Từng là đầu tàu, các thành phố giàu nhất Trung Quốc giờ là mối đe doạ làm trật bánh nền kinh tế
4 năm trước, doanh nhân Alex Zhang từng tin tưởng rằng triển vọng công ty vật liệu xây dựng của mình sẽ trở nên tươi sáng hơn khi anh tập trung kinh doanh tại những thành phố giàu có bậc nhất Trung Quốc.
Các nhà thầu được chính phủ hậu thuẫn tại Hàng Châu, Tô Châu và Nam Kinh có vẻ chắc chắn sẽ thanh toán tiền hàng. Ba cái tên vừa nêu là những gã khổng lồ công nghiệp nằm trong cụm 8 tỉnh đóng góp gần một nửa GDP cả nước.
Hiện tại, Zhang đang có khoản nợ phải thu khoảng 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,4 triệu USD) từ các dự án đã hoàn thiện. Ngay cả những khu vực giàu có của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng từ sự suy yếu của nền kinh tế chung.
Sự tuyệt vọng đã thúc đẩy Zhang chi 100.000 nhân dân tệ cho hai bữa ăn với những người trung gian. Theo Bloomberg, những người này khẳng định họ có mối quan hệ ở Bắc Kinh có thể giúp anh được trả tiền và tìm công việc mới.
“Tôi chưa thấy một trường hợp thành công nào”, Zhang (38 tuổi) nói. “Chính quyền địa phương đang cạn kiệt tiền mặt. Phải mất nhiều năm chúng tôi mới được trả tiền. Chúng tôi đang khốn khó, tôi chỉ muốn từ bỏ”.
Zhang không đơn độc. Hậu đại dịch, chính sách thắt lưng buộc bụng về mặt tài chính đã kìm hãm các tỉnh nghèo của Trung Quốc. Giờ đây, khó khăn bắt đầu lan sang những tỉnh từ lâu vốn được cho là không thể suy thoái.
Việc duy trì năng lực tài chính cho các chính quyền địa phương đã trở nên cấp thiết hơn sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố sẽ mạnh tay áp thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc.
Trọng tâm trong nỗ lực của Bắc Kinh là gói kích thích 10.000 tỷ nhân dân tệ để các chính quyền địa phương giảm bớt gánh nặng nợ nần, dù số tiền này khá khiêm tốn so với con số cần thiết mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính.
Mục đích của Bắc Kinh là bơm tiền để các chính quyền địa phương xoa dịu cuộc khủng hoảng tín dụng tiềm tàng, trả lương cho công nhân viên chức, thanh toán cho doanh nghiệp và đầu tư vào dự án mới.
Liệu chương trình hoán đổi nợ của chính quyền trung ương có thể thành công giải cứu các tỉnh giàu có hay không, phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm công chúng mới nhận được câu trả lời.
Tình cảnh xưa và nay
Một năm trước, các tỉnh giàu có như Chiết Giang còn đang đi đầu trong công cuộc giải cứu kinh tế của Trung Quốc. Họ được giao nhiệm vụ “then chốt” trong việc hỗ trợ tăng trưởng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, đến tháng 9 năm nay, khi các kế hoạch kích thích kinh tế dần thành hình, ít nhất một tỉnh giàu có đã lên tiếng cảnh báo rằng họ đang chật vật hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP.
Khi khó khăn lan rộng, các khu vực từng là đầu tàu kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Trong một dấu hiệu đáng lo khác, tỉnh Quảng Đông đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ đại dịch trong 9 tháng đầu năm nay.
Sự sụp đổ của thị trường bất động sản khiến các nhà phát triển không muốn mua đất, khiến nguồn thu của các chính quyền địa phương sụt giảm đáng kể. Doanh thu thuế ít hơn và lãi vay tăng cao cũng là gánh nặng lớn với nhiều tỉnh.
Một viên chức địa phương ở tỉnh Quảng Đông cho biết thu nhập của ông đã giảm một phần ba trong năm nay vì tiền thưởng bị cắt. Chủ lao động của một người họ hàng thì dời lịch thanh toán lương đến cuối mỗi tháng.
Chia sẻ với Bloomberg, ông nhận định chương trình hoán đổi nợ sẽ giảm bớt áp lực trả nợ của các chính quyền địa phương và ông vẫn tự tin về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Song, viên chức này cho biết sẽ mất nhiều thời gian để nền kinh tế ổn định trở lại.
Bầu không khí tiết kiệm
Không khí tiết kiệm đang lan toả khắp Tô Châu, một thành phố lớn ở tỉnh Giang Tô cách Thượng Hải chưa đầy hai giờ lái xe.
Trên bề mặt, Tô Châu tự hào là nền kinh tế địa phương lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Chile và có thu nhập bình quân đầu người gần gấp đôi mức trung bình toàn quốc - hơn 10.200 USD.
Tô Châu (hay Venice của phương Đông) là điểm thu hút khách du lịch lớn, nổi tiếng với những khu vườn lâu đời và kiến trúc cổ kính. Nhưng chuyến thăm của Bloomberg vào đầu mùa đông cho thấy một nỗi lo đang âm ỉ bên dưới bề mặt.
Dọc theo đường Pingjiang, nơi có những cây cầu đá bắc qua con sông nước trong vắt, một chủ quầy hàng đang rao bán nam châm tủ lạnh với mức chiết khấu 15%. Gần đó, một thợ làm bánh đang cố gắng thuyết phục hai khách hàng trung niên trả 8 tệ cho chiếc bánh gạo mận với lời mời chào mua một tặng một.
Trao đổi với Bloomberg, anh Ivan Jiang (35 tuổi) cảm thấy may mắn khi mức lương của anh vẫn ổn định và được trả đúng hạn. Song, nhân viên công ty thử nghiệm máy móc này không muốn chi tiêu nhiều như trước do lỗ nặng từ đầu tư chứng khoán và lo lắng về rủi ro địa chính trị.
Chiến dịch kích thích kinh tế của Trung Quốc đã giúp mục tiêu tăng trưởng năm nay trở lại tầm với của Bắc Kinh, nhưng khi cỗ máy xuất khẩu của Tô Châu phải đối mặt với rủi ro thuế quan cao hơn dưới thời ông Trump, triển vọng năm tới có vẻ không chắc chắn.
Nhấp một ngụm cà phê tại cửa hàng Starbucks gần nơi làm việc, Jiang cho biết anh lo ngại một cuộc chiến thương mại khác có thể buộc các công ty nước ngoài phải chuyển sản xuất khỏi Tô Châu và gây tổn hại cho công ty cũng như gia đình anh. Vợ Jiang đang làm việc cho một công ty hoá dầu có vốn nước ngoài.
Thương mại tại Tô Châu chiếm 6% tổng thương mại của Trung Quốc và gần một nửa con số của Giang Tô. Khoảng 18.000 công ty nước ngoài đang hoạt động tại đây với tổng vốn đầu tư hơn 160 tỷ USD - lớn thứ ba tại Trung Quốc.
“Nhiều gia đình ở Tô Châu sẽ bị ảnh hưởng vì thường cả vợ và chồng đều làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Họ rút khỏi thành phố này thì công việc cũng giảm đi”, Jiang cho hay.
Giữa lúc đó, anh Alex Zhang vẫn đang cố gắng giải quyết mớ rắc rối từ công ty kinh doanh vật liệu thất bại của mình.
Không có tiền để đầu tư vào dự án mới, Zhang đang điều hành một công ty thương mại điện tử bán đồ ăn và thức uống thông qua các buổi phát trực tiếp.