|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bang chiến địa là gì và vì sao chỉ 7 bang lại có thể xoay chuyển cục diện bầu cử tổng thống Mỹ?

09:47 | 16/10/2024
Chia sẻ
7 bang chiến địa sẽ quyết định Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tiếp theo.

(Hình minh họa: South China Morning Post). 

"Bang chiến địa” là từ khóa luôn xuất hiện trong mỗi kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Các bang này có khả năng định đoạt kết quả của toàn bộ cuộc đua vào Nhà Trắng.

Năm 2024 cũng không phải ngoại lệ. Vì lẽ đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang ganh đua nhau quyết liệt tại số ít bang chiến địa trên cả nước.

Vậy bang chiến địa là gì và vì sao chúng lại có vai trò to lớn trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ? Dưới đây là câu trả lời:

Vấn đề bắt nguồn từ hệ thống đại cử tri

Lý do duy nhất dẫn dến sự ra đời của khái niệm “bang chiến địa” là Mỹ chọn tổng thống dựa trên lá phiếu của đại cử tri thay vì tổng số phiếu bầu của người dân trên toàn quốc.

Cụ thể, Mỹ phân bổ 538 phiếu bầu đại cử tri cho 50 bang và thủ đô Washington dựa trên quy mô của mỗi bang. Ứng viên tổng thống đắc cử là người giành được ít nhất 270 phiếu bầu đại cử tri.

Tại hầu hết các bang, ứng viên giành được đa số phiếu phổ thông sẽ nhận được tất cả phiếu đại cử tri của bang đó, dù cách biệt với đối thủ có thể là rất nhỏ.

Tại nhiều bang, mọi người có thể biết chắc ứng viên của đảng nào sẽ giành chiến thắng, thậm chí ngay cả trước khi mùa bầu cử diễn ra. Kể từ năm 2000 đến 2016, tờ NPR cho biết 38 tiểu bang luôn bầu cho cùng một đảng.

Tuy nhiên, các bang chiến địa có thể ngả theo một ứng viên bất kỳ, không kể đảng phái.

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 giữa ứng viên Đảng Cộng hòa George W. Bush và ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore rốt cuộc đã được định đoạt bởi chênh lệch 537 phiếu bầu phổ thông ở bang chiến địa Florida.  

Mục đích thành lập hệ thống đại cử tri của các nhà lập quốc Mỹ là ngăn cản các bang lớn với dân số đông có lợi thế không công bằng trong các cuộc bầu cử quốc gia. Nhưng vô hình trung, hệ thống đại cử tri đã khiến một số ít bang có ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử.

Bang chiến địa năm 2024

Giáo sư David Schultz thuộc Đại học Hamline chỉ ra 4 tiêu chí để xác định bang chiến địa. Thứ nhất là tính khó đoán. Liệu có phải bang đó có thể ngả về bất cứ đảng nào hay không? Ví dụ, bang Pennsylvania bầu ông Trump vào năm 2016 nhưng lại chọn đối thủ của ông vào năm 2020. Vì lý do này, bang chiến địa còn được gọi là bang dao động.

Thứ hai là sự chú ý của các ứng viên. Ứng viên tổng thống và đội ngũ của họ thường xuyên tới thăm những bang này để vận động trong giai đoạn giữa cuối tháng 5 và đầu tháng 9.

Thứ ba, bang đó có sự cạnh tranh rất lớn. Theo ông Schultz, điều này có nghĩa là trong những cuộc bầu cử gần nhất, ứng viên tổng thống chiến thắng tại được bang đó với cách biệt dưới 5% phiếu bầu.

Cuối cùng, bang đó được coi là chỉ báo trước. Hay nói cách khác, quá khứ cho thấy ứng viên nào chiến thắng tại bang này nhiều khả năng sẽ trở thành tân tổng thống Mỹ.

Song, ngay cả tại các bang chiến địa, khá nhiều cử tri cũng đã có sẵn quyết định cho riêng mình. Giáo sư Schultz cho rằng cuộc bầu cử năm nay có thể sẽ được định đoạt bởi một số hạt trong các bang chiến địa. Ông ước tính 5% cử tri tại 5 hạt của 5 bang có khả năng xác định kết quả cuộc bầu cử tổng thống.

Ông nhấn mạnh: “Đối với tôi, cuộc bầu cử tổng thống lần này có lẽ sẽ phụ thuộc vào 150.000 cử tri mang tính quyết định”.

Trong khi đó, Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng cho biết khoảng 244 triệu người Mỹ đủ tư cách bỏ phiếu trong năm nay. Như vậy, theo ước tính của ông Schultz, cuộc đua vào Nhà Trắng 2024 sẽ được định đoạt bởi 0,06% lá phiếu phổ thông.

Năm nay, tờ NPR xác định được 7 bang chiến địa bao gồm Pennsylvania, North Carolina, Georgia, Michigan, Arizona, Wisconsin và Nevada.

 

Ảnh hưởng của bang chiến địa đến chính trường Mỹ

Do ảnh hưởng to lớn của bang chiến địa đến cuộc bầu cử, các ứng viên tổng thống thường dành rất nhiều tiền bạc và nỗ lực cho những nơi này.

Ông David Damore, Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Nevada, chỉ ra: “Việc xác định các bang chiến địa có ý nghĩa quan trọng tới việc phân bổ nguồn lực.

Ví dụ tại bang thân Đảng Dân chủ là California, bạn hầu như không thấy gì khác biệt trong mùa bầu cử tổng thống với ngày thường. Còn nếu tới Nevada, đâu đâu bạn cũng thấy quảng cáo kêu gọi bỏ phiếu cho ứng viên”.

Quyền năng của bang chiến địa cũng có thể khiến cử tri tại những vùng khác mất động lực bỏ phiếu và khiến họ cảm thấy lá phiếu của mình không còn quan trọng.

Ví dụ, người sống ở bang có truyền thống lựa chọn ứng viên Đảng Cộng hòa có thể nghĩ rằng họ chẳng việc gì phải tốn thời giờ đi bỏ phiếu ủng hộ Đảng Dân chủ, vì kết quả đã được biết trước.

Đối với Giáo sư Schultz, sức ảnh hưởng vượt bậc của các bang chiến địa đã làm giảm tính công bằng của cuộc bầu cử tổng thống, đặc biệt là đối với cử tri tại những bang khác muốn tiếng nói của họ được biết đến.

Ông bình luận: “Tuy bầu cử tổng thống Mỹ áp dụng quy tắc ‘mỗi người một phiếu bầu’, nhưng ‘mỗi người một phiếu bầu’ không có nghĩa là ảnh hưởng của tất cả đều như nhau. Một số lá phiếu có nhiều quyền lực hơn hẳn”.

Mỹ đã thực hiện một số nỗ lực để khắc phục vấn đề trên. Một trong số đó là Hiệp ước liên bang về phiếu bầu phổ thông quốc gia (NPVIC), hay thỏa thuận để các bang trao toàn bộ phiếu bầu đại cử tri cho người giành được nhiều phiếu bầu phổ thông nhất trên toàn quốc thay vì người chiến thắng bang đó. Tới nay đã có 17 bang của Mỹ và thủ đô Washington ban hành NPVIC thành luật.

Giang