|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp KCN kiếm bộn tiền nhờ Samsung

13:40 | 29/10/2020
Chia sẻ
Lịch sử đầu tư cho thấy, kinh tế tại các địa phương, nơi được chaebol số 1 Hàn Quốc Samsung chọn làm cứ điểm đặt nhà máy đều thay đổi rõ nét sau một vài năm đi vào hoạt động. Đồng thời, những khu công nghiệp nơi doanh nghiệp này đặt nhà máy lần lượt vươn lên các vị trí dẫn đầu thu hút vốn FDI trong khu vực.

Đầu tháng 3 năm nay, Samsung công bố triển khai Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á có tổng mức đầu tư 220 triệu USD tại Khu đô thị Hà Tây, TP Hà Nội.

Theo chia sẻ của ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, "việc triển khai xây dựng Trung tâm R&D mới là một bước tiến vượt bậc trong hành trình đầu tư 12 năm qua của Samsung tại Việt Nam.

Thông qua dự án này, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung mà còn là trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của tập đoàn".

Mới đây vào ngày 19/10 vừa qua, ông Lee Jae-yong, người được mệnh danh là "Thái tử Samsung" cũng đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. 

Ông Lee Jae Yong khẳng định, Samsung sẽ đưa trung tâm R&D vào vận hành vào cuối năm 2022, đúng như Samsung đã cam kết với Thủ tướng. Khi đó, trung tâm này sẽ có hơn 3.000 kĩ sư làm việc, trở thành cứ điểm R&D chính của tập đoàn.

Những khu công nghiệp đại bàng Samsung đã làm tổ - Ảnh 1.

Từ những năm 1990, nhiều nhà đầu tư từ xứ sở kim chi như Chang Shin, Taekwang Vina, Hyosung, Dongwon, LG,… đã bắt đầu có mặt tại Việt Nam.

Làn sóng đầu tư của người Hàn ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ sau khi Samsung khánh thành nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị di động đầu tiên, Samsung Electronics Việt Nam (SEV), ở Bắc Ninh vào năm 2009.

Những khu công nghiệp đại bàng Samsung đã làm tổ - Ảnh 2.

(Nguồn: Samsung)

Tính đến hiện tại, Samsung có 4 nhà máy tại Việt Nam, bao gồm: Samsung Electronics Vietnam (SEV) và Samsung Display Vietnam (SDV) đều được đặt tại Bắc Ninh, Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT) tại Thái Nguyên và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại TP HCM.

Trong đó, SEV và SEVT là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, còn SEHC là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.

SEV, nhà máy đầu tiên của Samsung ở Việt Nam được đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong 1, khu công nghiệp thu hút vốn FDI lớn nhất miền Bắc, do Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) làm chủ đầu tư.

Khu công nghiệp Yên Phong 1 có qui mô 658 ha, được chia làm hai giai đoạn triển khai. Trong đó, giai đoạn 1 (2005 - 2055) rộng 344 ha và giai đoạn 2 (2016 - 2066) rộng 314 ha.

Với lợi thế nằm sát Quốc lộ 18, cách sân bay Nội Bài 22 km và cách Hà Nội 35 km, Khu công nghiệp Yên Phong 1 được đánh giá là điểm dừng chân hấp dẫn của nhà đầu tư Hàn Quốc.

Tính đến nay, khu công nghiệp này thu hút được hơn 20 doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung, Orion, Dongsin, Mobase, Dawon Vina, Hansol, Ottogi, KCC,…

Sau Bắc Ninh, chaebol số 1 Hàn Quốc tiếp tục mở thêm nhà máy Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT).

SEVT có giấy phép đầu tư vào tháng 3/2013 và đi vào hoạt động từ tháng 3/2014. Nhà máy này có tổng mức đầu tư 5 tỉ USD và được đặt tại Khu công nghiệp Yên Bình.

Khu công nghiệp Yên Bình có qui mô 693 ha và tổng mức đầu tư 3.820 tỉ đồng, nằm trong dự án Tổ hợp Khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (8.000 ha), thuộc thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, do CTCP Đầu tư Phát triển Yên Bình (Yên Bình Corp, YBI) làm chủ đầu tư.

Kể từ khi nhà máy của Samsung xuất hiện, kinh tế Bắc Ninh và Thái Nguyên đã thay đổi rõ nét, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp tại địa phương.

Doanh nghiệp KCN kiếm bộn tiền nhờ Samsung  - Ảnh 3.

Trải qua hơn một thập kỉ đầu tư, tổng doanh thu của các nhà máy Samsung tại Việt Nam đã tăng từ 19.426 tỉ won ở năm 2016 lên mức 70.893 tỉ won vào năm 2019, tương đương 70 tỉ USD hay 1,57 triệu tỉ VND (theo tỉ giá 1 USD = 1.100 won, 1 won = 20.500 VND). Trong ba tháng đầu năm nay, con số này đạt 5.460 tỉ won.

Chỉ sau một năm đi vào hoạt động, SEVT trở thành nhà máy đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho Samsung Electronics, tính trong danh mục các nhà máy tại Việt Nam.

Năm 2019, SEVT đạt doanh thu 32.832 tỉ won, gấp 2 lần so với con số doanh thu 16.613 tỉ won của SEV và SDV. Lợi nhuận của SEVT mang về trong năm khoảng 2.047 tỉ won.

Trong ba tháng đầu năm nay, SEVT tiếp tục giữ vững vị thế với doanh thu 8.189 tỉ won và lợi nhuận 747 tỉ won, tương ứng chiếm 43% tổng doanh thu và 26% lợi nhuận của 4 nhà máy.

Doanh nghiệp KCN kiếm bộn tiền nhờ Samsung  - Ảnh 4.

Những ông chủ khu công nghiệp Việt trở nên giàu có nhờ Samsung

Kể từ khi nhà máy Samsung đầu tiên SEV đi vào hoạt động trong năm 2014 cũng là lúc mở ra thời kì tăng trưởng mạnh của chủ đầu tư Viglacera.

Từ doanh thu thuần hơn 4.000 tỉ đồng ở năm 2014, Viglacera nhanh chóng đạt hơn 7.800 tỉ đồng vào năm 2015 và hơn 8.000 tỉ đồng trong năm kế tiếp.

Giai đoạn 2017 - 2019, hoạt động cho thuê hạ tầng khu công nghiệp và các dịch vụ liên quan đều đặn mang về trên 1.000 tỉ đồng doanh thu mỗi năm cho doanh nghiệp, đỉnh điểm vào năm 2019, con số doanh thu từ mảng này đạt trên 2.500 tỉ đồng. 

Riêng đóng góp từ Khu công nghiệp Yên Phong tại Bắc Ninh, theo ước tính của công ty chứng khoán KIS là vào khoảng 40% trong năm 2019. 

Sau thành công của KCN Yên Phong I, đầu năm nay, Viglacera đã khởi công KCN Yên Phong II-C với diện tích qui hoạch khoảng 219,2 ha có tổng mức đầu tư 2.234 tỉ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn là chủ đầu tư Khu đô thị Viglacera Yên Phong. Dự án gồm các sản phẩm liền kề, biệt thự, nhà ở xã hội được triển khai trên khu đất qui hoạch rộng 9,8 ha với giá bán từ 20 triệu đồng/m2

Đối với Yên Bình Corp, doanh nghiệp này khá kín tiếng trên thị trường, chỉ khi SEVT chọn Khu công nghiệp Yên Bình làm cứ điểm đặt nhà máy thì doanh nghiệp này mới nhận được sự chú ý của giới đầu tư.

Giữa tháng 10/2008, CTCP Hoàng Thịnh Đạt và CTCP An Phú Đông cùng với bà Vũ Thị Thảo góp vốn thành lập Yên Bình Corp. Đây đều là những nhà đầu tư có kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án bất động sản, cũng như khu công nghiệp lớn tại Việt Nam, theo thông tin giới thiệu từ Yên Bình Corp.

Sau khi An Phú Đông và bà Vũ Thị Thảo thoái vốn vào giữa tháng 7/2018, Hoàng Thịnh Đạt sở hữu 38,25% vốn của Yên Bình Corp, tương đương 3.825 tỉ đồng.

Đầu tháng 6/2019, Yên Bình Corp giảm vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng về 650 tỉ đồng. Tại thời điểm này, ông Vũ Xuân Hợp là Chủ tịch HĐQT công ty.

Những khu công nghiệp đại bàng Samsung đã làm tổ - Ảnh 4.

Ở thời kì đỉnh cao năm 2017, tổng tài sản của Yên Bình Corp hơn 4.523 tỉ đồng, nợ phải trả 3.286 tỉ đồng. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong năm lần lượt đạt 382 tỉ đồng và 130 tỉ đồng.

Yên Bình Corp còn có một công ty liên quan khác là CTCP Gleximco Yên Bình. Tuy nhiên, giá trị tài sản cũng như đóng góp lợi nhuận của doanh nghiệp này không đáng kể.

Về phía cổ đông lớn Hoàng Thịnh Đạt, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 3/2004, do ông Hoàng Văn Dương làm Chủ tịch HĐQT. Ông Dương còn là cổ đông của CTCP Nha khoa Shinbi Dental và Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Hoàng Thịnh Phát.

Ngoài Khu công nghiệp Yên Bình, Hoàng Thịnh Đạt còn đầu tư vào loạt dự án khác như: Khu đô thị công nghiệp Dung Quất, Quảng Ngãi (1.303 ha, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 rộng 319 ha hơn 2.000 tỉ đồng); Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Nghệ An (264 ha, tổng mức đầu tư 740 tỉ đồng); Nhà máy nước Hoàng Mai, Nghệ An (28 ha, công suất 80.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư 950 tỉ đồng), Nhà máy nước Quảng Ngãi (9,5 ha, công suất 50.000 m3/ngày-đêm, tổng mức đầu tư 540 tỉ đồng).

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Hoàng Thịnh Đạt vượt 1.000 tỉ đồng và nợ phải trả 230 tỉ đồng.

Không chỉ riêng năm 2019 mà cả những năm về trước, doanh nghiệp gần như không có doanh thu nhưng có thời điểm lợi nhuận mang về 105 tỉ đồng (năm 2018), chủ yếu nhờ phần đóng góp từ Yên Bình Corp.

Ngoài ra, các công ty thành viên của Hoàng Thịnh Đạt như CTCP Đầu tư Khoáng sản Hà Giang, CTCP Đầu tư Xây dựng QH và Công ty TNHH Cấp nước Hoàng Mai đều có doanh thu. Thậm chí, Xây dựng QH và Cấp nước Hoàng Mai lần lượt lỗ sau thuế 4,4 tỉ đồng và 600 triệu đồng trong năm 2019.

Nguyên Ngọc