Bán lẻ tiêu dùng - khẩu vị cũ mà mới của các quỹ giữa 'mùa đông đầu tư'
Theo Tech in Asia, món gà rán không phải là thứ thường thu hút các nhà đầu tư công nghệ, nhưng Har Har Chicken đã chứng minh điều ngược lại. Tháng trước, thương hiệu này đã gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư mạo hiểm East Ventures.
Thực tế, các doanh nghiệp tiêu dùng đang ngày càng được các quỹ đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á quan tâm giữa bối cảnh “mùa đông đầu tư”, và dường như có lý do chính đáng.
Ông Rexi Christopher, đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm Init 6 của Indonesia, cho rằng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu - dự kiến sẽ chiếm 65% dân số khu vực vào năm 2030 - là lý do chính khiến việc đầu tư vào các công ty bán lẻ hiện nay trở nên hợp lý.
Init 6 gần đây đã đầu tư vào thương hiệu đồ du lịch Torch, và trước đó, họ cũng đã hỗ trợ Gently, một nhà bán lẻ các sản phẩm chăm sóc mẹ và bé. "Nhóm nhân khẩu học này ngày càng tìm kiếm những sản phẩm cao cấp hơn, nằm giữa phân khúc bình dân và xa xỉ, và đó chính là vị thế mà các thương hiệu này đang hướng tới,” ông Christopher chia sẻ.
Câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng này có thể duy trì hay không?
Truyền thống và an toàn
Ông Christopher cho rằng các nhà đầu tư "không thể cứ đứng nhìn" trong thời buổi bất ổn. Đó là lý do tại sao một số người chọn đầu tư vào các thương hiệu bán lẻ có nhu cầu ổn định ngay cả khi kinh tế khó khăn.
Ông tin rằng các doanh nghiệp tiêu dùng thường mang lại con đường lợi nhuận dễ nhìn thấy hơn bằng cách đáp ứng nhu cầu thị trường hiện có, giúp họ có khả năng tạo ra doanh thu ngay từ đầu.
Torch tuyên bố đã có lãi từ năm 2018. Năm ngoái, họ ghi nhận doanh thu gần 10 triệu USD, với tỷ suất lợi nhuận gộp vượt quá 70%, theo đồng sáng lập và CEO Ben Wirawan.
Ông Sameer Mehta, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm DSG Consumer Partners, lưu ý rằng khi các thương hiệu tiêu dùng duy trì "sự tập trung cao độ vào việc xây dựng nền tảng vững chắc ngay từ ngày đầu, họ có thể đạt điểm hòa vốn ở quy mô nhỏ hơn" so với hầu hết các công ty khởi nghiệp công nghệ.
DSG Consumer Partners thường thực hiện 7 đến 10 khoản đầu tư mỗi năm vào các công ty như vậy trên khắp Đông Nam Á và Ấn Độ, chủ yếu ở giai đoạn đầu. Danh mục đầu tư đáng chú ý của họ bao gồm Moom Health, nhà bán lẻ thực phẩm bổ sung dành cho phụ nữ có trụ sở tại Singapore, và Rosé All Day Cosmetics, thương hiệu mỹ phẩm và chăm sóc da của Indonesia. Cả hai công ty này đều có lãi từ năm thứ hai hoạt động mà không cần nhiều vốn, theo Mehta.
Moom Health đã huy động được 850.000 USD, trong khi Rosé All Day gần đây đã gọi vốn thành công 5,4 triệu USD vòng Series A.
Bà Maaike Doyer, nhà sáng lập mạng lưới đầu tư thiên thần Epic Angels, cho biết: "Thật không may, chúng ta đã nuôi dưỡng và đào tạo các công ty công nghệ theo hướng tăng trưởng trước, bền vững sau. Tư duy đó tất nhiên đang thay đổi, nhưng tôi nghĩ rằng việc cân bằng giữa tăng trưởng và bền vững luôn là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp phi công nghệ."
Năm ngoái, Epic Angels đã đầu tư vào Kind Kones có trụ sở tại Singapore, chuyên bán các món tráng miệng làm từ thực vật. Được thành lập vào năm 2017, Kind Kones đã huy động được khoảng 2,7 triệu USD. Hiện tại, họ có 5 cửa hàng ở Singapore và hai cửa hàng ở Malaysia, và đang có kế hoạch mở rộng sang Thái Lan trong vòng 6 đến 8 tháng tới.
Doanh thu của Kind Kones đạt 7 con số vào năm ngoái, đồng sáng lập Ishpal Bajaj cho biết, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 30%. Ông lưu ý rằng các chi phí gần đây liên quan đến việc đưa sản phẩm lên kệ hàng đã tạm thời khiến thương hiệu bị lỗ. Kind Kones dự kiến sẽ trở lại có lãi vào cuối năm nay.
Giới hạn quy mô
So với các startup công nghệ thuần túy, các công ty bán lẻ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc mở rộng quy mô - ông Yi Ming Kau, nhà sáng lập Krux Asia, nhận định. Điều này đặc biệt đúng trong các lĩnh vực như F&B, nơi các doanh nghiệp thường được định giá thấp hơn do "tốc độ tăng trưởng chậm và biên lợi nhuận thấp", ông giải thích.
Ngược lại, các startup công nghệ đôi khi có thể đạt mức định giá gấp 10 lần hoặc hơn, thậm chí trong một số trường hợp, ngay cả khi chưa có nhiều sức hút trên thị trường. Bà Nivedita Venkateish, người từng làm việc tại các công ty công nghệ phát triển nhanh như Meta và Ula, chỉ ra rằng các startup công nghệ thường không đòi hỏi nhiều công sức thủ công để mở rộng quy mô, mặc dù có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển và ra mắt sản phẩm.
Bà Venkateish hiện là nhà sáng lập và CEO của Aire có trụ sở tại Singapore, công ty đã nhận được vốn đầu tư hạt giống từ DSG Consumer Partners vào tháng 4. Sản phẩm chủ lực của công ty là tã quần dành cho người lớn Aire, nhằm hỗ trợ người cao tuổi.
Bà nói thêm rằng với các thương hiệu tiêu dùng, "mọi thứ cần được xây dựng từng bước một", đặc biệt là đối với những thương hiệu áp dụng chiến lược đa kênh. Chẳng hạn, các thương hiệu phải xử lý logistics và đàm phán phí để đảm bảo sản phẩm được trưng bày tại các cửa hàng bán lẻ. Làm việc với nhiều đối tác bán lẻ buộc các thương hiệu phải lặp lại quy trình này nhiều lần.
Nhà sáng lập bắt đầu phát triển sản phẩm đầu tiên của Aire vào tháng 11/2022 và chính thức ra mắt vào tháng 6/2023. Kể từ đó, Aire đã bán được khoảng 200.000 tã người lớn. Ngoài các kênh trực tuyến, sản phẩm của Aire còn có mặt tại gần 50 quầy bán hàng offline trên khắp Singapore, bao gồm cả chuỗi siêu thị lớn nhất nước, NTUC FairPrice. Công ty đang cân nhắc mở rộng sang Malaysia và Thái Lan vào năm tới.
Khoản đặt cược xứng đáng?
Trong một bài đăng trên LinkedIn, ông Kau tại Krux Asia mô tả khoản đầu tư của East Ventures vào Har Har Chicken là "không phải hành vi đầu tư mạo hiểm điển hình" và gợi ý rằng có thể có nhiều điều hơn thế đối với thương hiệu này, không chỉ là về thực phẩm và bán lẻ.
Theo ông, cơ sở này cần phải mở rộng quy mô "ít nhất 100 lần trong vài năm tới mới xứng đáng có mặt trong quỹ 550 triệu USD của East Ventures."
Cả Har Har Chicken và East Ventures đều từ chối bình luận về vấn đề này.
Về việc các nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn từ các doanh nghiệp tiêu dùng như thế nào, ông Christopher của Init 6 cho rằng tại Indonesia, các phương án để nhà đầu tư rút vốn khỏi các công ty này vẫn đang trong quá trình phát triển, bởi vì hiện tại chưa có nhiều thương vụ thành công để làm ví dụ.
Tuy nhiên, ông tin rằng những xu hướng từ các thị trường lớn hơn cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến Indonesia. Chẳng hạn, việc Mamaearth, một trong những thương hiệu D2C lớn nhất Ấn Độ, IPO thành công vào năm 2023 là một dấu hiệu đáng mừng.
Theo ông Mehta tại DSG Consumer Partners, thị trường chứng khoán Đông Nam Á hiện đang ảm đạm, không thuận lợi cho việc các thương hiệu tiêu dùng trong khu vực phát hành cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn (IPO). Vì vậy, họ nên nhắm đến việc được các công ty lớn hơn mua lại như một cách để nhà đầu tư thu hồi vốn và có lợi nhuận. Ông tin rằng nếu các startup tiêu dùng có thể đạt doanh thu 50-100 triệu USD trong 5-10 năm, sẽ có nhiều công ty lớn quan tâm đến việc mua lại họ.