|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường mẹ và bé: Chiếc bánh tỉ USD trong tay Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza

07:59 | 10/11/2020
Chia sẻ
Với qui mô thị trường ước đạt 7 tỉ USD, tăng trưởng 30% - 40% một năm, các doanh nghiệp kinh doanh trong thị trường mẹ và bé tại Việt Nam vẫn đang lao nhanh về phía trước.

Đầu năm 2018, Con Cưng - doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ngành hàng mẹ và bé ở Việt Nam, vướng vào những ồn ào xung quanh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và bị người tiêu dùng quay lưng.

Khi ấy ông Lưu Anh Tiến, Tổng giám đốc Con Cưng chia sẻ với báo giới rằng mỗi ngày doanh nghiệp mất từ 1-2 tỉ đồng doanh thu.

"Còn những cái vô hình mới quan trọng, đó là tổn thất về uy tín, thương hiệu, sự tổn thương của khách hàng", ông Tiến nói.

Từ mốc lợi nhuận trước thuế 22,4 tỉ đồng với tăng trưởng 187% một năm trước đó, cuối năm 2018 lợi nhuận của Con Cưng đã tụt xuống còn 2,8 tỉ đồng, tức giảm 87,5%.

Tuy nhiên, Con Cưng đã cho thấy sức bật mạnh mẽ của một doanh nghiệp đầu ngành trong một thị trường mà theo Nielsen qui mô có thể cán mốc 7 tỉ USD/năm, khi đến cuối năm 2019 lợi nhuận doanh nghiệp đã ghi nhận mức tăng 7,5 lần, đạt hơn 24 tỉ đồng.

Ngành kinh doanh tỉ đô

Theo ước tính của Nielsen, doanh thu của thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho mẹ và bé tại Việt Nam có thể đạt quy mô 7 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng tới 30-40%. Thậm chí, bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch của hệ thống cửa hàng mẹ và bé Bibo Mart, từng tiết lộ thực tế qui mô thị trường này đã vượt qua mốc 7 tỉ USD.

Ngày nay, người ta có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng mẹ và bé với những thương hiệu quen thuộc như Con Cưng, Bibo Mart, Shoptretho, Kids Plaza,… qui mô hoành tráng nằm ngay trên mặt tiền của các con phố lớn.

Trong đó, nếu xét về số lượng cửa hàng, Con Cưng đang chiếm thị phần lớn nhất trong ngành hàng này, với 485 siêu thị trên toàn quốc. Theo sau là Bibo Mart với 137 cửa hàng, Kids Plaza 56 cửa hàng, và Shoptretho là 39 cửa hàng,...

Với hệ thống cửa hàng phủ sóng rộng trong một thị trường nhiều dư địa để phát triển, đã mang về doanh thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm cho những doanh nghiệp đầu ngành như Kids Plaza hay Con Cưng.

Thị trường mẹ và bé: Ngành kinh doanh tỉ đô trong tay Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza - Ảnh 1.

Cuối năm 2019, Con Cưng ghi nhận doanh thu đạt gần 2.500 tỉ đồng, tăng gần 60% so với cùng kì. Không lạ khi biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp những năm gần đây luôn xấp xỉ 30%, cao nhất trong ngành.

Tương tự, dù sinh sau đẻ muộn nhưng hệ thống Kids Plaza cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhanh về doanh thu, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử năm 2016 Kids Plaza đạt 390 tỉ đồng doanh thu thì cuối năm 2019 con số này đã lên 939 tỉ đồng, tức tăng 1,4 lần chỉ sau 3 năm.

Mặc dù bước chân vào thị trường mẹ và bé từ những năm 2006, sớm hơn so với Con Cưng 5 năm, nhưng Bibo Mart đã có một giai đoạn hụt hơi và để đối thủ vươn lên dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ dự địa thị trường lớn Bibo Mart đã dần lấy lại được cảm hứng tăng trưởng.

Cụ thể, năm 2017 doanh thu chuỗi cửa hàng Bibo Mart đạt 1.717 tỉ đồng, tăng 59% so với năm trước đó. Năm 2019, chuỗi cửa hàng này đạt gần 1.524 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế ước đạt 32 tỉ đồng, bám sát đối thủ.

Riêng năm 2019, doanh thu của Bibomart giảm nhẹ so với năm trước. Không loại trừ khả năng, Bibo Mart đã chuyển một phần doanh thu và lợi nhuận sang công ty thành viên khác. Trước đó trong năm 2018, Bibo Mart có vẽ đã chuyển sang mô hình hoạt động sang mô hình công ty mẹ và các công ty thành viên, trong đó phần lớn doanh thu của CTCP Bibo Mart đã được chuyển sang Bibo Mart TM.

Thị trường mẹ và bé: Ngành kinh doanh tỉ đô trong tay Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza - Ảnh 2.

Đáng chú ý, mặc dù theo đuổi chiến lược mở rộng nhanh để chiếm thị phần giống như những đơn vị kinh doanh cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mẹ và bé vẫn thu được lợi nhuận tốt sau khi trừ đi các chi phí bán hàng, chi phí quản lí doanh nghiệp tốn kém.

Kiếm tiền giỏi nhất vẫn là hệ thống Con Cưng, khi lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 22,4 tỉ đồng và tăng lên 24,2 tỉ đồng vào năm ngoái. Hay như Kids Plaza có khởi đầu khiêm tốn với lợi nhuận đạt 490 triệu đồng năm 2016 cũng đã tăng 5,5 lần lên 3,2 tỉ đồng trong năm 2019.

Chuỗi cửa hàng Bibo Mart sau nhiều năm báo lỗ thì 2019 cũng đã bắt đầu "hái quả ngọt" khi có những dòng tiền lãi đầu tiên, thậm chí còn cao hơn so với đối thủ Con Cưng 8 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. 

Thị trường mẹ và bé: Ngành kinh doanh tỉ đô trong tay Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza - Ảnh 3.

Dư địa thị trường lớn

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước và khoảng 24,2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 - 49 tuổi). Ngoài ra, với khoảng 68% số dân có độ tuổi từ 15 - 64, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng".

Với đặc điểm này, Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan tới bà mẹ và trẻ em.

Đó cũng chính là lí do mà những năm gần đây, các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại đã không ngừng rót vốn vào thị trường mẹ và bé, khiến lĩnh vực này trở nên sôi động hơn bao giờ hết so với thời gian trước đó.

Thị trường mẹ và bé: Ngành kinh doanh tỉ đô, bỏ 1 đồng lời 10 đồng - Ảnh 3.

Hiện cổ đông lớn nhất của Con Cưng gồm hai tổ chức: Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II (Daiwa-SSIAM II) do SSIAM (một đơn vị thuộc SSI) đồng quản lí với Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities - Nhật Bản).

Nhóm này đổ tiền vào Con Cưng từ rất sớm, cuối năm 2016 và sở hữu gần 40% cổ phần, 35% cổ phần thuộc về Ban giám đốc, còn lại là các nhà đầu tư khác.

Giữa năm 2017, hệ thống mẹ và bé Bibo Mart cũng đã chính thức công bố việc tiếp nhận khoản đầu tư chiến lược từ ACA Investments, thuộc tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản. Dù không công bố số vốn đầu tư, nhưng hiện tại ACA investments đang nắm giữ 20% cổ phần của Bibo Mart.

Sự kiện được giới đầu tư đánh giá là thương vụ M&A tiêu biểu trong năm 2017.

Liền ngay sau đó, năm 2018 quĩ đầu tư VI Group (Vietnam Investments Group) đã tuyên bố rót vốn vào chuỗi Kids Palza, con số cụ thể không được tiết lộ. Sau thành công của thương vụ này, VI Group đã trở thành cổ đông thiểu số của Kids Plaza.

Nhờ nguồn tiền dồi dào từ các ông lớn, trong thời gian qua các hệ thống cửa hàng mẹ và bé tại Việt Nam không những liên tục mở rộng kênh bán hàng truyền thống, mà còn đẩy mạnh kênh bán online, thu hút lượng khách truy cập khổng lồ.

Đơn cử, trung bình mỗi tháng, website bán hàng của Kids Plaza đạt lượng truy cập lên tới 920.000 lượt, theo thống kê từ iPrice. Trong đó, Con Cưng và Shoptretho lần lượt đạt 458.000 và 411.000 lượt truy cập mua hàng mỗi tháng.

Miếng bánh không dễ nuốt

Nhìn qua về dư địa thị trường và tình hình của các doanh nghiệp trong ngành hàng mẹ và bé tại Việt Nam rất có thể nhiều người sẽ tỏ ra ngạc nhiên bởi tỉ suất sinh lời cao và có vẻ như công việc kinh doanh không mấy khó khăn như ngành bán lẻ hay đồ uống.

Tuy nhiên, để đạt được những thành công đó, doanh nghiệp trong ngành cũng đã phải trải qua một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt để giành chỗ đứng trên thị trường.

Thị trường mẹ và bé: Ngành kinh doanh tỉ đô, bỏ 1 đồng lời 10 đồng - Ảnh 4.

Bên cạnh các mô hình thành công, cũng có không ít những mô hình kinh doanh thất bại trên thị trường mẹ và bé tại Việt Nam. (Ảnh: VIC).

Đầu năm 2018, trước thời điểm xảy ra vụ lùm xùm tại Con Cưng khoảng một tháng, trước những cơ hội hấp dẫn từ thị trường Việt Nam, Mothercare - ông lớn trong ngành hàng mẹ và bé tại Anh đã bắt đầu cuộc chinh phục của mình bằng hệ thống 4 cửa hàng đầu tiên tại TP HCM.

Với kinh nghiệm và tiền bạc đầy đủ, những tưởng Mothercare sẽ tranh thủ cơ hội "sa cơ lỡ vận" của Con Cưng thời điểm đó để vươn lên dẫn dắt cuộc chơi. Nhưng không, sau hai năm có mặt tại Việt Nam, hệ thống này hiện mới chỉ triển khai khiêm tốn được 10 cửa hàng, trong đó quá bán đặt tại TP HCM.

Trước đó năm 2014, Vingroup cũng đã cho ra đời Kids World - một mô hình bán lẻ, kinh doanh sản phẩm dịch vụ mẹ và bé với qui mô diện tích cửa hàng lên tới 5.000 m2. 

Tham vọng trở thành thiên đường mua sắm cho trẻ em từ 1-14 tuổi, thương hiệu này vận hành theo mô hình khu phức hợp từ khu nhà kẹo, đồ chơi, thời trang hàng hiệu, cửa hàng sách, nội thất, sữa, khu quà tặng cho tới tư vấn dinh dưỡng.

Chóng vánh, một năm sau Vingroup lặng lẽ đóng cửa Kids World, không kèn không trống. Cũng trong cùng năm đó, một số tên tuổi lớn về thị trường mẹ và bé trực tuyến như Deca, Beyeu cũng thông báo dừng hoạt động.

Thay đổi để tồn tại

Hiện nay, mặc dù đã chú ý hơn tới các phương thức bán lẻ hiện đại như bán hàng qua mạng, qua các kênh truyền thông xã hội như Facebook, Instagram,… Tuy nhiên những hệ thống cửa hàng mẹ và bé tại Việt Nam lại phải đương đầu với một đối thủ đáng gờm khác, chưa từng xuất hiện trước đây - đó là những nền tảng thương mại điện từ như Tiki, Lazada, Shopee,…

Rõ ràng, trong bối cảnh mới khi thương mại điện tử đang dần tỏ ra ưu thế hơn so với các phương thức bán hàng trực tuyến và các tập đoàn lớn nước ngoài bắt đầu nhòm ngó thị trường trong nước, cuộc chiến trong ngành hàng mẹ và bé tại Việt Nam có thể nói chưa thể ngã ngũ trong một sớm một chiều.

Chuyển động mới nhất trong thị trường mẹ và bé tại Việt Nam là trong tháng 8 vừa qua, Con Cưng đã bắt tay với doanh nghiệp sữa hàng đầu Vinamilk với tham vọng hiện thực hóa mục tiêu doanh thu một tỉ USD vào năm 2023 - gấp 5 lần con số hiện tại.

Với hợp tác chiến lược này, Con Cưng sẽ trở thành nhà phân phối cho nhiều dòng sản phẩm sữa của Vinamilk. Các lon sữa sẽ đi thẳng từ nhà máy sản xuất đến tận nhà của khách hàng, tinh giản rất nhiều chi phí trung gian. 

Nói về sự kiện hợp tác với Vinamilk, ông Lưu Anh Tiến - CEO Con Cưng chia sẻ rằng: "Chúng tôi mất nhiều năm dạm ngõ, nửa năm đàm phán để hai doanh nghiệp tìm ra tiếng nói chung".

Để tìm kiếm tăng trưởng và quảng bá thương hiệu, một tay chơi mới trong thị trường mẹ và bé là Kids Plaza vào cuối tháng 10 vừa qua cũng đã mạnh tay chi tiền cho hoạt động marketing khi tổ chức sự kiện "2.000 mẹ bầu cùng tập yoga trực tuyến".

Sự kiện nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía khách hàng khi Google Trends chỉ ra rằng có hàng chục nghìn người tìm kiếm thông tin về sự kiện này trong hài ngày 26/10 và 27/10.

Có thể thấy, với chiến lược cộng sinh với các ông lớn, xây dựng thương hiệu tốt, bắt nhanh xu hướng, có mô hình đúng,... các doanh nghiệp nội đang kinh doanh trong ngành hàng mẹ và bé vẫn đang mạnh mẽ tiến về phía trước và làm chủ cuộc chơi ngay trên sân nhà.

Thiên Trường - Tiểu Phượng