|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ

15:40 | 25/01/2024
Chia sẻ
Nhân dân tệ đang là đồng tiền thanh toán lớn thứ 5 trên thế giới, đồng thời là đồng tiền quan trọng thứ 3 trong tài trợ thương mại và thứ 5 trong dự trữ ngoại hối quốc tế.

Trung Quốc là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong hơn 25 năm qua. Năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 17.900 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ. 

Trung Quốc còn là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, Đức, Nhật Bản, Brazil và nhiều quốc gia khác. Xét theo nhiều khía cạnh, nền kinh tế Trung Quốc đã rất thành công.

Bất kỳ biến động nào ở đất nước tỷ dân đều gây tác động lan toả ra toàn cầu. Năm nay, công chúng đổ dồn sự chú ý vào tốc độ tăng trưởng yếu ớt và loạt rắc rối kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giữa lúc đó, có một sự kiện mà nhiều người đã bỏ qua: sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ (NDT). Theo một số nhà phân tích, phớt lờ tầm ảnh hưởng của đồng tiền này có thể là một sai lầm.

Tiến về phía trước

Năm 2010, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trên phạm vi quốc tế. Đến năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa NDT vào danh sách các đồng tiền quy đổi của Quyền rút vốn đặc biệt, qua đó giúp đồng nội tệ của Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ chính thức.

Kể từ đó, đà tăng tiến của NDT đã chững lại. Song, kế hoạch của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy NDT trong thương mại và thanh toán toàn cầu đã đạt được một số bước tiến trong năm 2023.

Trong một bài viết trên tờ Financial Times vào đầu tháng 12, bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Natixis tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét: “Chính đồng NDT yếu ớt đó đã tạo được thành tích khá ấn tượng trong năm 2023: mức độ sử dụng xuyên biên giới tăng rất nhanh”.

Báo cáo từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) cho thấy vào tháng 10 năm nay, tỷ trọng của đồng NDT trong thanh toán quốc tế là khoảng 3,6%. 

Con số này có vẻ không quá ấn tượng khi so với tỷ trọng 47,2% của đồng USD hay 23,3% của đồng EUR. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã ngạc nhiên khi tỷ trọng của NDT vào tháng 1 chỉ là 1,9%.

Hiện tại, đồng nội tệ của Trung Quốc là đồng tiền lớn thứ 5 trong thanh toán quốc tế, thăng hạng mạnh mẽ so với vị trí thứ 30 vào đầu năm 2011.

Theo một phân tích khác của Nikkei Asia, vào quý II/2023, thanh toán quốc tế bằng đồng NDT đã tăng 11% lên 1.510 nghìn tỷ USD, trong khi thanh toán bằng USD giảm 14% xuống 1.400 nghìn tỷ USD. Đây là quý đầu tiên NDT vượt lên dẫn trước kể từ năm 2010.

 

Bên cạnh đó, NDT còn lần đầu tiên vượt đồng bạc xanh trong thanh toán quốc tế của chính Trung Quốc vào tháng 3.

Phân tích dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, Bloomberg Intelligence nhận thấy tỷ trọng của NDT trong các khoản thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc đã vọt lên mức cao kỷ lục 48%, từ mức gần 0% vào năm 2010. Trong cùng giai đoạn, tỷ trọng của đồng USD sụt từ 83% xuống còn 47%.

Ở diễn biến khác, đồng nội tệ của Trung Quốc đã đón một cột mốc đáng nhớ vào tháng 9 năm nay khi đánh bại EUR để trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai trong tài trợ thương mại.

 

Cụ thể, tỷ trọng của NDT trong tài trợ thương mại quốc tế đã tăng từ mức 4,8% hồi tháng 8 lên 5,8% trong tháng 9, trong khi tỷ trọng của đồng EUR giảm từ 6,4% xuống 5,4%. 

Dữ liệu của SWIFT cho thấy vào thời điểm tháng 6/2017, tỷ trọng của NDT và EUR trong tài trợ thương mại lần lượt là 1,8% và 7,9%.

 

 

 

Xét về khía cạnh đồng tiền dự trữ, tỷ trọng của NDT hiện tại còn nhỏ nhưng lại có tiềm năng tăng trưởng lớn. Theo IMF, đồng NDT chiếm khoảng 2,6% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu năm 2022, xếp sau 4 đồng là USD, EUR, GPB và JPY. 

Mặt khác, giữa lúc tỷ trọng trong dự trữ quốc tế của đồng bạc xanh giảm từ mức 71% hồi năm 1999 xuống còn khoảng 58,5%, tỷ lệ của NDT lại tăng đáng kể so với con số 1,07% vào năm 2016.

Nói đồng NDT có tiềm năng là bởi Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các liên minh chiến lược, tiêu biểu là khối BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. 

Trong năm qua, BRICS nổi lên như một trong các trụ cột chính giúp thúc đẩy đồng NDT. Sức mạnh kinh tế của khối này là tương đối lớn. Đóng góp của BRICS vào GDP toàn cầu đạt khoảng 31,5%, vượt tỷ lệ của các quốc gia G7 là 30,7%.

 

 

Kế hoạch bài bản

Không phải ngẫu nhiên mà đồng NDT có một năm đáng nhớ như vậy. Từ lâu, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh hoặc đồng tiền của các nước G7 đã là trọng tâm của chính phủ Trung Quốc. 

Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) ra đời năm 2015 cũng vì lý do này. Bắc Kinh xây dựng CIPS với mục đích tạo nền tảng tài chính và dịch vụ ổn định để thúc đẩy thanh toán quốc tế bằng NDT. 

Tính đến tháng 2/2023, CIPS có 1.366 thành viên - 79 thành viên trực tiếp và 1.287 thành viên gián tiếp - từ 109 quốc gia, khu vực. Theo tờ Jiefang Daily, CIPS đã xử lý khoảng 80.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 12.680 tỷ USD) trong năm 2021, tăng 75% so với năm trước đó.

Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc cũng đang sử dụng NDT để cho vay ra nước ngoài, đặc biệt là thông qua siêu dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà ông Tập khởi xướng từ năm 2013.

Tỷ lệ cho vay bằng đồng nhân dân tệ trong tổng cho vay quốc tế của Trung Quốc đã tăng từ mức 17% vào cuối năm 2021 lên 28% vào tháng 10/2023. 

Theo đưa tin từ Reuters, gần đây một ngân hàng chính sách lớn của Trung Quốc là China Development Bank đã ký các hợp đồng cho vay bằng đồng NDT với Maybank của Malaysia, ngân hàng trung ương Ai Cập và BBVA của Peru để hỗ trợ các dự án BRI.

Tương tự, hoạt động tài trợ thương mại bằng đồng NDT chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng một phần là nhờ các thoả thuận hoán đổi tiền tệ song phương (BSL) mà Trung Quốc ký kết từ năm 2016 đến nay.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ký kết BSL với hơn 40 quốc gia và khu vực, với tổng giá trị hơn 4.000 tỷ NDT (khoảng 582,3 tỷ USD). Để thúc đẩy các BSL, Bắc Kinh còn ủy quyền 31 ngân hàng thanh toán bù trừ ở 29 quốc gia và khu vực.

Nhà kinh tế trưởng Garcia-Herrero cho biết những hợp đồng BSL này từng nằm im trong ngân hàng trung ương các nước, nhưng hiện tại chúng đã bắt đầu được rút ra do nhu cầu tài chính ngày càng lớn của một số quốc gia mới nổi. 

Một ví dụ đáng chú ý là Argentina. Hồi tháng 8, Argentina đã trả khoản thanh toán đến hạn trị giá 2,7 tỷ USD cho IMF bằng đồng NDT. Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng quốc gia Nam Mỹ dùng NDT từ BSL để thoát khỏi khó khăn.

Sau động thái nói trên, chính phủ Argentina thông báo sẽ tăng cường thoả thuận với Trung Quốc bằng cách thanh toán cho hàng nhập khẩu từ đất nước tỷ dân bằng đồng NDT.

 

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng cường sử dụng đồng NDT thông qua các thoả thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc.

 

Đáng chú là kể từ năm 2022, tầm ảnh hưởng của NDT càng lớn hơn. Quá trình quốc tế hoá đồng NDT tăng tốc kể từ sau khi Nga tấn công Ukraine, khiến Mỹ và các đồng minh áp đặt hàng trăm lệnh trừng phạt lên xứ xở Bạch Dương, bao gồm việc cắt Nga khỏi hệ thống SWIFT.

Chính sách của phương Tây đã giúp Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Nga bắt đầu nhận thanh toán cho than và khí đốt bằng NDT và Moscow còn nâng tỷ lệ NDT trong dự trữ ngoại hối của mình lên 17%.

Các doanh nghiệp Nga như Rosneft còn phát hành trái phiếu bằng đồng NDT. Theo Bloomberg, NDT hiện là loại tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga. 

Một số quốc gia khác chú ý đến việc Nga ngày càng sử dụng nhiều NDT và nhìn thấy cơ hội để giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh.

Đơn cử, Bangladesh hiện đang thanh toán dự án nhà máy điện hạt nhân cho Nga bằng NDT. Pháp chấp nhận trả bằng NDT cho khí tự nhiên hoá lỏng mua từ các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc.

Ngoài ra, đồng NDT còn có một bệ đỡ mà ít ai chú ý: chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản nhằm đẩy lạm phát đi xuống. Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 22 năm.

Dưới tác động của chu kỳ nâng lãi suất, giá trị của đồng USD đã tăng đáng kể so với hầu hết tiền tệ khác. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đối với rất nhiều nước vay mượn, thanh toán hàng nhập khẩu hoặc mua lúa mì, dầu mỏ bằng đồng USD.

Vì lẽ đó, một số nền kinh tế đã chuyển sang sử dụng NDT như một lựa chọn thay thế ít đắt đỏ hơn. Iraq muốn thanh toán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng NDT và thậm chí Tesco - ông lớn ngành bán lẻ của Anh - cũng muốn trả bằng đồng nội tệ của Trung Quốc.

Nhìn chung, tuy tỷ trọng trong thanh toán, tài trợ thương mại và dự trữ ngoại hối của đồng NDT còn nhỏ so với USD hay EUR, tham vọng quốc tế hoá đồng nội tệ của Trung Quốc đã gặt hái những quả ngọt đầu tiên trong năm 2023 và có thể tiến xa hơn trong tương lai.

(Trích dẫn từ Đặc san Doanh nhân Việt Nam xuân Giáp Thìn)

 

 

Yên Khê