TP HCM căng mình chống dịch COVID-19 những ngày giáp Tết
Tình hình dịch COVID-19 của TP HCM khá phức tạp
Trước ngày 8/2, số lượng ca COVID-19 tại TP HCM mới chỉ dừng lại ở con số 2 ca nhiễm có liên quan đến các ổ dịch ở Hải Dương. Tuy nhiên, đến sáng nay 4 ca nghi nhiễm là nhân viên bốc dỡ hàng hoá của sân bay Tân Sơn Nhất đã được khẳng định dương tính với SAR-CoV-2.
Kéo theo đó là quá trình rà soát khẩn của toàn thành phố. Ngay trong đêm, TP HCM đã thực hiện lấy mẫu lần 2 cho toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Toàn bộ các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và F2 được nhanh chóng xác định và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả trước mắt cho 25 ca nghi nhiễm, trong đó có trường hợp F2 dương tính với COVID-19 nhưng F1 lại âm tính. Điều này cảnh báo rằng chu kỳ lây nhiễm đã diễn ra được một khoảng thời gian, ổ dịch trải qua các chu kỳ lây nhiễm, kéo theo nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
Cho tới thời điểm hiện tại chưa phát hiện được nguồn lây của các ca nhiễm xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong cuộc họp khẩn với TP HCM vào sáng nay (8/2), Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định "tình dịch của TP HCM khá phức tạp".
Theo Bộ trưởng, ổ dịch tại khu bốc xếp hành lý Sân bay Tân Sơn Nhất đã có từ trước, vì vậy từ 5 ca nhiễm COVID-19 tại đây qua truy vết và xét nghiệm đã phát hiện thêm 24 ca tại 6 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh.
"Nhóm công nhân bốc xếp hàng hoá (cả người nhiễm và chưa nhiễm) có thể không có điểm lây nhiễm từ khu vực bốc xếp vào khu hành khách, cũng như khu vực có người phục vụ trong Cảng Hàng không. Tuy nhiên, việc giao lưu của nhóm công nhân này đối với cộng đồng ở TP HCM rất lớn. Do vậy, số ca nhiễm có thể không dừng ở con số 29 mà có thể có thêm", trang Sức khoẻ & Đời sống trích lời Bộ trưởng Bộ Y tế.
Huy động toàn lực chống dịch
Trước tình hình dịch diễn biến nhanh, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý TP HCM cần có hành động, quyết liệt nhanh chóng, khẩn trương như đã làm trong những ngày gần đây, nhưng nâng cao lên một bước và mạnh lên một bước.
Thành phố cần phải tiến hành khoanh vùng thật nhanh các địa bàn có trường hợp nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm triệt để, trên diện rộng tất cả các trường hợp liên quan đến ca bệnh và khu vực phát hiện ra ca bệnh. Sau khi có kết quả xét nghiệm thì thu hẹp lại, để đỡ ảnh hưởng với người dân, người dân vẫn có thể đón Tết.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận: Bình Thạnh, 1, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình cần khoanh vùng thật nhanh để tiếp tục truy vết, kiểm tra.
"Các lãnh đạo không được bước ra khỏi TP HCM, báo sớm với gia đình về việc không về quê, tập trung toàn lực cho TP HCM để chống dịch", ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Hiện TP đã thực hiện phong toả 9 địa điểm, khu vực là nơi ở hoặc nơi có các ca nhiễm từng đi qua để thực hiện việc rà soát điều tra dịch tễ, có khu dân cư lên tới 2.000 người.
Liên quan đến các hoạt động vui xuân đón tết như: đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, Hội hoa xuân Tao Đàn, đường hoa Phú Mỹ Hưng và các chợ hoa xuân trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu, lễ khai mạc phải được tổ chức ngắn gọn, hạn chế người tham gia; đồng thời, mỗi sự kiện đều phải có cổng khử khuẩn, không cho người dân ra vào nếu không đeo khẩu trang và kiên quyết đóng cửa, hủy bỏ nếu không đảm bảo các quy định phòng dịch.
Thực hiện giãn cách xã hội tại một số khu vực TP HCM
Tại cuộc họp với TP HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị TP cần xem xét đánh giá từng khu phố, từng phường, xã, quận huyện để quyết định lựa chọn địa điểm áp dụng theo Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 15. Chỉ thị 16 áp dụng tại khu vực có ca bệnh, còn toàn thành phố là Chỉ thị 15 hoặc lỏng hơn.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về COVID-19 chiều nay, Thủ tướng đã đồng ý với phương án này.
"Các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai tiếp tục duy trì các phương án đã thực hiện. Riêng TP HCM và Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu cần có phương án riêng phù hợp. Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 là cần thiết", Zing News dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói