|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TTCK Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng thiếu ổn định: Góc nhìn từ sự khác biệt giữa hai nhóm nhà đầu tư

07:53 | 22/05/2023
Chia sẻ
Năm 2022, giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân chiếm đến gần 90% toàn thị trường, điều này phản ánh sức hút mạnh mẽ của thị trường chứng khoán đối với người dân trong vai trò là một kênh tích sản tốt. Trên thực tế, chính điều này là nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam tăng trưởng thiếu ổn định, việc thiếu vắng các định chế chuyên nghiệp khiến nền tảng của thị trường chứng khoán Việt Nam rất yếu ớt.

 

Việt Nam đang bước vào giai đoạn hình thành tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng nhanh thuộc hàng cao nhất châu Á. Đây cũng là giai đoạn một phần lớn dân số có nhu cầu về tích sản, điều này có thể thấy rõ qua số tài khoản chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm gần đây.

Hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 3,5% dân số có tài khoản chứng khoán. Con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng theo xu thế phát triển nếu nhìn vào con số 7% của Thái Lan, 20% của Trung Quốc, 74% của Hàn Quốc và 80% của Đài Loan.

Bình luận về xu hướng mở rộng nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam những năm gần đây, ông Matthew Smith - Chuyên gia nghiên cứu, phân tích cấp cao với hơn 22 năm kinh nghiệm làm việc tại thị trường Châu Á nói: “Tôi đã từng nhiều lần so sánh giữa thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện nay và thị trường Đài Loan vào những năm 1980. Đài Loan đã từng trải qua một giai đoạn mà trong đó các nhà đầu tư cá nhân rất hứng thú với việc giao dịch chứng khoán.

Khi đó thị trường chứng khoán (TTCK) giống như một sòng bạc casino khổng lồ, với vài “công ty” nổi tiếng được niêm yết trên giấy và không hề có doanh thu hay nhân viên, thậm chí là cũng không có hoạt động kinh doanh.

Giá trị giao dịch trong một vài ngày tương ứng với Nhật Bản và New York, không phải vì quy mô thị trường tương ứng với quy mô của những thị trường khổng lồ đó, mà do các nhà đầu cơ xét thời hạn đầu tư theo 'đơn vị phút'”.

Ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. (Ảnh: Yuanta Việt Nam) 

Thị trường Việt Nam ít nhiều cũng đã cho thấy nhiều nét tương đồng với những gì thị trường Đài Loan đã trải qua. Năm ngoái, thanh khoản thị trường bùng nổ, giá trị giao dịch của các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đạt mức đỉnh điểm chiếm gần 90% giá trị giao dịch toàn thị trường.

 

Nhà đầu tư mới vào thị trường được trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc “đánh đâu thắng đó” cho đến khi thị trường lao dốc, 90% NĐT cá nhân thua lỗ trong năm 2022 và nhiều người trong số đó đã lặng lẽ rời cuộc chơi. Lượng tài khoản chứng khoán đăng ký mới liên tục suy giảm.

TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế nhiều năm làm việc tại thị trường Mỹ đánh giá, TTCK Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong vòng 10 năm qua, tuy nhiên sự tăng trưởng này khá bất ổn định. Sự thiếu ổn định xuất phát từ thành phần cơ cấu của những thành viên tham gia thị trường, trong đó đa số là NĐT cá nhân. 

Chuyên gia cho rằng NĐT cá nhân Việt Nam rất linh hoạt, nhanh chóng với các quyết định đầu tư, điều này tạo ra sự hưng phấn trên thị trường tuy nhiên ở chiều ngược lại, việc thiếu vắng các định chế chuyên nghiệp khiến nền tảng của thị trường chứng khoán Việt Nam rất yếu ớt.

 

Theo TS. Hiếu, các NĐT chuyên nghiệp tại thị trường phát triển chủ yếu là các quỹ đầu tư, họ có đầy đủ công cụ phân tích, đưa ra dự báo và đánh giá về khả năng sinh lời và tính an toàn của cổ phiếu.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân lại chiếm số đông tại Việt Nam, chỉ một số ít dựa trên các phân tích cơ bản và kỹ thuật còn lại phần nhiều bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông và các thông tin thiếu tin cậy.

 

 

Nhìn chung, đa số các NĐT đầu tư cá nhân điều chú trọng đến khả năng sinh lời, nhưng cũng có nhiều NĐT tìm được niềm vui khi tự bản thân có thể tạo ra được lợi nhuận. Xét riêng về hiệu quả tài chính, nếu không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì NĐT cá nhân thua thiệt đủ đường so với các NĐT tổ chức.

Theo ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), 4 đặc điểm chính khiến quỹ đầu tư chiếm lợi thế hơn rất nhiều so với các NĐT cá nhân trên thị trường:

Thứ nhất là thời gian. Các quỹ tập trung toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu và lựa chọn cổ phiếu;

Thứ hai là khả năng tiếp cận thông tin. Các quỹ thường xuyên đối thoại trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp, trao đổi thông tin với các chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư hàng đầu;

Thứ ba là kinh nghiệm. Đội ngũ quản lý quỹ phải được đào tạo sâu về chuyên môn, có trên 10 năm kinh nghiệm đầu tư, sử dụng các phương pháp định giá phù hợp và tận dụng các phương tiện hỗ trợ nâng cao như Bloomberg và Reuters…

Cuối cùng, đặc biệt quan trọng đó chính là tính kỹ luật đầu tư. Các quỹ phân bổ tài sản theo hướng tối ưu hóa lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro và ra quyết định đầu tư một cách có nguyên tắc. Đây cũng chính là lý do mà các quỹ do TVAM quản lý đạt được mức lợi nhuận vượt trội trong 6 năm liền và suy giảm thấp nhất trong một năm đầy biến động như 2022, ông Quang cho hay.

Theo ông Quang, đợt suy thoái của thị trường bất động sản và đổ vỡ của thị trường trái phiếu vừa qua cho thấy đầu tư chứng khoán thực tế không rủi ro quá cao trong tương quan so sánh với các kênh đầu tư khác như chúng ta nghĩ miễn là nhà đầu tư phải thực sự chuyên nghiệp, có kiến thức, kinh nghiệm và phong cách đầu tư nghiêm túc thay cho tư tưởng đầu cơ, đánh quả và trông chờ vào sự may rủi.

 

Thay vào đó, nếu bạn không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng vẫn muốn tham gia hưởng lợi từ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam non trẻ với nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai thì cách tốt nhất là ủy thác tài sản cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp quản lý.

Như vậy, NĐT cần xem xét hiệu quả đầu tư của quỹ có tốt và ổn định trong nhiều năm không, cũng như năng lực đầu tư, kinh nghiệm và tính trung thực của ban lãnh đạo quỹ. Mặt khác, uy tín của tổ chức giám sát và kiểm toán cho quỹ cũng là một yếu tố quan trọng cần chú ý để đảm bảo sự minh bạch tài chính, ông Quang khuyến nghị.

 

Nếu như tại thị trường phát triển, NĐT quá quen thuộc với các quỹ đầu tư thì một hiện tượng còn phổ biến tại Việt Nam là NĐT tự giao dịch do tâm lý lo ngại khi đầu tư thông qua một định chế tài chính. Cách đầu tư này theo TS. Hiếu là khá lỗi thời và không đem lại hiệu quả.

Bởi đầu tư qua các quỹ này họ có những nhà quản lý, những bộ phận phân tích nên hiệu quả mang lại và khả năng quản trị rủi ro sẽ cao hơn. Đặc biệt nếu cứ tiếp tục tâm lý này thì rất khó để nền tài chính của Việt Nam phát triển.

“Ngay đối với tôi, ở Mỹ gần như tôi không bao giờ đầu tư chứng khoán trực tiếp mà đều đầu tư thông qua các quỹ”, TS. Hiếu cho biết.

 

Theo số liệu từ UBCKNN, hiện Việt Nam mới có 101 quỹ đầu tư đang hoạt động trên thị trường, trong khi đó con số này tại Thái Lan lên đến 1.700. Mặc dù vậy, nếu nhìn theo xu thế phát triển, hoạt động mở rộng đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài và các quỹ nội địa gần đây cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. 

Theo bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc SSIAM, các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan từng có giai đoạn bùng nổ nhà đầu tư mới hay còn gọi là nhà đầu tư F0. Nhưng sau đó, trải qua các chu kỳ tăng/giảm của thị trường, nhà đầu tư sẽ phân lớp rõ ràng trong việc tự đầu tư và đầu tư vào các quỹ. Kết quả, các loại quỹ ở các thị trường trên rất phát triển và rót vốn sang Việt Nam như chúng ta đã thấy.

Việt Nam cũng được dự báo sẽ không tách ra khỏi xu thế phát triển chung. Theo giám đốc SSIAM, sự phát triển của các quỹ đầu tư sẽ giải quyết phần lớn nhu cầu cá nhân của NĐT mà họ không cần tốn thời gian quan tâm nghiên cứu, giao dịch chứng khoán thường xuyên.

Hạ An - Linh Lam