Ngôi sao sàn UPCoM: Lợi nhuận đứng thứ 16 trên toàn thị trường, thu gần 7.000 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết năm 2022
Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM – Mã: VEA) hiện đang xếp thứ ba trong nhóm có vốn hóa top đầu thị trường UPCoM với gần 50.500 tỷ đồng hết phiên 17/3, chiếm 5,2% tỷ trọng của sàn, chỉ xếp sau ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và VGI của Viettel Global.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam được thành lập vào năm 1990 với 12 nhà máy động cơ. Ngành kinh doanh chính của VEAM là sản xuất động cơ và máy móc nông nghiệp và VEAM được xem là là một trong những công ty nội địa lớn nhất trong ngành này tính theo doanh thu. VEAM cũng sản xuất và buôn bán xe tải.
Tháng 8/2016, VEAM đưa gần 150 triệu cổ phần chào bán ra công chúng thu về hơn 2.100 tỷ đồng. Đến tháng 1/2017, VEAM chuyển sang công ty cổ phần với số vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay. Trong đó, phần sở hữu lớn nhất thuộc về Bộ Công Thương (88,47%). Ngày 2/7/2018, VEAM chính thức đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM.
Đóng góp chính vào lợi nhuận là nguồn thu từ công ty liên doanh, liên kết
Về hoạt động kinh doanh, VEAM tập trung vào ba trụ cột chính động cơ và máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, doanh thu thuần của VEAM liên tục đi lên và đạt đỉnh vào năm 2018 với trên 7.000 tỷ đồng. Từ năm 2019 trở đi, doanh thu của VEAM có dấu hiệu giảm sút.
Theo VEAM, sự phát triển của ngành ô tô đặc biệt là ô tô tải có ít khả năng bùng nổ do chính sách hạn chế tiêu dùng (thuế, phí cao) dẫn đến việc hoạch định phát triển của tổng công ty khó khăn.
Thực tế, kết quả lợi nhuận sau thuế từ năm 2019 trở đi của VEAM luôn lớn hơn doanh thu thuần, do lợi nhuận chính của VEAM đến từ phần lãi thu được từ các công ty liên doanh, liên kết dao động 5.000 tỷ - 7.000 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2022, VEAM ghi nhận 6.984 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết giúp doanh nghiệp lãi sau thuế kỷ lục 7.672 tỷ đồng kể từ khi công bố báo cáo tài chính, tăng 32% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VEAM đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng lợi nhuận trên sàn chứng khoán .
Sau khi mở cửa đất nước, các doanh nghiệp nước ngoài phải hợp tác với doanh nghiệp nhà nước để tham gia vào thị trường Việt Nam, VEAM đã trở thành cổ đông của Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam vào năm 1995, sau đó là Honda Việt Nam vào năm 1996.
Cuối năm 2022, tỷ lệ nắm giữ của VEAM tại Công ty Honda Việt Nam là 30%, 20% tại Công ty Toyota Việt Nam, 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam với tổng giá trị đầu tư ban đầu hơn 1.020 tỷ đồng.
Bên cạnh 3 công ty liên doanh lớn này, VEAM còn có 10 công ty liên doanh, các công ty con chuyên về phụ tùng, trong đó có 4 công ty chuyên về sản xuất sản phẩm cơ khí cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất xe máy như Honda, Yamaha và Piaggio.
Theo VEAM, hai công ty liên doanh liên kết là Honda, Toyota nói trên đem lại nguồn thu lớn cho tổng công ty và liên tục gia tăng thị phần. Nhưng kết quả của họ cũng tác động trực tiếp đến nguồn thu của các công ty thành viên khác thuộc VEAM.
Trong đại dịch COVID-19, thị trường ô tô trong nước đã rơi tự do bất chấp nỗ lực giảm giá, ưu đãi của các hãng và đại lý. Từ cuối năm 2021, nhờ quy định về mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất trong nước đồng thời nhu cầu bị dồn nén đã khiến tiêu thụ ô tô hồi sinh. Điều này có thể thấy qua việc nhiều đại lý ô tô đang niêm yết trên sàn như Haxaco, Savico hay City Auto đều báo lãi kỷ lục.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tiêu thụ ô tô tăng vọt sau COVID, nhiều đại lý xe hơi lãi kỷ lục năm 2022 22/02/2023 - 08:00
Tính đến cuối năm 2022, Honda vẫn chi phối thị trường xe máy với thị phần trên 80%, Toyota vẫn duy trì thị phần ô tô cao nhất thị trường với khoảng 22%. Việc kinh doanh thuận lợi của các hãng xe nói trên được dự báo vẫn sẽ là bệ đỡ lợi nhuận của VEAM trong thời gian tới.
47% tài sản là tiền, tiền gửi ngân hàng
Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của VEAM hằng năm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và luôn nằm trong top các công ty sở hữu nhiều tiền nhất cả ba sàn. Năm 2019, lượng tiền của VEAM trên 16.800 tỷ đồng và đứng top 4, xếp sau ACV, GAS, VIC.
Đến năm 2022, con số này đã giảm sút còn 12.886 tỷ (chiếm 47% tài sản) và không còn nằm trong top 10 doanh nghiệp có lượng tiền lớn nhất trên sàn chứng khoán. Khoản tiền này đã đem về cho VEAM hơn 800 tỷ tiền lãi ngân hàng năm 2022, cũng là nhân tố hỗ trợ thêm cho kết quả lợi nhuận của VEAM.
Trong khi đó, công ty chỉ đi vay ngắn hạn hơn 1.014 tỷ đồng từ các ngân hàng, chiếm gần một nửa tổng nợ phải trả. Công ty còn ghi nhận khoản nợ xấu hơn 667 tỷ với giá trị thu hồi chỉ 136 tỷ.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VEAM là 27.455 tỷ đồng, tăng gần 2.450 tỷ so với đầu năm, chủ yếu do khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết tăng gần 1.700 tỷ lên 6.826 tỷ.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 25.229 tỷ, trong đó vốn điều lệ là 13.288 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 11.713 tỷ đồng.
Kế hoạch niêm yết HOSE vẫn còn bỏ ngỏ
Từ năm 2018, VEAM đã có ý định xin chuyển 1,3 tỷ cổ phần niêm yết lên sàn HOSE. Thế nhưng câu chuyện vẫn chưa thể thành hiện thực do công ty không đảm bảo điều kiện “không có các yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán của hai năm liền kề liên tiếp” để lên HOSE.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo VEAM cho biết các vấn đề liên quan đến tồn tại phát sinh được nêu trong báo cáo kiểm toán cần có thời gian để xử lí, giải quyết, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định.
"Ban lãnh đạo VEAM xác định việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là mục tiêu dài hạn và sẽ kiên trì theo đuổi", ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị thông tin.
Theo báo cáo mới nhất được kiểm toán là báo cáo soát xét bán niên 2022, kiểm toán tiếp tục đưa ra kết luận ngoại trừ với một số vấn đề của VEAM như những báo cáo trước.
Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY cho biết tại ngày cuối tháng 6/2022, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu quá hạn thanh toán gần 166 tỷ đồng. Các bằng chứng thu thập được không đảm bảo tính đầy đủ và thích hợp để kiểm toán có thể đánh giá được khả năng thu hồi, sự cần thiết phải trích lập dự phòng.
Bên cạnh đó, VEAM trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 214 triệu đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn đọng chậm luân chuyển là 129 tỷ. Kiểm toán cho biết không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng thích hợp để đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được một cách hợp lí, cũng không thể thực hiện các thủ tục thay thế để xác định giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần phải trích lập hay liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không.
Ngoài ra, kiểm toán cũng không thu thập được các bằng chứng thích hợp để đánh giá về khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai liên quan đến một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị 387 tỷ (là chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động từ năm 2015) đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Kiểm toán còn nêu các vấn đề nhấn mạnh liên quan đến giá trị đầu tư vào Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư tài chính Thái Bình Dương với giá trị 40 tỷ đồng, dự án sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung đang tồn đọng.
Thị trường xe ô tô bùng nổ với Toyota dẫn đầu thị phần
Sự tăng trưởng của VEAM phụ thuộc nhiều vào thị trường ô tô Việt Nam. Năm 2022 đã trở thành năm bản lề ghi dấu sức tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường xe hơi Việt với tổng dung lượng xe toàn ngành đã bán ước đạt hơn 500.000 xe.
Toyota hiện đang đứng đầu cả nước về thị phần xe ô tô với 22% cập nhật đến năm 2022.
Chứng khoán Bảo Việt dự báo, ba liên doanh của VEAM gồm Toyota, Honda và Ford sẽ đạt sản lượng 157.835 chiếc năm 2023, tăng 4,8% so với năm ngoái.
Chuyên gia kỳ vọng doanh số ô tô sẽ phục hồi rõ ràng hơn trong nửa cuối năm, nhờ cải thiện các điều kiện vĩ mô (tâm lý người tiêu dùng tốt hơn và lãi suất thấp hơn).
Tình trạng thiếu chip ô tô và gián đoạn chuỗi cung ứng khả năng cũng sẽ không ảnh hưởng tới thị trường ô tô nửa cuối năm 2023, SSI Research đánh giá.
Thị trường xe máy dần bão hòa, Honda vẫn nắm áp đảo
Doanh số của các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha trong 2022 đạt hơn 3 triệu xe, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, Honda vẫn đang nắm áp đảo với gần 81% thị phần.
Bên cạnh nhu cầu của người dân phục hồi, năng lực sản xuất của dây chuyền lắp ráp xe máy nội địa cũng góp phần đẩy doanh số xe máy tăng mạnh trong năm 2022.
Chứng khoán Bảo Việt kỳ vọng doanh số xe máy của Honda sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023, chủ yếu nhờ hiệu ứng nền thấp, và áp lực tăng trưởng sẽ rơi vào nửa sau của năm. Các nhà phân tích dự báo doanh số xe máy Honda trong 2023 giảm 4,1% so với cùng kỳ còn 2,3 triệu chiếc.
Từ những thống kê những năm qua, giới chuyên gia trong ngành đánh giá thị trường xe máy tại Việt Nam đang có xu hướng bắt đầu bước sang giai đoạn bão hòa khi số lượng ô tô có xu hướng tăng nhanh. Đặc biệt, trong thập kỷ tới, ô tô sẽ là phương tiện được ưa chuộng và dần thay thế xe máy theo xu hướng phát triển đi lên của đất nước.
Bộ Công Thương cũng dự đoán, đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao khoảng 800 - 900.000 xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần sẽ giảm dần.