|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơn khát nhân sự của ngành dịch vụ ăn uống Việt

16:21 | 21/08/2024
Chia sẻ
Theo báo cáo từ iPOS.vn, Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu nhân sự làm trong ngành F&B.

Báo cáo ngành F&B Việt Nam 6 tháng đầu năm mới được công bố sáng 21/8 do iPOS.vn thực hiện cho thấy cả nước đang có khoảng 3 triệu nhân sự làm việc trong ngành F&B. Chiếm phần lớn là nhân sự làm bán thời gian (part-time) với khoảng 2,3 triệu người chủ yếu là học sinh - sinh viên làm thêm. Đây là nguồn nhân lực lớn với mức giá rẻ trong vận hành của các cửa hàng ăn uống.

Trong khi đó, nhân sự làm toàn thời gian (full-time) vẫn còn ít, hầu hết cơ hội làm việc đều tập trung tại các thành phố lớn hay các khu du lịch. Công việc toàn thời gian trong ngành thường là quản lý, bếp trưởng, hành chính nhân sự, kế toán - kho và nhân viên phục vụ.

 Bên ngoài một quán cà phê nhỏ ở Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Vừa thừa vừa thiếu

Dù có nhân sự part-time dồi dào nhưng tình trạng thiếu hụt lao động phù hợp vẫn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp F&B. Gần 51% doanh nghiệp được khảo sát nói gặp khó trong việc tuyển người.

Vấn đề cốt lõi không nằm ở số lượng ứng viên mà ở việc tìm kiếm những cá nhân đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

Ngành F&B, với đặc thù là ngành dịch vụ, đòi hỏi nhân viên phải có những kỹ năng mềm vượt trội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tìm kiếm nhân sự đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng mềm đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Lần lượt 20,6% và 17,2% doanh nghiệp thừa nhận, họ cảm thấy tuyển dụng khó khăn do nhân sự thiếu kỹ năng mềm, và không đáp ứng được tay nghề.

Xét về mức lương thưởng, chỉ có 5,5% thừa nhận nguồn chi phí lương chưa đáp ứng được mong muốn của nhân sự. Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù chỉ có một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp thừa nhận mức lương chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân viên, nhưng xu hướng sẵn sàng chi trả cao hơn để thu hút nhân tài có trình độ và kinh nghiệm đang ngày càng phổ biến trong ngành F&B.

 Nguồn: iPOS.vn. Đơn vị: đồng/giờ.

Tỷ lệ nhân viên làm việc dưới một năm (chiếm 84,4%) cho thấy sự ổn định của nhân sự trong các doanh nghiệp F&B là rất thấp. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ quả như: Chi phí tuyển dụng cao, giảm hiệu quả làm việc, khó khăn trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Tỷ lệ nhân viên làm việc trên hai năm chỉ chiếm 4,1%, cho thấy rất ít người gắn bó lâu dài với ngành F&B. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân như: Mức lương và phúc lợi chưa hấp dẫn, điều kiện làm việc khắc nghiệt và cơ hội thăng tiến hạn chế.

Vì là ngành dịch vụ với thời gian làm việc đặc thù, đi làm trong thời gian nghỉ chung, nhiều nhân sự cảm thấy vô cùng khó khăn để có thể tiếp tục công việc lâu dài. Theo đó, hầu hết nhân sự cảm thấy khó khăn nhất với ca kíp làm việc của ngành F&B, tập trung chủ yếu vào thời điểm ngoài giờ hành chính. 

Các ca làm việc được coi là vất vả nhất là ca buổi trưa (Phục vụ cho khối dân văn phòng, ăn trưa/nghỉ trưa), và ca làm buổi tối (Sau 6h, dành cho việc vui chơi). 22,3% nhân sự thấy khó khăn khi ngành F&B làm việc vào ngày lễ.

Báo cáo ghi nhận động lực đi làm chủ yếu của nhân sự ngành F&B đến từ việc rèn luyện thêm các kỹ năng mềm. Có tới 50,04% nhân sự đồng tình đây là công việc để rèn luyện kỹ năng mềm.

Các kỹ năng chủ yếu sẽ cần khi làm việc dịch vụ bao gồm: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sắp xếp & bày trí, kỹ năng công sở,... Đây hầu hết là các kỹ năng cơ bản và là bước đệm để các nhân sự sẽ tiếp tục ở các công việc kế tiếp.

Xếp tiếp theo đó là mức lương và chế độ đãi ngộ, chiếm khoảng 41,3% nhân sự lựa chọn. Mối quan hệ với đồng nghiệp và quản lý, khi chiếm tới 36,7% nhân sự coi là động lực. Cũng giống như yếu tố về kỹ năng, nhiều nhân sự cho rằng họ lựa chọn đi làm vì người chủ là người có sức ảnh hưởng, và hy vọng có thể học tập được điều gì đó. Việc duy trì công việc lâu dài cũng nguyên nhân chủ yếu từ người quản lý, khi họ có thực sự quan tâm tới nhân viên về công việc, đời sống hay không.

Mặt khác, tỷ lệ kiêm nhiệm của các nhân sự ngành F&B được coi là khá cao. Trung bình, chỉ có hơn 20% nhân sự thừa nhận mình được làm đúng vị trí công việc ban đầu.

Thu ngân là vị trí công việc được kiêm nhiệm phổ biến. Kết quả khảo sát cho thấy 27,97% nhân viên pha chế và 22,58% nhân viên phục vụ được yêu cầu làm việc thu ngân. Thông thường, đối với một số các mô hình nhà hàng dịch vụ đầy đủ (Full-service Restaurant), vị trí thu ngân thường kết hợp là lễ tân đón chào khách.

Đối với các mô hình doanh nghiệp, với chuỗi từ 5 điểm bán hàng trở lên, tính kiêm nhiệm công việc sẽ không quá phổ biến.

Đãi cát tìm vàng trên mạng xã hội

Về kênh tuyển dụng, Facebook/Zalo là kênh tuyển dụng phổ biến nhất đối với các nhân sự ngành F&B tại Việt Nam. Có 37,86% nhân viên phục vụ, 38,26% nhân viên pha chế, thừa nhận họ tìm kiếm công việc này qua các hội nhóm việc làm trên Facebook. 

Trong khi đó ở chiều ngược lại, kênh môi giới việc làm ngày càng chiếm tỷ trọng thấp trong các kênh tuyển dụng tại Việt Nam. Gắn với mác "phí cao", "lừa đảo”, tuyển dụng thông qua môi giới đang dần thu hẹp về quy mô hoạt động. 

Tuy nhiên, các công ty môi giới đang hướng tới nhóm nhân sự làm việc theo ngày. Theo đó, tại các tỉnh thành có lợi thế du lịch, các công ty môi giới sẽ quản lý hàng trăm nhân sự làm việc theo ngày, và sẵn sàng điều phối nhân sự tới các hàng quán F&B trong khung giờ cao điểm. Theo tiết lộ, chi phí môi giới có thể lên tới 40% cho lương một nhân sự.

Kênh đến trực tiếp cửa hàng lại là kênh phổ biến thứ ba trong các kênh tuyển dụng cho ngành F&B. Tỷ lệ tương ứng với 29,39% đối với nhân viên phục vụ, 25,51% đối với nhân viên pha chế, hay tới 28,13% đối với các nhân sự bếp.

Các trang tuyển dụng không quá phổ biến với thị trường việc làm F&B tại Việt Nam. Chỉ 9.34% nhân viên phục vụ tìm qua kênh này, tương tự với 10,89% nhân viên pha chế, 12,5% đối với nhân viên bếp.

Đức Huy