễn Văn Hậu là nhà hàng phải kiểm soát được chi phí dành cho Food App. Ông nêu kinh nghiệm giá cost sản phẩm (giá niêm yết) bao nhiêu thì coi là 32% giá bán trên nền tảng rồi nhân ngược lại.
Chẳng hạn một suất ăn giá 19.200 đồng, tính giá cost nhân ngược lại 32% là ra giá bán 60.000 đồng/suất. Chiết khẩu khuyến mại 40% còn 36.000 đồng/suất bán qua app. Sau khi trừ đi giá vốn 19.200 đồng, ông Hậu lãi 16.000 đồng, tương đương khoảng 47% lãi gộp.
Ông Hậu cho biết ông chỉ tính lãi gộp bởi chi phí mặt bằng rẻ hay đắt, thuê nhân công hay tự làm,… tuỳ thuộc vào từng trường hợp kinh doanh cụ thể. Ông khuyến cáo nhà hàng nên chạy quảng cáo giảm giá và khuyến mại.
Một lợi điểm khác của Cơm thố Anh Nguyễn khi bán hàng online là không ảnh hưởng tới khung giờ bán offline. Thường chuỗi này sẽ bán online từ 10h30 tới 12h và sau 12h là thời gian khách ăn tại chỗ. Do đó, ông Hậu không tốn thêm chi phí mặt bằng hay nhân công.
Mặt khác ông cũng tính toán đối tượng khách hàng để tối ưu chi phí vận hành. Ví dụ bán cho khách hàng là dân văn phòng thì sẽ mở cửa từ thứ Hai tới thứ Sáu. Trong khi đó, nếu cửa hàng đặt tại khu dân cư thì sẽ đẩy mạnh bán thứ 7, Chủ Nhật và buổi tối.
Kết luận, ông Hậu khẳng định: “Tâm thế kinh doanh thực sự phải thay đổi, sẵn sàng hợp tác với các nền tảng. Các nền tảng bây giờ là một phần rất quan trọng của nhà hàng, không kém gì bán offline. Do đó người bán cần xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi”.
Báo cáo F&B năm 2023 của iPOS.vn cho thấy quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đã tăng gần 9.000 tỷ đồng so với năm 2022, lên mức 52.400 tỷ đồng, với hơn 13 triệu khách. Con số này chứng minh thói quen đặt đồ ăn online của người Việt ngày càng phổ biến bởi nhiều tiện ích.
Báo cáo đánh giá đây là "mảnh đất màu mỡ" mà các doanh nghiệp F&B có thể khai thác hiệu quả song song với hình thức bán hàng tại chỗ.
Trong khi đó, dữ liệu từ Momentum Works chỉ ra người Việt đã chi 1,4 tỷ USD trong năm qua để đặt đồ ăn online. Các nền tảng chủ yếu được người tiêu dùng Việt Nam tìm đến khi mua đồ ăn trực tuyến gồm Grab (47% thị phần), ShopeeFood (45%), Baemin 5% và Gojek chiếm 3%.