|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong quý I lần đầu tăng trưởng âm, khó khăn vẫn chưa dừng lại

07:55 | 12/04/2023
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong quý I đạt 20,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng âm.

Thặng dư thương mại lần đầu sụt giảm

Theo số liệu củaCục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lạm phát của nước này tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 2 nhưng vẫn ở mức cao và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.

 (Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Fred St Louis)

Suy thoái kinh tế cùng với những vụ khủng hoảng ngân hàng đã khiến giao thương hàng hóa giữa Mỹ và các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chững lại.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu quý I giữa Việt Nam và Mỹ đạt 23,7 tỷ USD, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu 17,7 tỷ USD, song vẫn giảm 21% so với quý I/2022.

 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong quý I đạt 20,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lần đầu xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tăng trưởng âm trong hơn 10 năm qua.

Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam giảm tốc phần nào kéo theo kim ngạch xuất khẩu quý I của cả nước giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 79,3 tỷ USD.

 

Tại hội nghị giao ban với Bộ Công Thương, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết khủng hoảng của một số ngân hàng ở Mỹ đã khiến người tiêu dùng suy sụp niềm tin, ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm vào đó, việc Trung Quốc đã mở cửa trở lại cũng khiến dư địa của Việt Nam tại thị trường này co hẹp lại. Thống kê từ Hiệp hội Cảng biển Mỹ cho thấy lượng container nhập khẩu vào các cảng của nước này từ Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đã tăng 13% so với cùng kỳ 2022.

Hiếm thấy mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương

Trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ ở mức cao, sức cầu yếu, hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng âm trong quý I. 

Nếu như quý I/2022, dệt may được coi là điểm sáng của hàng hóa xuất khẩu khi chớp được cơ hội khi nhu cầu của thị trường Mỹ phục hồi sau dịch COVID-19, mang lại kim ngạch 4,3 tỷ USD, tăng 21% so với quý I/2021 thì đến quý I/2023, hàng dệt may không còn giữ được phong độ này.

Xuất khẩu dệt may sang Mỹ trong quý đầu năm chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022, thậm chí còn thấp hơn cả mức 3,5 tỷ USD của quý I/2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin thị trường tháng 3 đã có những thay đổi kém tích cực so với tháng 2.

Những sự kiện “không được báo trước” như các vụ sụp đổ của các ngân hàng nhỏ ở Mỹ và ngân hàng Credit Suise của Thụy Sỹ trong tháng 3 đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý, nhu cầu của các nhà nhập khẩu.

“Cùng với những vụ khủng hoảng ngân hàng, những thách thức kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lí người tiêu dùng.

Thực tế, doanh thu bán lẻ hàng may mặc ở Mỹ suy giảm trong 3 tháng đầu năm và chưa thấy dấu hiệu phục hồi trong các tháng tiếp theo. Tồn kho của các hãng được thông báo ở mức cao, lợi nhuận giảm sâu”, ông Vương Đức Anh nói.

Trước biến động ở thị trường Mỹ nói riêng và suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết quý I năm nay, thị trường hết sức trầm lắng, sức mua và giá đồng loạt giảm, tồn kho của các nhãn hàng tăng cao.

“Hiện, không ai biết được thị trường sẽ còn trầm lắng trong bao lâu, điều này có nghĩa chúng ta đang phải đối mặt với quý II vô cùng khó khăn”, ông Cao Hữu Hiếu nói.

 

Một mặt hàng đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ là gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng ghi nhận giảm mạnh. Theo đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Mỹ trong quý I đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp của ngành gỗ Việt Nam phải đối mặt với loạt những khó khăn ở thị trường Mỹ như những thay đổi chính sách tài chính tiền tệ, lạm phát tăng cao, chi phí vận tải logistics cao, các quy định của chính quyền liên bang và bang phức tạp, đặc biệt trong vấn đề kiểm dịch, tiêu chuẩn lao động...

Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu và lượng hàng tồn kho giai đoạn cuối năm của Mỹ vẫn chưa được cải thiện, nhiều hợp đồng lớn đối tác chỉ thanh toán sau khi giao hàng đầy đủ, chưa kể hàng nội thất của Việt Nam đang gặp rủi ro về điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại của Mỹ.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng xuất khẩu gỗ, đặc biệt là đồ nội thất của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng tăng trưởng.

Trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng Mỹ không chỉ thắt chặt chi tiêu với những sản phẩm như điện thoại, dệt may, giày dép, đồ gỗ… giảm mạnh, mà ngay cả những mặt hàng thực phẩm được cho là thiết yếu như thủy sản, hạt điều… cũng vào diện cắt giảm.

Dữ liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong quý I đạt 283 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư Ký VASEP cho biết trong bối cảnh lạm phát và khủng hoảng ngân hàng, các ngân hàng Mỹ thắt chặt tín dụng khiến các nhà nhập khẩu không có đủ khả năng tài chính để nhập hàng với số lượng lớn. Tác động từ thị trường Mỹ cũng đã kéo theo ảnh hưởng tại các thị trường khác là Canada và châu Âu.

Ngoài ra, yếu tố cạnh tranh gia tăng cũng khiến xuất khẩu thủy sản sang Mỹ lao dốc. Theo bà Lan, sự trỗi dậy mạnh mẽ của tôm Ecuador và Ấn Độ đang khiến thị phần của tôm Việt tại Mỹ bị co hẹp lại, trong khi đó Mỹ vốn là thị trường nhập khẩu tôm đông lạnh lớn nhất của Việt Nam.

“Xu hướng giảm tại các thị trường chính đang thể hiện rất rõ ràng và tín hiệu giảm sẽ kéo dài đến ít nhất qua hết hè năm nay”, bà Tường Lan nhận định.

Đà giảm có thể đảo chiều trong ngắn hạn?

Đà giảm của thương mại hàng hóa với Mỹ có thể sẽ chưa đảo chiều trong ngắn hạn khi nhiều tổ chức dự báo rằng kinh tế năm nay sẽ không mấy khả quan.

Trong báo cáo tháng 1/2023 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 ở mức 1,4% và 2024 tiếp tục hạ xuống 1%. So với mức tăng trưởng 5% của năm 2021, bức tranh kinh tế Mỹ trong giai đoạn 2023-2024 tương đối u ám.

 

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ nhận định dù kim ngạch xuất khẩu suy giảm theo tình hình chung, nhưng Mỹ vẫn là thị trường quyết định tăng trưởng của nhiều ngành hàng lớn của Việt Nam như điện tử, dệt may, thủy sản, giày dép, nông sản…

Do vậy, ông Hưng khuyến cáo doanh nghiệp Việt cần tiếp tục giữ vững thị trường Mỹ bằng việc cập nhật thông tin, chuyển đổi sản xuất theo xu hướng tiêu dùng của thị trường.

Ngoài ra, ông Hưng khuyến nghị tới các cơ quan quản lý cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối lớn như Walmart, Costco và Amazon. Đây là cách để phát triển thương hiệu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào khâu trung gian.

Phạm Mơ