Sau Bánh bao Thọ Phát, KIDO đang tiến hành M&A thêm, cuối năm sẽ tung sản phẩm nước mắm và gia vị
Sáng 27/6, Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 với 66 cổ đông tham dự, đại diện cho 236 triệu cổ phần, tương ứng gần 92% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Kế hoạch lãi 900 tỷ đồng năm 2023
Năm 2023, KIDO đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 900 tỷ, tăng lần lượt 20% và 76% so với thực hiện năm ngoái.
Tại đại hội, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc cho biết, giai đoạn tháng 9/2021 - tháng 9/2022 giá dầu cọ đầu vào biến động khôn lường, có lúc đột biến tăng lên 1.777 USD/tấn, cao nhất trong vòng 30 năm, điều này đã làm xáo động thị trường.
Đến cuối 2022 và sang nửa đầu 2023, giá dầu cọ đã ổn định, và giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên có một điều là, khi giá dầu tăng, người tiêu dùng ào ạt mua. Đến khi giá đã ổn định, sức tiêu thụ lại chậm đi, bà Liễu nói.
Nửa đầu 2023, nhu cầu tiêu dụng giảm thấp một cách đặc biệt. Nguyên nhân đến từ thương mại toàn cầu đi xuống, hệ thống tài chính của Mỹ đứng trước nhiều rủi ro, nhu cầu việc làm thấp khiến tiêu dùng sụt giảm,... Lạm phát cao tác động lên giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển. Dự báo giá cả hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 21% so với 2022.
Tăng sở hữu tại Thọ Phát lên 70% trong quý III, sắp tung sản phẩm nước mắm, gia vị ra thị trường
Theo cơ cấu doanh thu năm 2022 được ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc KIDO công bố, mảng dầu ăn đóng góp 10.300 tỷ đồng, chiếm 82% tổng doanh thu và tăng 16% so với năm 2021. Ngành kem đạt 1.843 tỷ, chiếm 14,7% và tăng 21% so với 2021. Các ngành khác mang về 367 tỷ, chiếm 2,9%.
Theo định hướng năm 2023, KIDO sẽ tách ra theo 4 nhóm ngành trong đó ngành nước mắm, gia vị được bổ sung thêm, bên cạnh dầu ăn, kem, bánh kẹo.
Với ngành dầu, bà Liễu cho biết, công ty sẽ nghiên cứu thêm nhiều dòng sản phẩm như dòng chuyên rán, dầu tốt cho sức khỏe, dòng chuyên biệt,...
Với ngành kem, công ty sẽ cố gắng tiếp tục duy trì thị phần kem dẫn đầu với hai sản phẩm Celano và Merino. KIDO đang nghiên cứu phát triển thêm mảng kem đem về nhà, tức là tăng thời gian lưu trữ các sản phẩm kem lạnh bằng việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật. Bà Liễu cho biết hiện sức tiêu thụ kem của Việt Nam rất thấp so với thế giới và kỳ vọng sản phẩm kem của KIDO sẽ trở thành món ăn vặt, ăn dặm tại nhà của người dân.
Với mảng bánh kẹo, công ty chia làm hai nhóm là sản xuất và nhập khẩu. Công ty cho ra mắt sản phẩm bánh trứng nướng và sẽ tăng độ phủ mảng bánh trung thu hơn nữa.
Vừa qua, công ty đã mua lại 25% Bánh bao Thọ Phát - thương hiệu bánh bao lớn nhất cả nước. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết cuối tháng 6 này, công ty chính thức nắm 51% cổ phần chi phối của Thọ Phát và theo kế hoạch đến quý III sẽ nâng tỷ lệ lên 70%. Ngoài ra, ông Nguyên cho biết công ty đã ký kết với một số đối tác và tiến hành M&A nhưng hiện chưa thể công bố được.
Với ngành gia vị, nước mắm, KIDO sẽ cho ra ba loại nước mắm là 40 độ đạm, 32 độ đạm và dòng độ đạm cấp thấp. Sản phẩm này sẽ được phân phối dựa trên kênh hệ thống có sẵn của Tường An và năm nay sẽ tung ra sản phẩm. Còn với hạt nêm, sẽ có hai loại là hạt nêm chay và hạt nêm từ thịt.
Ông Bùi Thanh Tùng nhận định, trong 5 năm tới, cơ cấu doanh thu của KIDO sẽ thay đổi và công ty đang dồn lực vào mảng gia vị. Đại diện KIDO kỳ vọng ngành gia vị sẽ xong trong năm nay, và bắt đầu đóng góp về mặt doanh thu cho tập đoàn.
Trả lời câu hỏi khi nào Vocarimex được sắp nhập, ông Trần Lệ Nguyên cho biết từ đây đến đại hội năm 2024, KIDO có kế hoạch mua trên 90%, sau đó Vocarimex sẽ hủy niêm yết và sáp nhập vào KIDO.
Xin giảm cổ tức đặc biệt xuống 10%
Về phương án chia cổ tức đặc biệt cho năm 2022, theo kế hoạch ban đầu, công ty dự kiến chia với tỷ lệ 50% bằng tiền (5.000 đồng/cp), tương ứng số tiền cần chi 1.285 tỷ đồng.
Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế cũng như các kế hoạch đầu tư mới trong năm nay, HĐQT đã trình cổ đông xem xét điều chỉnh tỷ lệ cổ tức đặc biệt tối đa là 10% bằng tiền (1.000 đồng/cp) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại cuối năm 2022 là 1.619 tỷ đồng. Như vậy ước tính tập đoàn sẽ chi ra hơn 267 tỷ đồng trả cổ tức này. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý III, IV/2023, sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu ESOP.
Sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến là 6% bằng tiền (600 đồng/cp).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ đông đã thông qua phương án phát hành 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần với tỷ lệ 10%. Cổ đông đã hủy và thay thế bằng phương án sử dụng cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu.
Qua đó, KIDO sẽ phát hành tối đa 22,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:8,42. Số lượng cổ phiếu được chia từ cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu và sẽ được tự do chuyển nhượng.
Cổ đông cũng đã thông qua phương án cho HĐQT KIDO tiếp tục triển khai chào bán 10 triệu cổ phiếu ESOP đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.