|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bất chấp khó khăn của nền kinh tế, nhiều công ty vẫn đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cao kỷ lục năm 2023

15:39 | 30/03/2023
Chia sẻ
Thận trọng là từ để miêu tả cho kế hoạch kinh doanh năm 2023 của hầu hết các công ty trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp kỳ vọng bức tranh sẽ tươi sáng hơn, thậm chí đề ra mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cao kỷ lục.

 Đồ họa: Alex Chu.

Thống kê của FiinTrade cho thấy tính đến ngày 27/3, có 214 trong tổng 1.685 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết chiếm 29,6% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường đã công bố kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho năm 2023.

Với khối doanh nghiệp phi tài chính, đã có 194 doanh nghiệp công bố kế hoạch 2023, trong đó hơn 60% dự kiến lợi nhuận đi lùi.

Môi trường lãi suất cao, nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa yếu đi là hai lý do chính khiến các doanh nghiệp khá dè dặt trong việc đưa ra kế hoạch năm 2023, như các nhóm thuộc ngành phân bón, bán lẻ, cảng biển, vật liệu xây dựng, xây dựng dân dụng,...

Giữa bối cảnh đó, vẫn có một số công ty đề ra mục tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, thậm chí đặt kỳ vọng sẽ đạt mốc cao kỷ lục.

Nhóm công ty kỳ vọng thiết lập mốc lợi nhuận kỷ lục

Bất chấp dự báo về tình hình kinh tế ảm đạm ở trong nước và quốc tế, ban lãnh đạo CTCP FPT (Mã: FPT)  vẫn lạc quan về khả năng tăng trưởng của công ty vào năm nay.

Cụ thể, FPT đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 52.289 tỷ đồng doanh thu tăng 19%, lợi nhuận trước thuế khoảng 9.055 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ. Nếu đạt được, doanh nghiệp sẽ phá vỡ được kết quả kỷ lục đã được thiết lập hồi 2022.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC của FPT

CTCP Traphaco (Mã: TRA)  là đơn vị nắm thị phần số 1 trong mảng đông dược. Năm 2023, Traphaco đặt kế hoạch 2.600 tỷ đồng doanh thu thuần, 326 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 8% và 11% so với năm 2022 đồng thời cao nhất từ trước đến nay.

 

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC của Traphaco.

 

Trong đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu OTC (kênh bán lẻ ở tiệm thuốc) là 2.133 tỷ đồng, ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) là 206 tỷ đồng tăng lần lượt 5%, 17% so với năm 2022.

Traphaco cho rằng, mục tiêu trên được đặt trong bối cảnh thị trường OTC thay đổi nhanh chóng, chuỗi nhà thuốc ngày càng có vai trò lớn, hoạt động bán hàng online thuốc, thực phẩm bổ sung đang phát triển nhanh. Trong khi đó, các bệnh viện công vẫn khó khăn trong hoạt động mua sắm, đấu thầu nên kênh ETC tăng trưởng 17% sẽ là thách thức.

Các kênh bán lẻ ở chuỗi nhà thuốc được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh trong năm 2023, trong khi kênh bệnh viện sẽ gặp nhiều thử thách trong hoạt động mua sắm, đấu thầu. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Thực tế ngành dược phẩm vẫn cho thấy sự ổn định và có thể sống khỏe qua đại dịch. Ngành này được xem là có tính “phòng thủ” nhiều hơn là sự đột phá. Điều này có thể thấy qua việc các công ty đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ một chữ số những năm gần đây.

Ngoài Traphaco, Dược Hậu Giang (Mã: DHG), đơn vị dẫn đầu về lợi nhuận trong ngành dược, và CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) cũng kỳ vọng năm 2023 sẽ thiết lập được mốc lợi nhuận cao kỷ lục.

Nhận định về ngành dược, SSI Research cho rằng, tăng trưởng của ngành sẽ hạn chế trong năm nay. Trong bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe.

Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn.

Ở nhóm thuỷ sản, sau khi chứng kiến mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong ba quý đầu năm 2022, ngành đã chứng kiến việc xuất khẩu có dấu hiệu giảm tốc, đặc biệt ở các thị trường lớn từ quý IV/2022.

Nhiều chuyên gia dự báo năm 2023, xuất khẩu thủy sản không mấy tích cực do lạm phát gây tác động tiêu cực đến các thị trường nhập khẩu, nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 đình trệ. Bên cạnh đó, giá tôm và giá cá nguyên liệu tuy hạ nhiệt nhưng vẫn còn ở mức cao.

Bất chấp khó khăn trên, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC)  vẫn kỳ vọng doanh thu đạt 5.900 tỷ đồng doanh thu, 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 39%, 22% so với cùng kỳ, là mốc cao kỷ lục của doanh nghiệp này nếu đạt được kế hoạch trên.

Để đạt được mục tiêu này, Sao Ta sẽ tập trung vào việc cải thiện giá thành sản phẩm và phát huy những thế mạnh. Công ty sẽ thi công vùng nuôi tôm mới 203 ha, dự kiến hoàn hiện vào quý II/2023. Sau đó, thả nuôi ở toàn bộ 240 ao làm xong, nâng tổng số ao nuôi lên hơn 600 ao. Cùng với đó, công ty sẽ tìm hiểu thuê thêm đất bên ngoài và sang nhượng đất từ các hộ dân chung quanh vùng nuôi.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC của Sao Ta.

Với CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP) , công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ 2 dự án gồm Dự án Khu Dịch vụ Thương mại, Logistic và Khu Tái định cư xã lộ 25 và Dự án Khu nhà ở xã hội chuyển đổi từ đất dịch vụ Khu dân cư 18 ha. Bên cạnh đó, TIP tiếp tục cho thuê các tầng còn lại của dự án Văn phòng thương mại cũng như hoàn tấc đầu tư xây dựng cụm Kios 3, 4 và 5.

Đây chính là động lực để công ty đề ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, tăng 62% so với kết quả kiểm toán năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay.

CTCP Cơ điện lạnh (Mã: REE)  kỳ vọng lợi nhuận ròng tăng 0,3% so với mức kỷ lục năm ngoái, lên 2.700 tỷ đồng. Năm 2022, REE thiết lập mốc lợi nhuận kỷ lục, chủ yếu nhờ vào mảng thủy điện khi tình hình thủy văn thuận lợi. Sang năm nay, lượng mưa sẽ ít đi, và động lực tăng trưởng của REE đến từ mảng cơ điện lạnh và bất động sản, với dự án Nhà ở Thương mại Bồ Xuyên sẽ được bán ngay trong năm và dự án e.town 6 của REE đi vào khai thác vào quý IV tới.

Kế hoạch lợi nhuận ròng của REE năm 2023 gần như đi ngang so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước đó. (Nguồn tư liệu: Tổng hợp từ BCTC của công ty). 

Với kỳ vọng sẽ hợp nhất được SVC Holdings để hoàn thiện hệ sinh thái về ô tô, CTCP Tasco (Mã: HUT) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc, lần lượt gấp 21 lần và gấp 4,1 lần so với năm 2022.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ SVC Holdings, năm nay Tasco dự báo doanh thu năm 2023 tăng trưởng còn đến từ các dịch vụ gia tăng của hệ sinh thái (hệ thống thu phí không dừng VETC, bảo hiểm, tài chính, dịch vụ end to end...).

Mới đây, Tasco cũng đã công bố ứng viên tham gia vào Hội đồng quản trị là bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch kiêm người sáng lập Đại học Fulbright với kỳ vọng sẽ đưa ra các định hướng, chiến lược phát triển cho Tasco.

 

Những doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu cao kỷ lục

Một số doanh nghiệp như Sữa Quốc Tế hay Viglacera và cả Vinaconex kỳ vọng sẽ đạt được mốc doanh thu cao nhất lịch sử nhờ vào triển vọng ngành. Tuy nhiên do những sức ép từ thị trường chung như lạm phát, lãi suất cao,... khiến mức lợi nhuận dự đoán sẽ giảm sút.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, CTCP Sữa Quốc tế (Mã: IDP)  đặt mục tiêu doanh thu thuần kỷ lục 7.141 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022. Lãi sau thuế dự kiến giảm 4%, xuống còn 776 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Sữa Quốc tế đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2023 cao kỷ lục với 7.141 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022 nhờ vào xu hướng tiêu dùng cho mặt hàng này vẫn duy trì tăng trưởng. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Đánh giá về triển vọng năm 2023, ban lãnh đạo Vinamilk cũng không quá lạc quan về khả năng phục hồi nhu cầu tiêu thụ sữa do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.

Nguyên do, sản phẩm sữa là mặt hàng có mức độ nhạy cảm cao với giá bán và thu nhập do phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa coi sữa là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu. Vì vậy, nhu cầu đối với các sản phẩm sữa sẽ yếu đi khi người tiêu dùng thắt chặt thói quen chi tiêu.

Vinamilk kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sữa Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng một con số, dưới 5% so với năm ngoái trong năm 2023.

Bên cạnh đó, giá bột sữa (nguyên vật liệu đầu vào) toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong năm 2023, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ không có nhiều tác động tới xu hướng này.

Về dài hạn, theo nhận định của Sữa Quốc tế, các sản phẩm sữa hữu cơ, sữa tươi tự nhiên, sữa thực vật và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa sữa tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2022 - 2031 tạo cơ hội cho ngành sữa tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Đối với Tổng Công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC) , trong năm 2023, công ty đặt mục tiêu 16.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất tăng 10% so với năm 2022. Nếu đạt được, Viglacera sẽ thiết lập được mốc doanh thu cao kỷ lục từ trước đến nay.

Tuy nhiên, giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu biến động bất thường sẽ là yếu tố làm lợi nhuận trước thuế của Viglacera có thể giảm 44% so với mức nền kỷ lục năm ngoái về 1.300 tỷ đồng.

Năm 2023, với kỳ vọng hưởng lợi nhiều từ các dự án, đặc biệt là đầu tư công, Vinaconex  sẽ trình cổ đông mục tiêu năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp.

Kế hoạch trên dựa trên kỳ vọng Vinaconex sẽ cố gắng gia tăng thị phần trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp, nhất là các dự án có vốn đầu tư công,...

Đồng thời, tổng công ty sẽ hoàn thành bán hàng và bàn giao các căn hộ tại các dự án: Green Diamond số 93 Láng hạ; dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh; triển khai bán hàng tại Dự án khu đô thị Đại lộ Hoà Bình (Móng Cái), khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina….

 Nguồn tư liệu: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Theo Vinaconex, tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2023 không chỉ nằm trong khó khăn chung của thế giới mà còn phải đối mặt những vấn đề bất cập, hạn chế kéo dài trong nước như năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh và khả năng đổi mới sáng tạo chưa cao...

Riêng trong lĩnh vực xây dựng được dự báo sẽ có sự phân hoá mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp, trọng điểm phát triển được kỳ vọng ở nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp, trong đó các dự án đầu tư công vẫn mang tính dẫn dắt.

Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn về nguồn cung bởi những ảnh hưởng về nguồn vốn, pháp lý, siết chặt tín dụng, thanh khoản thị trường được dự báo ở mức trung bình – thấp. Những kỳ vọng về sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và việc giải quyết những nút thắt về pháp lý, thủ tục, trái phiếu  bất động sản... sẽ tạo động lực phát triển mới cho các doanh nghiệp ngành xây dựng. 

Những tác động trên khiến công ty kỳ vọng lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 8% xuống còn 860 tỷ đồng.

Minh Hằng

Dòng tiền vẫn dồi dào trên TTCK, song cần chắt lọc lựa chọn cổ phiếu
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.