[Profile doanh nghiệp] Prudential xếp á quân về doanh thu phí, nắm giữ danh mục đầu tư hơn 6 tỷ USD
Prudential, công ty bảo hiểm xếp vị trí thứ hai thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới (16%, chỉ sau Bảo Việt Nhân thọ), là một trong những công ty nắm giữ danh mục đầu tư có giá trị lớn nhất trên thị trường hiện nay,khoảng 6,3 tỷ USD.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995dưới dạng văn phòng đại diện của Tập đoàn Prudential (Anh), tới năm 1999, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam chính thức được thành lập. Đến ngày 8/9/2011, công ty này được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động với lĩnh vực kinh doanh chính là bảo hiểm nhân thọ và đầu tư tài chính.
Trụ sở chính của công ty đặt tại tầng 25, Trung tâm Thương mại Sài Gòn, số 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM. Tính đến hết quý II/2024, công ty có 25 văn phòng, chi nhánh và địa điểm kinh doanh trên khắp cả nước.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), sau 7 tháng đầu năm 2024, Prudential xếp vị trí thứ 2 trong thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới (16%, chỉ sau Bảo Việt Nhân thọ).
Hiện tại, Prudential Việt Nam đang có quan hệ hợp tác đồng thời với 7 ngân hàng bao gồm MSB, VIB, SeABank... và các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như Standard Chartered Bank, UOB, Shinhan Bank. Trong đó, thỏa thuận hợp tác giữa MSB và Prudential bắt đầu từ năm 2021 và kéo dài trong 15 năm. Prudential và SeABank ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền vào năm 2020 với thời hạn 20 năm.
Còn với VIB, Prudential Việt Nam đã chính thức ký kết thảo thuận đối tác chiến lược lâu dài triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng với thời hạn 15 năm.
Kênh bancassurance từng được coi là "gà đẻ trứng vàng" của nhiều công ty bảo hiểm, qua đó nhằm tận dụng mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng, công ty bảo hiểm sẽ phân phối bảo hiểm tới khách hàng tiềm năng.
Năm 2023, Prudential cùng với 3 công ty bảo hiểm nhân thọ khác nằm trong danh sách kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, đã có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Cũng trong năm ngoái, toàn ngành bảo hiểm đối diện với khủng hoảng niềm tin, khi hàng loạt vụ bê bối trên mạng xã hội bùng nổ. Đây được đánh giá là năm đầy sóng gió và khó quên đối với ngành bảo hiểm nhân thọ, khiến nhiều công ty rơi vào thế khó, đánh dấu năm đầu tiên trong 20 năm lịch sử phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm.
Prudential đang kinh doanh ra sao?
Về tình hình kinh doanh, tổng doanh thu hàng năm của Prudential trong 8 năm gần nhất dao động từ 17.000 – 40.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn đến từ việc kinh doanh bảo hiểm, chiếm khoảng 60% - 89% tổng doanh thu.
Theo báo cáo tài chính riêng công bố, doanh thu mảng bán bảo hiểm của Prudential (doanh thu thuần) liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2016 – 2022, từ mức 13.344 tỷ đồng năm 2016 và vọt lên hơn 30.578 tỷ đồng sau 7 năm. Năm 2023, công ty đạt 26.594 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với năm trước đó trong bối cảnh khủng hoảng của ngành bảo hiểm trong năm vừa rồi.
Dù doanh thu thuần đem về hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tiêu tốn con số lớn,Prudential lỗ gộp hàng nghìn tỷ đồng trong 3/8 năm ghi nhận nói trên (cụ thể là các năm 2017, 2018 và 2021).
Còn riêng đối với năm 2023, công ty báo lãi gộp 1.284 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 con số kỷ lục cùng kỳ, do doanh thu bán bảo hiểm giảm 13% trong khi chi phí cho hoạt động này tăng tới 24%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Prudential thu về gần 11.000 tỷ đồng từ kinh doanh bảo hiểm, phần lớn đến từ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư và bảo hiểm hỗn hợp. Trong khi đó, chi phí từ hoạt động bán bảo hiểm lên tới hơn 12.600 tỷ, khiến công ty lỗ gộp 1.672 tỷ đồng từ mảng này.
Nhờ có doanh thu từ hoạt động tài chính hơn 6.500 tỷ đồng, Prudential lãi sau thuế 916 tỷ, nâng tổng lợi nhuận luỹ kế lên hơn 16.168 tỷ đồng.
Prudential nắm giữ danh mục đầu tư hơn 6 tỷ USD
Song, cũng như nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ khác, nhờ vào nguồn thu từ hoạt động tài chính, Prudential vẫn có lãi sau thuế đều đặn trong những năm qua.
Tính đến hết tháng 6, tổng các khoản đầu tư ngắn và dài hạn của Prudential là 157.255 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD), chiếm 86% tổng tài sản. Với quy mô danh mục này, Prudential chỉ kém Tập đoàn Bảo Việt và là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư nhiều nhất vào thị trường huy động vốn.
Hơn một nửa trong đó, Prudential rót tiền vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp (trên 83.000 tỷ đồng, khoảng 3,3 tỷ USD). Trong nửa đầu năm nay, công ty bảo hiểm ghi nhận gần 2.600 tỷ đồng thu nhập lãi từ trái phiếu.
Tại 30/6, công ty này còn nắm giữ hơn 494,5 triệu chứng khoán niêm yết và chứng khoán giao dịch trên hệ thống UPCoM với giá trị hơn 17.300 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với cuối năm 2023 và tương đương gần một nửa giá trị danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn. Phần còn lại chủ yếu dưới dạng tiền gửi ngân hàng và tạm ứng cho chủ hợp đồng bảo hiểm từ giá trị hoàn lại.
Prudential không công bố chi tiết danh mục đầu tư cổ phiếu. Song theo thông tin công bố từ các ngân hàng, Prudential đang sở hữu danh mục cổ phiếu với giá trị trị trường cả nghìn tỷ đồng.
Theo danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn của VietinBank công bố vào tháng 8/2024, ngoài cổ đông Nhà nước nắm 64,47% vốn, còn có 3 cổ đông tổ chức nắm giữ 22% cổ phần của ngân hàng này. Trong đó, Prudential và bên liên quan sở hữu tổng cộng hơn 60,58 triệu cổ phiếu CTG, chiếm 1,12% vốn của nhà băng.
Tại Ngân hàng ACB, Prudential và người liên quan cũng đang nắm giữ gần 69,5 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,56% vốn.
Ngoài ra, nhóm cổ đông có liên quan đến Prudential còn sở hữu hơn 67 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng MB, tương đương 1,26% vốn điều lệ.
Tạm tính với giá cổ phiếu các ngân hàng chốt phiên 25/11, tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu ngân hàng mà Prudential nắm giữ lên tới gần 5.500 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, Prudential ghi nhận lãi hơn 719 tỷ đồng từ việc bán các chứng khoán đầu tư, cùng kỳ lỗ gần 450 tỷ đồng.