|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Novaland chi 11.000 tỷ cho M&A, hoàn tất chuyển nhượng dự án ở quận 2

16:43 | 09/12/2021
Chia sẻ
Khoảng 10-20% quỹ đất của Novaland đang có do doanh nghiệp tự phát triển; 80-90% còn lại chủ yếu từ M&A.

Từ đầu năm đến nay, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) và các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên quan đã liên tiếp thực hiện các thương vụ M&A. Trong đó, Novaland đã chuyển nhượng thành công một dự án ở quận 2 (TP Thủ Đức, TP HCM) với giá trị 6.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Novaland đã M&A thêm 44,7 ha cho dự án thành phần Aqua Marina thuộc Aqua City (Đồng Nai); M&A hai dự án có tổng diện tích 63 ha ở Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một dự án quy mô 690 ha ở Phan Thiết,… Tổng giá trị các thương vụ này ước tính 11.000 tỷ đồng.

Phía doanh nghiệp đang tiếp tục M&A thêm nhiều quỹ đất tại thị trường Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu,... để mở rộng quy mô các đô thị vệ tinh, tổ hợp nghỉ dưỡng đang phát triển.

Không chỉ Novaland mà các thành viên của NovaGroup cũng tích cực M&A trong thời gian qua. Trong đó, Nova Consumer đã M&A thành công thương hiệu Phin Deli, Cầu Đất Farm và một số công ty hàng tiêu dùng nhanh. Nova Service cũng sở hữu nhiều thương hiệu FnB và chuỗi khách sạn lớn ở Đà Lạt.

Trong khuôn khổ sự kiện M&A do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 9/12, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng Giám đốc NovaGroup chia sẻ: "Trong những năm gần đây, sự hiện diện của Nova trên thị trường M&A nhiều hơn. Tuy nhiên trên thực tế, sự phát triển của Novaland gắn liền với thị trường M&A đã từ rất lâu. 

Khoảng 10-20% quỹ đất của Novaland đang có do doanh nghiệp tự phát triển (đền bù đất, xin dự án,…Còn 80-90% chủ yếu mua từ thị trường thứ cấp, trải qua một bên đã thu gom quỹ đất đó.

Từ 2017-2018, việc mở rộng quỹ đất ở TP HCM khó khăn hơn, chúng tôi bắt đầu quyết định ra ngoại tỉnh như Đồng Nai, Hồ Tràm, Phan Thiết,… Khi ra những địa phương này, chúng tôi không thể chỉ xây dựng những ngôi nhà và bán, như vậy đô thị sẽ không có sức sống".

Theo đó, NovaGroup đã xây các hệ dịch vụ tương ứng để bổ trợ cho các khu đô thị như hệ thống FnB, resort, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, giáo dục,… Mỗi hệ tiện ích ban đầu sẽ do doanh nghiệp tự xây dựng và phát triển, sau đó tìm cơ hội M&A và nhóm lại thành Nova Service Group.

Kinh doanh nhiều khi cũng là may mắn, không phải lúc nào cũng thắng, mình cứ hết sức đã.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng Giám đốc NovaGroup

Ông Phiên cũng cho biết thêm, bên cạnh việc hỗ trợ Novaland phát triển đô thị, Nova Service Group và các thành viên nếu có cơ hội phát triển có thể cạnh tranh với các nhóm khác, tách ra và phát triển độc lập.

Đối với mảng nông nghiệp và ngành hàng tiêu dùng, ban đầu các nhà sáng lập tạo ra Anova hoạt động trong lĩnh vực thuốc thú y, vắc xin - những sản phẩm đầu tiên của ngành Feed trong chuỗi 3F (Feed-Farm-Food). 

Thông tin từ ông Phiên, doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh khá đều đặn với doanh thu mỗi năm đạt 5.000-7.000 tỷ đồng và lợi nhuận 400-500 tỷ đồng. Các cổ đông lớn muốn bước ra khỏi vùng an toàn và vươn ra ngoài thị trường. 

Chính vì vậy từ năm 2019, Anova dần cấu trúc, đổi tên thành Nova Consumer Group và thực hiện một số thương vụ M&A như mua Cầu Đất Farm, Phin Deli,… bước đầu dấn thân vào FMCG, hoàn thành 2F còn lại trong chuỗi 3F. "Chặn đường còn rất dài nhưng chiến lược rất rõ ràng", Phó Tổng Giám đốc NovaGroup khẳng định.

Bên cạnh những thương vụ M&A thành công, thực tế cũng có nhiều tập đoàn lớn đã thất bại và rút khỏi một số mảng kinh doanh sau giai đoạn tăng trưởng nhanh và dàn đều ra nhiều lĩnh vực. 

Ông Phiên chia sẻ, bản thân ông và Nova nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc mở rộng và thâu tóm hàng loạt thương hiệu ở nhiều ngành nghề khác nhau với tâm lý quan ngại. 

"Trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp phát triển đa ngành và rút đi. Bản thân các nhà sáng lập ở Việt Nam có khát vọng rất lớn lao và muốn chiếm lĩnh thị phần, nhất là thế hệ 5x-6x. Chưa bao giờ họ nhìn thị trường Việt Nam kém hấp dẫn, lúc nào họ cũng tràn đầy năng lượng và muốn vươn lên, mở rộng. Trong 10 việc họ làm, họ chỉ hi vọng 1-2 việc thành công để trở thành động lực cho tập đoàn.

Chúng ta hay nhìn những câu chuyện kinh doanh thành công phải tỷ đô này, tỷ đô nọ. Các doanh chủ lớn tại Việt Nam cũng thất bại nhiều mới có thành công. Mọi người trong NovaGroup đều chuẩn bị cho việc chấp nhận thất bại. 

Tuy nhiên ở Nova, chúng tôi không dùng từ cố gắng mà phải 100%, bởi nếu cố gắng vẫn còn dư địa để chạy tiếp được. Cứ làm, cứ theo đuổi mục tiêu đó đến cùng. Kinh doanh nhiều khi cũng là may mắn, không phải lúc nào cũng thắng, mình cứ hết sức đã", ông Phiên nói.

Nguyên Ngọc