|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

BĐS các tỉnh giáp Hà Nội biến động ra sao giữa cơn sốt đất?

07:13 | 17/04/2021
Chia sẻ
Trong khi các địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình,... đồng loạt tăng giá đất, thị trường bất động sản tại Thái Nguyên lại tỏ ra khá yên ắng.
BĐS các tỉnh giáp Hà Nội biến động ra sao giữa cơn sốt đất? - Ảnh 1.

Cơn sốt đất từ Bắc chí Nam những tháng đầu năm đang dần hạ nhiệt. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) đón nhận nhiều thông tin về quy hoạch thành phố, quy hoạch vùng. Điều này dẫn đến việc giá đất tại nhiều khu vực từ Bắc chí Nam đồng loạt tăng nóng. 

Báo cáo thị trường BĐS quý I/2021 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho thấy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá đất tại một số địa phương tăng trung bình 10% sau một tháng. 

Cục bộ, một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.

Tại Hà Nội, việc đô thị hóa mạnh, thông tin lên quận cũng như đồ án quy hoạch sông Hồng đã đẩy giá đất tại các khu vực ngoại thành Thủ đô như Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức,… tăng đáng kể so với năm 2019.

Không chỉ các huyện ngoại thành, nhiều tỉnh lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang,... cũng không nằm ngoài guồng quay của cơn sốt đất. 

Đất Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình đua nhau tăng giá

Nằm tiếp giáp Hà Nội ở phía Tây Bắc, thời gian gần đây, giá đất nền ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng cao bất thường, thông tin từ Báo Vĩnh Phúc.

Cuối năm 2020, xã Minh Quang (Tam Đảo) tổ chức đấu giá đất tại khu Trại Khóng - chợ Lâm. Kết thúc phiên, toàn bộ 50 lô đất không ai trúng đấu giá. 

Theo người dân địa phương, khu vực này trước đây không có mảnh đất nào giá quá 600 triệu đồng. Song, tại thời điểm đấu giá, nhiều người bỏ ra 700 - 800 triệu đồng vẫn không trúng một lô đất nào. Các lô đất đều tăng 4 - 5 triệu đồng/m2.  

Tại TP Vĩnh Yên, giá đất nền ven chân chung cư An Phú Residence, dự án TMS Homes Wonder World... thời điểm tháng 9/2020 được chào bán với giá trung bình 8 - 9 triệu đồng/m2, đến cuối tháng 3 đã tăng lên 13 - 27 triệu đồng/m2.

Ở một số tuyến đường như Mê Linh, Nguyễn Tất Thành, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ... giá nhà đất dao động 40 - 60 triệu đồng/m2; ở các vùng ven, ngõ sâu trong các khu dân cư giá 17 - 18 triệu đồng/m2.

Tại các khu Hậu Xá, Phù Chính (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường), đất đấu giá hiện dao động ở mức 13 - 14 triệu đồng/m2, thậm chí có ô lên đến 16 - 17 triệu/m2 đối với các lô mặt đường; các lô đất bên trong có giá trên dưới 10 triệu đồng/m2.

BĐS các tỉnh giáp Hà Nội biến động ra sao giữa cơn sốt đất? - Ảnh 2.

Khu vực xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng) giá đất nền hiện dao động 25 - 30 triệu đồng/m2. (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Không chỉ Vĩnh Phúc, thị trường BĐS tại Bắc Giang cũng "nhiệt" không kém. Theo ghi nhận của Báo Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, giá đất một số địa phương như Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam... đã được đẩy lên gấp 2 - 3 lần.

Tại huyện Lục Nam, hồi giữa tháng 3, đất nền tại thôn Muối, Trung Hậu, xã Lan Mẫu và một số thôn tại xã Yên Sơn được rao bán với giá 20 - 30 triệu đồng/m2 trở lên. Khu vực Yên Sơn có nơi giá đất chạm 40 triệu đồng/m2, còn trung bình dao động 20 - 30 triệu đồng/m2.

Tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, giá đất trước Tết Nguyên đán ở mức khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2, sau Tết đã tăng lên 25 - 30 triệu đồng/m2. 

Tại huyện Việt Yên, khảo sát trên một số website BĐS, giá đất hiện dao động ở mức trung bình 30 - 40 triệu đồng/m2, có nơi lên 50 triệu đồng/m2. 

Ở một tỉnh khác giáp Hà Nội là Hòa Bình, BĐS từ đầu năm đến nay cũng sôi động ở các phân khúc đất nền lẫn BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt ở một số địa phương như TP Hòa Bình, Lương Sơn, Kim Bôi... 

Theo Báo Hòa Bình, tại bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình), giá đất nền tại dự án cảng Chân Dê có mức tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 21 - 24 triệu đồng/m2 với các lô đất phía trong và 30 - 40 triệu đồng/m2 với lô mặt tiền đường lớn. 

Một số dự án đất nền như khu dân cư tổ 7, phường Thịnh Lang, hay tại khu trung tâm thương mại bờ trái sông Đà có mức giá "dễ thở" hơn, dao động 14 - 15 triệu đồng/m2.

Tại bờ phải sông Đà, BĐS cũng có những dấu hiệu tăng nhưng chỉ cục bộ tại một số trục đường rộng. 

Cụ thể, tại dự án Sudico, giá đất mặt tiền khu vực đường rộng được rao bán với mức giá 35 - 40 triệu đồng/m2, các lô đất phía trong ở mức 17 - 18 triệu đồng/m2.

Nằm tiếp giáp khu Đông Hà Nội, BĐS tại Hưng Yên cũng tăng giá ở nhiều nơi. Từ sau Tết, đất thổ cư, đất đấu giá ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh này đã tăng gấp 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng, Báo Hưng Yên đưa tin.

Mặc dù đồng loạt tăng giá, song giá đất tại các tỉnh nói trên được nhận định chủ yếu do môi giới thổi giá, trong khi số lượng giao dịch thực tế không quá nhiều. Trước tình trạng này, các địa phương đã phải vào cuộc để chỉ đạo, ngăn chặn sốt đất ảo.

Thái Nguyên yên bình giữa cơn sốt đất 

BĐS các tỉnh giáp Hà Nội biến động ra sao giữa cơn sốt đất? - Ảnh 3.

Một dự án BĐS tại TP Sông Công. (Ảnh: Báo Thái Nguyên).

Trái ngược với cơn sốt đất diễn ra ở nhiều địa phương, thị trường BĐS Thái Nguyên thời gian qua nhìn chung lại khá êm ả.

Báo Thái Nguyên dẫn thông tin từ ông Bùi Quang Hưng, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Phát triển đô thị cho biết, giá BĐS (BĐS) tại Thái Nguyên thời gian qua có tăng nhưng không đột biến.

Tại huyện Phú Bình, mặc dù là khu vực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh, song khu vực này vẫn không có tình trạng sốt giá đất.

Cụ thể, Khu dân cư số 2 trên địa bàn thị trấn Hương Sơn đã đầu tư xong hạ tầng và mở bán từ năm 2018, nay vẫn còn rất nhiều lô đất chưa được bán vì chủ đầu tư đang chờ giá lên. Giá giao dịch ở đây hiện khoảng 7 - 8 triệu đồng/m2, không cao hơn nhiều so với cuối năm 2020.

Tại huyện Võ Nhai, Khu dân cư số 1 thị trấn Đình Cả (74 ha, 273 lô đất thương mại) dù đang trong giai đoạn mở bán nhưng giao dịch cũng không mấy sôi động. Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, dự án đã bán được khoảng 40% sản phẩm, khách hàng chủ yếu là người dân có nhu cầu thực sự về đất ở.

Nguyên nhân khác khiến thị trường tại Thái Nguyên không bị hỗn loạn được cho là bởi trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị được triển khai với các sản phẩm BĐS đa dạng. Cùng với đó, hạ tầng giao thông đã tương đối thuận lợi nên người dân và nhà đầu tư BĐS có nhiều lựa chọn.

Đổ tiền vào đâu trong cơn sốt đất?

Theo bà Kim Ngọc, Giám đốc Bộ phận Thẩm định và Tư vấn Colliers Việt Nam, thay vì chạy theo cơn sốt đất, nhà đầu tư có thể lựa chọn nhiều phân khúc khác.

Đơn cử như phân khúc căn hộ, bà Ngọc đánh giá phân khúc này vẫn rất tiềm năng và căn hộ tầm trung có mức giá dưới 60 triệu/m2 có thanh khoản khá ổn.

Nhà đầu tư cũng có thể xem xét đến phương án đất nền, nhất là đất nền ở những khu vực bán đô thị hay các thành phố vệ tinh đang phát triển năng động. Tại những khu vực đó, tiềm năng tăng giá là khá cao song hành với đà phát triển của cơ sở hạ tầng và các kế hoạch phát triển dài hạn.

"Đất nền, nhà phố giá dưới 10 tỷ đồng luôn được xem là kênh đầu tư hút vốn dài hạn vì tâm lý của người Việt cảm thấy an toàn hơn khi nắm giữ những tài sản hữu hình", bà Ngọc nhận định.

Hoàng Huy