|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[Bài 1] 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang làm gì để chống chọi 'cơn bão' lạm phát?

14:35 | 12/07/2022
Chia sẻ
Do ý thức được tác động xấu của lạm phát, chính phủ hai trong các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia đã ban hành các lệnh cấm xuất khẩu, trợ cấp giá,...để bảo vệ người dân khỏi "cơn bão" lạm phát.

"Bão" lạm phát không bỏ qua Đông Nam Á

Giá lương thực cũng như dầu thô toàn cầu đang tăng mạnh và có vẻ sẽ tiếp tục ở mức cao trong một thời gian, bởi nguồn cung năng lượng và lúa mì đang bị căng thẳng tột độ do tác động của cuộc chiến tại Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Chỉ riêng trong tháng 5, giá thực phẩm thế giới đã tăng 22,8%, theo chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO). Nguyên nhân dẫn đến mức tăng này là do giá ngũ cốc và thịt đi lên.

Giá dầu Brent đã đạt gần 140 USD/thùng vào tháng 3 và mặc dù dầu đã hạ nhiệt, các thương nhân dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp.

Các nhà nghiên cứu tại Fitch Solutions ước tính giá dầu Brent sẽ đạt trung bình khoảng 105 USD/thùng trong năm nay - cao hơn gấp đôi so với mức giá được giao dịch vào cuối năm 2020.

 

Lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu cũng đang lớn dần, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng 7 để chế ngự lạm phát đang ở mức đỉnh hơn 40 năm.

Các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn chưa loại bỏ được ảnh hưởng khi giá thực phẩm và dầu thô phi mã. Nếu một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra khi Đông Nam Á chỉ vừa vực dậy từ đại dịch, thiệt hại cho khu vực này có thể gia tăng gấp bội.

SCMP dẫn lời các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cho rằng, một số nước Đông Nam Á có thể phải chi ngân sách nhiều hơn để giảm thiểu tác động của lạm phát. Điều này có khả năng dẫn đến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.

Song, các quốc gia Đông Nam Á có thể chi thêm bao nhiêu và chèo lái qua cuộc khủng hoảng hiện tại như thế nào? Dưới đây là bối cảnh của 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực và các lựa chọn chính sách hiện có:

Indonesia

Tháng 5 năm nay, Quốc hội Indonesia đã chấp thuận yêu cầu của chính phủ về việc tăng trợ cấp nhiên liệu thêm khoảng 23,8 tỷ USD để duy trì giá xăng dầu ở mức ổn định, trong bối cảnh lạm phát leo thang nhanh chóng.

Động thái tăng trợ cấp diễn ra cùng lúc với việc chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ sau ba tuần áp dụng. Trước đó, Jakarta ban hành lệnh cấm này nhằm tăng cường nguồn cung dầu ăn trong nước.

Tuy nhiên, trong tháng 6, lạm phát đã nhích 4,35% so với cùng kỳ năm ngoái - xác lập mức tăng nhanh nhất trong 5 năm và vượt xa phạm vi mục tiêu năm 2022 của ngân hàng trung ương Indonesia là 2 - 4%.

Xe cộ trên một con phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Chính phủ nước này có chính sách trợ cấp giá đối với nhiều mặt hàng như nhiên liệu, điện và phương tiện giao thông công cộng. (Ảnh: Xinhua).

Ông Zamroni Salim - người đứng đầu trung tâm nghiên cứu vĩ mô và tài chính của Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia, cho biết chính phủ có thể sẽ đẩy mạnh chi tiêu công để duy trì chính sách trợ cấp nhằm tránh giá xăng cũng như lương thực thiết yếu tăng đột biến.

“Nếu lạm phát tương đối cao [khoảng 10%], cú sốc này có thể làm giảm hoặc xói mòn tăng trưởng kinh tế cũng như sức mua của người dân. Trong khi lạm phát dưới 10% thì tác động vẫn có thể kiểm soát được”, ông Zamroni bày tỏ.

Dù vậy, các biện pháp trợ cấp của Indonesia được dự báo là sẽ gây ra thâm hụt ngân sách lớn hơn trong năm nay, dù doanh thu nhà nước được cải thiện bởi giá hàng hoá tăng cao, bà Trinh Nguyen - nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Natixis, nhận định.

Chia sẻ với SCMP, bà Trinh Nguyen cho hay: “Doanh thu từ xuất khẩu hàng hoá đã hỗ trợ khá nhiều cho chính phủ Indonesia, nhưng các khoản trợ cấp để kìm chế lạm phát cũng rất lớn.

Điều này đồng nghĩa rằng ngân sách của Indonesia không đủ dư dả để chi tiêu cho các hạng mục khác như cơ sở hạ tầng. Trợ cấp đang lấn át các khoản đầu tư khác và sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn hơn dự kiến”.

Malaysia

Cho đến nay, số liệu lạm phát tại Malaysia vẫn đang nằm trong phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 2,8% trong tháng 5 và mục tiêu cho cả năm nay là 2,2 - 3,2%. Song, điều đó cũng không làm giảm bớt lo ngại rằng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn.

Malaysia đã áp lệnh cấm xuất khẩu thịt gà từ ngày 1/6 khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt do chi phí sản xuất tăng cao. Nông dân cho rằng nguồn nguyên liệu thô như ngô và đậu nành hạn chế là nguyên nhân dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi nhảy vọt.

Kể từ đó đến nay, nguồn cung thịt gà đã ổn định hơn. Đồng thời, giá thịt gà nội địa - hiện vẫn nhận được trợ cấp của chính phủ, đã tăng nhẹ nhằm giúp nâng mức trần lợi nhuận của người chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo SCMP, lệnh cấm vẫn còn nguyên hiệu lực và tiếp tục gây rắc rối cho nước láng giềng Singapore - quốc gia phụ thuộc vào Malaysia cho hơn 30% nguồn cung thịt gà.

Người tiêu dùng lựa thịt tại một khu chợ ở thành phố Shah Alam, Malaysia. (Ảnh: Bloomberg).

Sự phản đối kịch liệt của công chúng khi giá cả tăng cao cũng buộc chính phủ Malaysia phải công bố khoản hỗ trợ tiền mặt bổ sung trị giá 630 triệu ringgit (tương đương 142,2 triệu USD) cho các gia đình có thu nhập thấp, bên cạnh khoản hỗ trợ tương tự 8,2 tỷ ringgit đã được trích vào đầu năm nay.

Gần đây, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã thành lập một tổ công tác đặc biệt có tên “Jihad chống lạm phát”. Tổ này đã khuyến nghị các nhà bán lẻ và trung tâm mua sắm tổ chức các chiến dịch bán hàng, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chính phủ thiết lập cơ chế giảm giá bán lẻ dầu ăn.

Song, các chuyên gia nhấn mạnh rằng chính quyền Kuala Lumpur sẽ cần phải đưa ra những chính sách bền vững hợp để giúp nền kinh tế và người dân tránh khỏi các cú sốc giá cả, đặc biệt là khi hầu hết rủi ro lạm phát đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Ông Hafidzi Razali - nhà phân tích cấp cao của hãng tư vấn địa chính trị BowerGroup Asia, nói chính phủ Malaysia cần phải nhận thức được rằng dư địa tài khoá của họ rất hạn chế do hệ thống thuế khiêm tốn.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh Malaysia cần phải cơ cấu lại chính sách trợ cấp để hướng đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Theo ông Razali, chính phủ cũng nên xây dựng kho dự trữ lương thực để đáp ứng nhu cầu nội địa, đồng thời thực hiện các mục tiêu dài hạn là nâng cao sản lượng và tăng khả năng dự trữ lương thực trong nước.

Khả Nhân

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.