|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gần nửa nhà hàng giảm doanh thu, dòng tiền thị trường ăn uống chảy về đâu?

13:29 | 26/08/2024
Chia sẻ
Hơn 44% doanh nghiệp trong ngành ăn uống nói doanh thu đã giảm nửa đầu năm. Vậy đâu sẽ là mô hình tăng trưởng được các nhà đầu tư tìm kiếm giai đoạn cuối năm 2024?

Báo cáo về thị trường F&B 6 tháng đầu năm do iPOS.vn thực hiện trên cơ sở gần 1.000 nhà hàng, quán cà phê tại Việt Nam cho thấy từ đầu năm đến nay, doanh thu các doanh nghiệp trong ngành biến động mạnh. 

 

Đỉnh điểm trong tháng 2, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm lên tới hơn 43%. Tháng 3 tăng trưởng nhẹ nhưng ba tháng sau đó tiếp tục đà giảm. Tính tới tháng 6, đã có tới hơn 44% doanh nghiệp thừa nhận mức doanh thu giảm. Nhiều đơn vị chia sẻ, đã không đạt được mức thu nhập kỳ vọng trong nửa năm vừa qua, và vẫn chìm trong xu hướng giảm doanh thu trong các tháng kế tiếp.

Khảo sát cho thấy nửa đầu năm có ít nhất 30.000 cửa hàng F&B trên toàn quốc đã đóng cửa trong khi mở mới hạn chế. Báo cáo ghi nhận các doanh nghiệp đang ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh nửa cuối năm. Trong đó, hơn 61% doanh nghiệp nói sẽ duy trì mô hình hiện tại và chỉ hơn 34% dự kiến sẽ mở thêm - con số này cùng kỳ năm ngoái là gần 52%.

Tuy vậy, dữ liệu từ iPOS.vn lại cho thấy nửa đầu năm, doanh thu toàn ngành F&B đạt gần 70% so với tổng doanh thu năm ngoái, gần 590.000 tỷ đồng. Con số này đạt được trong bối cảnh kinh tế vĩ mô biến động, khách hàng giảm chi tiêu.

Tại sự kiện về ngành F&B do iPOS.vn tổ chức tại TP HCM gần đây, ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc FnB Director, lý giải khách hàng thực sự đang giảm chi tiêu song chỉ giảm ở một số phân khúc, và một số phân khúc lại ghi nhận tăng trưởng bởi thị trường ăn uống vốn phân mảnh, có nhiều mô hình khác nhau.

Ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc FnB Director. (Ảnh: iPOS.vn).

Chẳng hạn, thay vì giảm chi tiêu cho ăn uống bên ngoài, nhiều người cố gắng giữ tần suất này nhưng có kế hoạch cụ thể hơn. Khảo sát cho thấy các mức tần suất cao như 3-4 lần/tuần hoặc hàng ngày gần như không đổi so với năm ngoái. Đồng thời nhóm khách có tần suất ăn ngoài 1-2 lần/tuần tăng 4%.

Hơn nữa, 56% người Việt chi tiêu 201.000 - 500.000 đồng/người cho một dịp đặc biệt, tăng hơn 4% so với năm ngoái. Ở các phân khúc cao hơn 501.000 đồng - 1 triệu đồng, mức tăng là 5%.

Ngược lại, mức chi cho việc đi cà phê của người Việt giảm mạnh trong nửa đầu năm với tần suất cũng giảm đáng kể. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%. Mức sẵn sàng chi tiêu giảm mạnh mẽ, báo động tới các thương hiệu ở phân khúc cao cấp như Starbucks Coffee, %Arabica, The Coffee Bean & Tea Leaf,…

Người tiêu dùng cũng giảm tần suất đi cà phê do áp lực công việc tăng cao. Có tới 41,7% người được hỏi chỉ thỉnh thoảng đi café, và 32,3% đi café với tần suất 1-2 lần/tuần. Điều này cũng cho thấy, kinh tế khó khăn đã khiến người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu cho những dịch vụ không thiết yếu. Trong khi đó, phân khúc giá từ 41.000 đến 71.000 đồng/ly lại trở nên phổ biến hơn, với tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Nhìn vào con số trên chuyên gia F&B Đỗ Duy Thanh nhận định: “Cơ bản sẽ có những phân khúc khách hàng giảm chi tiêu, có phân khúc tăng tần suất. Người tiêu dùng có thói quen ăn ngoài nhiều thì vẫn đang duy trì hoặc tăng tần suất, cũng như chi tiêu của họ tăng cao hơn. Đây là lý do giải thích vì sao tỷ lệ đóng cửa trong ngành cao song tổng mức doanh thu toàn ngành vẫn tăng so với cùng kỳ”.

Theo ông Thanh, thời gian tới, các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, dịch vụ chuyên nghiệp vẫn sẽ trụ vững. Điểm sáng trong nửa cuối năm theo vị chuyên gia đến từ việc F&B là một ngành kinh doanh thiết yếu, đem đến trải nghiệm mới về giá trị và cảm xúc cho khách hàng.

Câu hỏi đặt ra là 6 tháng cuối năm, dòng tiền từ các nhà đầu tư nên đổ vào đâu trong thị trường F&B Việt Nam. Thứ nhất, về quy mô đầu tư theo chuyên gia, nếu nhỏ thì nhỏ hẳn nếu lớn thì lớn hẳn. Chẳng hạn, đầu tư quán ăn quy mô 300 - 500 triệu đồng đang cực kỳ phổ biến trên thị trường. Trong khi đó nếu ở TP HCM, đầu tư lớn cần 3,5 - 5 tỷ đồng để có một nhà hàng quy mô chuyên nghiệp.

Một ngách khác được chuyên gia chỉ ra là thị trường ăn uống tại tỉnh lẻ. Nếu như ở các thành phố lớn cần tới 5 tỷ đồng để xây dựng một nhà hàng thì tại tỉnh lẻ con số chỉ khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng. Phân khúc này đang thu hút được nhiều nhà đầu tư rót tiền bởi dư địa thị trường đang rất lớn.

“Dung lượng ở TP HCM có thể bị cạnh tranh nhiều nhưng ở các tỉnh, hàng quán vẫn đang sống khoẻ. Các nhà hàng công ty chúng tôi hỗ trợ khai trương trong tháng vừa qua đều đang đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/tháng”, ông Thanh chia sẻ.

Hay phân khúc nhà hàng kinh doanh đồ ăn Thái - Nhật, nếu như tại TP HCM và Hà Nội đã rất phát triển thì những mô hình này ở các tỉnh đang thiếu người đầu tư thực sự. “Dung lượng ở các tỉnh rất tốt. Thậm chí những nhà hàng ở thị trấn huyện thôi cũng đạt doanh thu 800 triệu đồng  - 1 tỷ đồng/tháng”, Giám đốc FnB Director, nói.

Chuỗi cà phê được đầu tư với quy mô lớn được chuyên gia dự báo sẽ là điểm nhấn hút doanh thu trong thời gian tới. (Ảnh: Đức Huy).

Thứ hai, về mô hình trà cà phê, vị chuyên gia F&B nhận thấy phát triển ki-ốt đang là xu hướng và có được mức tăng trưởng tốt. Nhiều thương hiệu trong đại dịch vẫn có thể mở mới 100 cửa hàng. Nếu đầu tư quán cà phê tại các thành phố lớn, theo ông Thanh, nhà đầu tư nên bỏ ra từ 3 tới 5 tỷ đồng/cửa hàng như Katinat. 

“Rõ ràng nếu chúng ta đầu tư một cách chuẩn chỉnh thì cơ hội cạnh tranh sẽ tốt hơn, mang lại cho khách hàng nhiều giá trị hơn và người tiêu dùng sẽ có xu hướng hướng hướng về chúng ta”, ông Thanh cho hay.

Thứ ba, về phong cách nhà hàng, chuyên gia nhận thấy xu hướng ẩm thực Michelin đang tăng trưởng đột biến theo cấp số nhân. Có thể là mở mới hoặc dù không mở mới nhưng những nhà hàng được ghi nhận trong danh sách Michelin có thể tăng doanh thu tới 300% một tháng trong bối cảnh ngành ăn uống gặp khó.

Về mô hình buffet hải sản, vốn có nguồn gốc từ các chuỗi tại miền Bắc, sau thời gian đầu tập trung vào chất lượng thì theo ông Thanh, các thương hiệu đều đi theo chiến lược là giảm hải sản tươi sống. Do đó, khách hàng luôn có xu hướng tìm kiếm những cửa hàng chất lượng tốt hơn. Ông Thanh đánh giá, buffet hải sản vẫn tiếp tục là một mô hình duy trì được sức hút trong thời gian tới.

Mô hình cuối cùng nhà đầu tư nên cân nhắc xuống vốn trong tương lai theo chuyên gia là cà phê chất lượng cao. Ông Thanh nói cà phê đặc sản mạnh nên sẽ rất khó trong việc khai thác thị trường. Do đó, phân khúc cà phê chất lượng cao sẽ hợp lý để dầu tư hơn cả, hướng tới ly cà phê rơi vào khoảng 50.000 đồng trở lên.

Còn theo đánh giá từ iPOS.vn, yếu tố tiêu dùng có thể sẽ là điểm nhấn tích cực trong thời điểm thanh lọc toàn bộ thị trường F&B tại Việt Nam. Người tiêu dùng đang có xu hướng chi tiêu thông minh hơn, có thể trả mức chi phí cao hơn cho mỗi lần dùng bữa bên ngoài, nhưng với kế hoạch rõ ràng hơn so với việc dùng bữa một cách "ngẫu hứng”.

Tính chung nửa đầu năm, doanh thu thị trường ăn uống tại Việt Nam đạt gần 404.000 tỷ đồng.

Đức Huy