|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bức tranh ngành điện trước khi EVN tăng giá bán: Thủy điện hết thời 'hoàng kim', nhiệt điện đối diện thách thức đầu vào

09:56 | 10/05/2023
Chia sẻ
Bức tranh nhóm công ty sản xuất điện từ thủy điện, nhiệt điện cho đến điện tái tạo trong quý đầu năm 2023 ghi nhận những gam màu xám khi giá bán điện bình quân dù đã nhỉnh hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn không thể bù đắp các chi phí đầu vào vẫn còn neo cao.

Thủy điện hết thời "hoàng kim"

Sau một năm tỏa sáng, bước sang năm 2023, nhóm thủy điện gặp bất lợi do tình hình thủy văn không còn thuận lợi khi hiện tượng La Nina suy yếu. Việc tăng trưởng chậm lại của các doanh nghiệp này thực tế đã xuất hiện từ nửa cuối năm 2022.

Trong số các doanh nghiệp thủy điện được thống kê dưới đây, hầu hết đều ghi nhận lợi nhuận ròng quý I/2023 suy giảm so với mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất đến từ Thủy điện Miền Nam (giảm 75%), Thủy điện Sông Ba Hạ (giảm 40%), Thủy điện Cần Đơn (giảm 34%). Các công ty này đặt nhà máy tại miền Nam và Nam Trung Bộ.

Hai công ty thủy điện số ít báo lãi tăng trưởng là CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Mã: VSH) với nhà máy tại miền Trung - Tây Nguyên và Thủy điện A Vương có nhà máy tại Quảng Nam.

Riêng Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho biết, sản lượng điện thương phẩm quý I đạt hơn 653 triệu kWh, tăng 5,37%. Bên cạnh đó, giá bán điện bình quân trên thị trường cạnh tranh cao hơn cùng kỳ. Chi phí sản xuất điện có tăng (do chi phí thuế tài nguyên và phí dịch vụ môi trường) nhưng không tác động quá nhiều đến kết quả sau cùng. Kết thúc ba tháng đầu năm, VSH đã thực hiện được 56% mục tiêu lợi nhuận năm.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý của công ty. 

Lợi nhuận nhóm nhiệt điện lao dốc quý I

Đối với nhóm nhiệt điện than, bức tranh xám màu của năm 2022 tiếp tục tiếp diễn sang quý đầu năm 2023. Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong quý I/2023 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 61,83 tỷ kWh. Trong đó, nhiệt điện than được huy động nhiều nhất, chiếm 45,3% sản lượng và giảm 1,27% so với cùng kỳ; tiếp đến là thủy điện (24,9%), năng lượng tái tạo (16,5%), tua bin khí và điện nhập khẩu.

Dẫu sản lượng điện bán cho EVN và giá điện hợp đồng tăng nhưng hai yếu tố này vẫn không đủ bù đắp được chi phí giá than đầu vào vẫn còn neo ở mức cao của các doanh nghiệp điện than. Biên lợi nhuận của các công ty nhóm nay suy giảm mạnh so với cùng kỳ, về quanh mức 2% - 4%.

Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND) báo lợi nhuận ròng quý I/2023 bốc hơi tới 96%. Còn lợi nhuận ròng của Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) giảm 50% so với cùng kỳ về gần 40 tỷ đồng, và thấp nhất từ quý IV/2021 do chi phí đầu vào tăng và hụt thu cổ tức từ các đơn vị góp vốn. Tương tự, Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP) cũng ghi nhận mức lãi ròng giảm 58% do giá vốn leo thang.

Tuy nhiên, hiện diễn biến giá than đang có xu hướng giảm và dự báo sẽ hỗ trợ triển vọng doanh nghiệp nhiệt điện than.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Đại diện cho nhóm nhiệt điện khíTổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) báo lợi nhuận giảm sút, biên lãi gộp thu hẹp do đang bảo dưỡng đại tu Tổ máy số 1 của Nhà máy điện Vũng Áng 1.

Nhiệt điện khí và nhiệt điện than đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu sản xuất điện của EVNGenco3. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của EVNGenco3).

Với Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGenco 3 - Mã: PGV), đơn vị sở hữu các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí và cả thủy điện cùng điện mặt trời báo lợi nhuận ròng giảm 27% so với cùng kỳ chủ yếu do sản lượng điện giảm 7%.

Trong khi đó, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) là đơn vị duy nhất trong nhóm nhiệt điện báo lãi quý I tăng trưởng 46% nhờ giá than trên thị trường bất ngờ tăng cao khiến giá điện thị trường bị đẩy lên, do đó NT2 dù chào giá thấp để lấy sản lượng nhưng lúc thanh toán được hưởng mức giá cao.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên, ban lãnh đạo NT2 cho biết chi phí nhiên liệu theo kế hoạch năm 2023 tăng hơn 11% so với kế hoạch năm 2022, điều này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của công ty trong thị trường điện và ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, NT2 có hợp đồng bao tiêu khí với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) nên công ty có lợi thế để đàm phán với Tập đoàn EVN phải huy động điện để chạy hết lượng khí được cung cấp theo hợp đồng, Tổng giám đốc NT2 chia sẻ. 

Bên cạnh đó, suất hao nhiệt tăng cao do thường xuyên chạy ở mức tải thấp và thường xuyên lên xuống máy làm tăng chi phí và rủi ro trong vận hành của NT2 trong năm nay.

Đối với NT2, sản lượng điện hợp đồng (Qc) ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt năm 2023, NT2 sẽ thực hiện đại tu lần II nhà máy nên việc phân bổ Qc các tháng chưa phù hợp sẽ gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh khi các nhà máy điện khí trong khu vực đã hết khấu hao. Đại diện NT2 ước đoán trong ba tháng 8 - 9 - 10/2023 sẽ lỗ hàng trăm tỷ đồng. Nghĩa là phải lấy lợi nhuận từ các tháng trước bù vào.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Năng lượng tái tạo chờ Quy hoạch Điện VIII

Hiện có ít doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có ngành nghề kinh doanh chính là phát triển điện gió, điện mặt trời. Một số doanh nghiệp đang mở rộng và phát triển thêm mảng năng lượng tái tạo như Bamboo Capital (Mã: BCG), Cơ điện lạnh (Mã: REE), Điện Gia Lai (Mã: GEG) hay Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG).

Quý I/2023, Cơ điện lạnh (Mã: REE) ghi nhận 2.369 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng hạ tầng điện, nước đem về cho REE 1.552 tỷ, tăng 7,4% so với quý I/2022. 

REE cho biết mảng điện có thuỷ điện tiếp tục ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch nhờ thuỷ văn tiếp tục thuận lợi trong kỳ nên dù kết quả từ điện gió và điện mặt trời có giảm nhẹ nhưng công ty vẫn duy trì mức tăng trưởng chung cho cả mảng trong quý. 

Tính tới cuối tháng 3, REE đang góp 6.364 tỷ đồng vào 17 công ty liên kết (hầu hết là các công ty thuộc ngành điện) và thu về 209 tỷ đồng lợi nhuận trong ba tháng đầu năm, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó lợi nhuận sau thuế của REE lần đầu vượt mốc nghìn tỷ và cao nhất trong lịch sử hoạt động với 1.055 tỷ đồng.

Trung bình hằng năm, lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết (phần lớn làm trong ngành điện) đóng góp 20% - 53% lợi nhuận sau thuế của REE. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty). 

Tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 3, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết về dài hạn, REE vẫn sẽ ưu tiên phát triển mảng năng lượng, trong đó trọng tâm vẫn là mảng thủy điện. Hiện công ty đang theo đuổi nhiều dự án.

Theo đánh giá của bà Thanh, mảng thủy điện về dài hạn vẫn rất tiềm năng và sẽ có lời, do đó REE sẽ ưu tiên phát triển. Mục tiêu trong năm 2023, REE sẽ tiếp tục tập trung vào việc gia tăng danh mục tài sản thêm 100 MW.

Hiện công ty đang có kế hoạch kết hợp làm các dự án điện mặt trời tại các hồ thủy điện, như vậy sẽ vừa tăng được công suất mà không cần diện tích đất quá lớn. Công ty đang thuyết phục Chính phủ cho phép đầu tư. Trong khi đó, đối với điện áp mái, REE sẽ tạm thời ngưng.

Quý đầu năm, mảng năng lượng tái tạo của Bamboo Capital (Mã: BCG) mang về 245 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ và đóng góp 35% tổng doanh thu của tập đoàn. 

Năm 2023, BCG Energy, đơn vị đảm nhiệm mảng năng lượng tái tạo của BCG đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.996 tỷ đồng và lợi nhuận 790 tỷ đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhận định năm nay, thị trường sẽ tiếp tục có nhiều biến động và chưa có nhiều tín hiệu rõ ràng từ các khung pháp lý trọng điểm. BCG Energy sẽ tạm thời chờ chính sách quy hoạch và chính sách giá rõ ràng hơn. Theo đó, Quy hoạch Điện VIII có thể sẽ được phê duyệt trong tháng 5.

Tương tự, trong ba tháng đầu năm, mảng thủy điện và điện mặt trời của Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) ghi nhận doanh thu 543 tỷ đồng, tăng 14% và đóng góp 57% doanh thu thuần của tập đoàn, vượt qua mảng bất động sản (312 tỷ đồng).

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý I của Điện Gia Lai (Mã: GEG) giảm 40% về 104 tỷ đồng chủ yếu là do doanh thu bán điện giảm nhưng giá vốn bán điện lại tăng. Ngoài ra, chi phí lãi vay bị đội lên vì nợ vay tăng và lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng, GEG giải trình.

Với Tập đoàn PC1 (Mã: PC1), doanh thu mảng bán điện giảm 15% so với cùng kỳ về 389 tỷ đồng, đóng góp khoảng 1/4 tổng doanh thu của tập đoàn. Hai mảng kinh doanh đem lại nguồn thu chính cho PC1 đến từ hoạt động xây lắp, thiết bị ngành điện (463 tỷ) và bán hàng hóa, vật tư (428 tỷ).

Tuy nhiên mảng điện của tập đoàn lại đem về lãi gộp lớn nhất với 224 tỷ, trong khi các mảng còn lại chỉ có lãi gộp vài chục tỷ đồng.

EVN tăng giá điện, nhóm sản xuất điện chưa chắc hưởng lợi

Từ ngày 4/5, EVN đã tăng giá điện thêm 3%. Kế hoạch tăng giá điện chỉ dành cho giá bán lẻ. Do đó, giá điện đầu vào là câu chuyện giữa nhà sản xuất và Tập đoàn Điện lực và nhóm các điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện, thủy điện,... đều có thể được hưởng lợi nếu thương lượng được giá mua điện với EVN.

Trên thực tế các công ty ngành điện đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nên việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu doanh nghiệp sản xuất. Chẳng hạn như đối với Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Quảng Ninh,… những dự án lớn ký hợp đồng thỏa thuận trong 25 năm, giá mua bán điện được đàm phán qua từng giai đoạn.

 Giá mua điện bình quân của các loại hình trong ba tháng đầu năm 2023. (Nguồn: EVN).

Về nhu cầu tiêu thụ, theo nhận định của Chứng khoán VNDirect, nhu cầu điện của nhóm công nghiệp - xây dựng đi xuống trong bối cảnh tình hình sản xuất của các ngành thâm dụng điện giảm sút như xi măng, sắt thép, điện tử, trong khi hoạt động xây dựng bị tác động lớn trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng,...

Tăng trưởng của ngành điện trong năm 2023 được kỳ vọng vào ngành đầu tư công và một mùa hè nóng nực hơn khi hiện tượng El Nino gây khô hạn dự kiến trở lại từ tháng 5/2023. 

Thực tế từ tháng 4, mặc dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiện nắng nóng nhưng thực tế sản lượng điện đã tăng cao. Dự báo trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, miền Bắc được dự báo bước vào cao điểm nắng nóng.

Trong khi đó, các hồ thủy điện ghi nhận lưu lượng nước về kém. Còn những nhà máy nhiệt điện phải đối mặt giá đầu vào vẫn còn mức cao và một số phải bảo dưỡng tổ máy. Mặt khác, hiện nay, một vài dự án năng lượng tái tạo lại đang “đóng băng” chưa thể đóng điện hoặc đóng điện với giá thấp và phải chờ chính sách từ Quy hoạch Điện VIII.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng