|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những quốc gia như Việt Nam tiếp tục là 'mỏ vàng' cho Netflix

16:27 | 10/11/2020
Chia sẻ
Netflix đang rót hàng triệu USD để sản xuất nội dung gốc và bản địa hoá các sản phẩm tại khu vực châu Á.

Nền tảng truyền hình trực tuyến Netflix vừa công bố báo cáo kinh doanh quí III/2020 cho thấy gần một nửa mức tăng trưởng thuê bao trả phí của họ đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm tỉ trọng lớn nhất so với bất kể khu vực nào.

Mở rộng qui mô toàn cầu là trọng tâm phát triển chính của Netflix trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các thị trường châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… kể từ 2016.

Hốt bạc tại châu Á

Mặc dù không được phép hoạt động tại Trung Quốc, nhưng từ rất sớm Netflix đã đầu tư đáng kể để phát triển các nội dung mang màu sắc địa phương cho khu vực Đông Á. Đến nay, doanh nghiệp này đã sản xuất hơn 200 nội dung gốc, bao gồm 70 tựa phim hoạt hình và live action của Hàn Quốc.

Netflix cũng đã đầu tư hơn 700 triệu USD để thiết lập các mối quan hệ đối tác và hợp tác tại Hàn Quốc kể từ năm 2015. Tính đến ngày 30/9, Netflix sở hữu trong tay 3,3 triệu người dùng trả phí tại Hàn Quốc.

Tại khu vực Đông Nam Á, doanh nghiệp cho biết họ đã tăng gấp đôi danh mục nội dung của mình gần như mỗi năm kể từ 2016. Đồng thời có kế hoạch bổ sung gần 500 nội dung gốc sản xuất riêng cho khu vực này trong năm 2020.

Những quốc gia như Việt Nam tiếp tục là 'mỏ vàng' cho Netflix - Ảnh 1.

Những quốc gia như Việt Nam tiếp tục là 'mỏ vàng' của Netflix. (Ảnh: Thiên Trường).

Tương tự Ấn Độ, Đông Nam Á được nhận định là một thị trường béo bở khác cho nền tảng truyền hình trực tuyến này bởi dân số đông và số lượng người tiếp cận với internet nhiều.

Một nghiên cứu ngành được trích dẫn từ Google, Temasek Holdings và Bain & Company của Singapore chỉ ra rằng, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á có thể sẽ đạt tới qui mô 300 tỉ USD vào năm 2025. Báo cáo cũng cho biết, các dịch vụ thuê bao âm nhạc và phát video trực tuyến thu hút lượng lớn người dùng là khách hàng trẻ tuổi.

Riêng tại thị trường Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 14 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, doanh thu khoảng 9.000 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV... là khoảng 1 triệu thuê bao, với doanh thu ước tính gần 1.000 tỉ đồng.

Hiện mỗi tháng, người dùng Việt Nam phải trả từ 180.000 - 260.000 đồng để sử dụng dịch vụ của Netflix.

Nhận xét về thị trường châu Á, ông Tony Zameczkowski, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Netflix cho biết: "Nếu bạn nhìn vào châu Á - Thái Bình Dương thì có thể thấy chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc hành trình và chúng tôi tin rằng có một cơ hội… rất lớn ở đó".

Ông Zameczkowski tỏ ra rất lạc quan về các cơ hội sinh lời mà thị trường châu Á mang lại. Vị Phó Chủ tịch của Netflix nói rằng các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam,… chắc chắn là những thị trường mà doanh nghiệp thấy có tiềm năng đáng kể và "chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các thị trường đó".

Tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao và cước phí internet rẻ, người dân châu Á đang có thời gian online nhiều hơn, do đó khu vực này có một tiềm năng cho các nền tảng truyền hình trả phí như Netflix có thể khai thác.

Đơn cử, tại Việt Nam tính đến đầu năm 2020, hiện có khoảng 68,17 triệu người, chiếm 70% dân số đang sử dụng dịch vụ internet, theo báo cáo từ VNetwork. So với năm 2019, con số này tăng 10%, tương ứng khoảng 6,2 triệu người.

Cùng thời điểm đó, lượng thiết bị kết nối internet tại Việt Nam là khoảng 150% trên tổng dân số mà Việt Nam đang có.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, số người dùng internet là 570 triệu thuê bao, chỉ xếp sau Trung Quốc và tăng trưởng với tốc độ 13% mỗi năm.

Chiến lược tối đa hoá lợi nhuận

Tăng trưởng nóng, nhưng Netflix cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty địa phương, khu vực và quốc tế. Nhiều đối thủ lắm tiền nhiều của, được hậu thuẫn bở các tập đoàn lớn, bao gồm Amazon Prime Video, Disney+, HBO Max, iflix, Apple TV,…

Ông Tony Zameczkowski nhấn mạnh rằng, để cạnh tranh với rất nhiều đối thủ, Netflix đang tập trung vào việc nội địa hoá nội dung khi ra mắt sản phẩm trong khu vực này.

Công việc đó bao gồm thêm phụ đề và lồng tiếng bằng các ngôn ngữ thiểu số như Hindi, Malay, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Thái và tiếng Việt. Doanh nghiệp cũng phát triển ứng dụng với giao diện bằng ngôn ngữ của các quốc gia đó.

Những quốc gia như Việt Nam tiếp tục là 'mỏ vàng' cho Netflix - Ảnh 2.

Bản địa hoá là một trong những chiến lược của Neflix để thu hút người dùng tại các quốc gia châu Á. (Ảnh: Thiên Trường).

Phó Chủ tịch của Netflix cho biết thêm rằng, bản địa hoá nội dung, nội dung khác biệt là những yếu tố cần thiết để Netflix tiếp cận nhiều người dùng hơn tại khu vực châu Á, đặc biệt là những người không sống trong các thành phố lớn.

Riêng tại thị trường Ấn Độ, thời gian qua Netflix đã rót hơn 400 triệu USD để xây dựng nội dung gốc cũng như cấp phép cho các nội dung khác.

Ngoài ra, trao đổi với kênh truyền hình CNBC (Mỹ), ông Zameczkowski cho biết, điều mà Netflix làm trong 4 năm qua đó là phát hiện ra được rằng khu vực này người dùng chủ yếu sử dụng điện thoại thông minh để lên mạng - nhiều hơn so với bất kì khu vực nào khác trên thế giới.

Do đó, Netflix đã nhanh chóng cho ra mắt các gói thuê bao chỉ dành cho thiết bị di động ở các quốc gia như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, với mức phí dưới 5 USD/tháng, tức chưa đến 100.000 đồng/tháng. 

Điều này hoàn toàn trái ngược với kiểu định giá áp dụng cho thị trường Mỹ, nơi một gói tiêu chuẩn cũng lên tới 14 USD, khoảng hơn 300.000 đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, trong quí III vừa qua, Netflix mới chỉ tăng thêm được 2,2 triệu thuê bao trên toàn cầu, thấp hơn so với kì vọng của nhiều nhà phân tích.

Theo nhà đầu tư công nghệ Gene Munster, gã khổng lồ truyền hình trực tuyến sẽ cần phải phát triển hoạt động kinh doanh của mình để mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư. 

Mặc dù Netflix là công ty tiên phong trong lĩnh vực phát video trực tuyến, nhưng Munster cho biết ông lo lắng khi nền tảng này không có một con đường rõ ràng để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến theo hướng tiếp tục tạo ra lợi nhuận mà các cổ đông đã quen thuộc.

Thiên Trường