|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà máy sản xuất pin điện cho VinFast sắp vận hành trong tháng 3: Quy mô 24 triệu cell pin/năm, 1.000 công nhân liên tục làm việc suốt ngày đêm

14:14 | 16/03/2023
Chia sẻ
Theo tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến tháng 3/2023, nhà máy VinES sẽ hoàn thành khâu lắp đặt hệ thống máy móc và đưa vào vận hành thử.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành Dự thảo Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường dự án "Nhà máy sản xuất pin VinES Vũng Áng”. Nhà máy đặt tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một trong những quy trình để nhà máy sản xuất pin do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư đi đến vận hành thử nghiệm và sản xuất chính thức.

CTCP Giải pháp năng lượng VinES Hà Tĩnh - đơn vị triển khai Dự án Nhà máy sản xuất pin VinES Vũng Áng, có người đại diện theo pháp luật là bà Mai Hương Nội. Bà cũng đồng thời là Chủ tịch kiêm CEO VinES Hà Tĩnh.

Nhà máy sản xuất pin VinES Hà Tĩnh có sản phẩm là pack pin với công suất 100.000 bộ/năm (tương đương 52.000 tấn pack pin/năm).

Sản xuất pack pin trong nhà máy VinES được tiến hành ra sao?

Theo sơ đồ đóng gói pin hay gọi là pack pin, pin điện được sản xuất trong nhà máy VinES Hà Tĩnh sẽ trải qua 5 công đoạn. 

Công đoạn đầu tiên là nguyên liệu thô đầu vào. Gồm có: Vỏ Module, vỏ pack pin, miếng cách nhiệt, tấm kim loại, ốc vít, đầu nối, tấm làm mát… Cell pin, bảng mạch điện tử, các dây dẫn điện, các đầu nối điện… Các nguyên liệu này đều được lưu trữ trong kho vật liệu của xưởng pack pin. Theo báo cáo, nhà máy VinES không sử dụng đầu vào là các nguyên liệu thô.

Công đoạn thứ hai là phân loại cell pin. Công đoạn này thực hiện kiểm tra điện áp, nội trở của cell, độ sụt điện áp lưu kho thời gian dài, nhằm loại ra các cell có bất thường. Việc phân loại cell dựa vào các máy đo điện áp tự động sau đó được phân chia ra các ngăn cell đạt tiêu chuẩn và cell lỗi.

Công đoạn thứ ba là lắp ráp module. Công đoạn thứ 4 là lắp ráp pack. Đây là công đoạn gần cuối trong chu trình sản xuất pin điện của VinES Hà Tĩnh. Tại công đoạn này, các module sẽ được lắp ráp vào Pack Housing; liên kết các module lại với nhau; liên kết bản mạch với module, các đầu nối chất làm mát; đậy nắp pack và cuối cùng là kiểm tra.

Công đoạn cuối cùng là sạc pack và lưu kho thành phẩm. Pack pin sau khi lắp ráp có dung lượng (SOC) khoảng 17%. Theo yêu cầu từ phía khách hàng là nhà máy lắp ráp ô tô của VinFast, pack cần có dung lượng 40~50% SOC, do vậy tại đây các pack pin sẽ được sạc lên trong khoảng 40% đến 50% bằng phương pháp sạc chậm. 

Việc sạc chậm không phát sinh nguồn nhiệt lớn, đảm bảo an toàn cho pack pin. Ngoài ra nhiệt độ trong nhà xưởng sẽ luôn được duy trì trong khoảng từ 18oC ~ 27oC đảm bảo cho pack pin trong quá trình sạc. Sản phẩm đầu ra công đoạn: Pack pin hoàn chỉnh đã có năng lượng khoảng 50%.

 Nguồn: Báo cáo từ Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Bản thuyết trình cho biết, tại dây chuyền sản xuất vỏ pack pin và dây chuyền đóng gói pack pin khi lắp ráp sản xuất mỗi công đoạn đều có kiểm tra cuối công đoạn, nếu có lỗi thì phân tích lỗi và xử lý ngay theo quy trình xử lý lỗi trong từng công đoạn. 

Tất cả các dữ liệu về quá trình sản xuất, kết quả kiểm tra, hay kết quả sửa chữa đều được lưu trên hệ thống, có thể trích xuất nguồn gốc của từng nguyên liệu được quy định (Cell, bản mạch…).

Sản phẩm trước khi lưu kho thành phẩm đều được kiểm tra hoàn toàn 100%, qua kiểm duyệt mới được coi là một sản phẩm hoàn chỉnh.

Quy mô nhà máy VinES Hà Tĩnh lớn đến đâu?

Sản phẩm của dự án là pack pin cung cấp cho các dòng ô tô điện và bus điện của VinFast với công suất 100.000 bộ pack pin/năm. Tức cần khoảng 24 triệu cell pin mỗi năm. 

VinES Hà Tĩnh cho biết thời gian đầu, cell pin sẽ được nhập từ các đối tác nước ngoài như: Hàn Quốc, Trung Quốc,… Khi dự án Nhà máy sản xuất cell pin đi vào hoạt động sẽ là nguồn cung cấp cell pin cho dự án.

Số lượng lao động làm việc tại nhà máy là 1.000 người, trong đó, công nhân vận hành là 900 người (300 người/ca, ngày 3 ca), nhân viên văn phòng là 100 người (ngày một ca). Một ca kéo dài 8 giờ đồng hồ.

 Bên trong nhà máy VinES Hà Tĩnh. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Hà Tĩnh).

Dự án VinES Hà Tĩnh được xây dựng trên tổng diện tích 12,6 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.784 tỷ đồng, do Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã: VIC) làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng một nhà xưởng, kho nguyên vật liệu, kho thành phẩm với tổng diện tích xây dựng là 81.900 m2 , quy mô 1-2 tầng. Nhà xưởng chính, kho nguyên vật liệu, kho thành phẩm được xây dựng hợp khối tập trung.

Tại nhà xưởng chính, kho nguyên vật liệu, kho thành phẩm bố trí các khu chức năng gồm: Khu đóng gói pin LFP (22.002,5 m2); Khu hàn vỏ Pack (18.900 m2); Khu đúc (17.870 m2); Kho nguyên vật liệu đúc hàn (3.570 m2),…

Khu văn phòng được xây dựng trên diện tích 1.080 m2 , quy mô ba tầng là nơi làm việc và cán bộ nhân viên văn phòng, quản lý hoạt động sản xuất.

Cập nhật tiến độ dự án

Ngày 16/2, tỉnh Hà Tĩnh cho biết nhà đầu tư đã hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục dự án và đang triển khai lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất. 

Các loại máy móc chuẩn bị cho quá trình sản xuất pin đã được Tập đoàn Vingroup vận chuyển về nhà máy để tiến hành lắp đặt. Dự kiến tháng 3/2023, nhà máy sẽ hoàn thành khâu lắp đặt hệ thống máy móc và đưa vào vận hành thử.

Nhà máy sản xuất Pin VinES cùng với Nhà máy liên doanh sản xuất pin VinES – Gotion (nhà máy pin thứ hai của Vingroup đang được đầu tư xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng) là bước đi quan trọng trong việc thực hiện chiến lược pin “3 chân kiềng” của Vingroup: mua pin từ các nhà sản xuất tốt nhất thế giới - hợp tác với đối tác để sản xuất các pin tốt nhất thế giới - tự nghiên cứu và phát triển sản xuất pin.

Đức Huy