Ngôi sao sàn UPCoM: Vốn hoá xếp thứ 6 toàn thị trường, sở hữu gần 33.000 tỷ tiền mặt, chủ đầu tư siêu dự án gần 5 tỷ USD
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) là một trong những ngôi sao sáng của UPCoM cả về vốn hoá thị trường và tình hình kinh doanh. ACV có hơn 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tính tới hết phiên 15/3 ACV là doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất thị trường UPCoM với khoảng 182.211 tỷ đồng và chiếm 18,8% tỷ trọng của sàn.
Thậm chí nếu so sánh quy mô vốn hoá với những doanh nghiệp top đầu trên HOSE thì ACV chỉ xếp sau Vietcombank, BIDV, GAS, Vingroup, Vinhomes.
Dù có quy mô vốn hoá đứng top trên thị trường song những vướng mắc liên quan tới cổ phần hoá đã kìm chân khiến ACV vẫn chưa thể niêm yết trên HOSE.
Kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE của doanh nghiệp có từ năm 2017, dự kiến hoàn tất trong năm 2019. Tuy nhiên, sau 4 năm, câu chuyện chuyển sàn vẫn nằm trên giấy.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ông Vũ Thế Phiệt - Tổng Giám đốc ACV cho rằng, câu chuyện chuyển sàn vẫn đang ở khâu tiến hành quyết toán cổ phần hoá. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã kiện toàn ban chỉ đạo cổ phần hoá và tiếp tục hoàn thiện quyết toán vốn.
Liên quan tới tài sản khu bay, hiện cơ chế về quản lý tài sản đã có song việc đưa tài sản vào doanh nghiệp thì vẫn chưa và một số cơ chế tài chính đang trong quá trình hoàn thiện.
Tổng Giám đốc ACV cho biết sau khi hoàn thiện quyết toán cổ phần hoá, giải quyết các vướng mắc trong ý kiến ở báo cáo kiểm toán nói về khu bay, doanh nghiệp sẽ trình các cấp có thẩm quyền để thông qua việc chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE.
Quản lý 22 cảng hàng không dân dụng ở Việt Nam
Tại Việt Nam, ACV là đơn vị duy nhất được quản lý, khai thai thác các cảng hàng không dân dụng. ACV thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung và Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam.
Năm 2015, ACV cổ phần hoá và giao dịch UPCoM một năm sau đó. Năm 2018, Bộ GTVT chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại ACV về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2022, đơn vị này nắm giữ gần 95,4% vốn điều lệ tại ACV.
Tính đến cuối năm ngoái, ACV sở hữu một công ty con (CTCP Dịch Vụ Nhiên liệu Hàng Không Nội Bài với 60% vốn điều lệ) và 6 công ty liên doanh liên kết, chủ yếu hoạt động trong ngành hàng không.
Đồng thời, doanh nghiệp đang quản lý, đầu tư, khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ) và 13 cảng hàng không nội địa (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân).
Năm 2020, ACV được Chính phủ chọn làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Giai đoạn 1 là xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ có tổng mức đầu tư trên 109.111 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.
Dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư hơn 98.500 tỷ do ACV làm chủ đầu tư bao gồm: Hạ tầng chung; công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị ILS/DME…); sân đỗ tàu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hoá số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành cảng và các công trình phụ trợ khác.
Tuy nhiên, đầu tháng 3, ACV đã kiến nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án thành phần 3 từ năm 2025 sang năm 2026. Vướng mắc về việc chưa lựa chọn nhà thầu của gói thầu số 5.10 "Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" quy mô hơn 35.000 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến ACV phải lùi thời gian hoàn thành dự án thành phần 3. Do đây là gói thầu quan trọng, quyết định tiến độ của dự án.
Về tiến độ dự án Long Thành, tính tới ngày 13/3, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 với tổng diện tích gần 2.455 ha/2.532 ha. Phần diện tích 77,23 ha còn lại UBND Đồng Nai dự kiến hoàn thành bàn giao trong tháng 3/2023.
Đối với hai tuyến đường kết nối sân bay, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng tuyến số 1 trong tháng 5/2023 và tuyến số 2 trong tháng 6/2023.
Lao đao vì đại dịch nhưng vẫn lãi lớn hàng năm nhờ doanh thu tài chính
ACV từng lao đao với dịch COVID-19 khi thị trường hàng không gần như “đóng băng” trong giai đoạn 2020 - 2021. ACV lần đầu lỗ ròng 354 tỷ đồng vào quý II/2020 và ghi nhận mức lỗ ròng kỷ lục 855 tỷ vào quý III/2021.
Tuy nhiên, lợi nhuận cả năm 2020, 2021 của ACV vẫn tăng trưởng dươngnhờ khoản doanh thu tài chính bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng và khoản lãi chênh lệch tỷ giá. Đây chính là quân “át chủ bài” cứu nguy cho ACV trong giai đoạn khó khăn, nhất là khi các quốc gia chưa “mở cửa” lại bầu trời.
Tuy nhiên, so sánh với năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19, mức lợi nhuận này đã suy giảm mạnh khi lãi ròng năm 2020, 2021 của ACV chỉ bằng lần lượt 1/5, 1/10 kết quả năm 2019.
Sang năm 2022, nhiều quốc gia chấp thuận việc "mở cửa" lại bầu trời khiến thị trường hàng không ấm dần lên sau thời gian dài ngưng trệ. Tổng hành khách thông qua các cảng hàng không của ACV năm 2022 đạt 99 triệu khách, tăng 228% so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế là 12 triệu khách cao gấp gần 23 lần so với cùng kỳ, khách nội địa là 87 triệu khách, tăng 194% so với cùng kỳ. Tổng hạ cất cánh 658.000 lượt chuyến, tăng 125% so với năm 2021.
Nhờ thế, luỹ kế cả năm 2022, ACV ghi nhận 13.834 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 7.122 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,9 lần và 9 lần so với năm trước. So với kế hoạch năm đặt ra, doanh nghiệp vượt 34% mục tiêu doanh thu, vượt 244% chỉ kế hoạch lợi nhuận.
Sở hữu lượng tiền mặt đứng thứ 3 thị trường cuối năm 2022
ACV được biết là một trong những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt top đầu trên thị trường chứng khoán. Tại ngày 31/12/2022, ACV xếp thứ ba trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp có lượng tiền mặt, tiền gửi ngắn hạn lớn nhất trên sàn chứng khoán với gần 33.000 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi có kỳ hạn, chiếm 55% tổng tài sản. Lượng tiền này chỉ đứng sau Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) với 34.593 tỷ đồng và Tổng công ty khí Việt Nam (Mã: GAS) với 34.275 tỷ đồng.
Với lượng tiền mặt dồi dào, hàng năm ACV thu về trên nghìn tỷ từ lãi gửi ngân hàng. Đỉnh điểm năm 2020, khoản lãi ngân hàng đem về cho ACV 2.147 tỷ. Năm 2022, ACV thu về 1.617 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.
Nguồn tiền dự trữ lớn và dòng tiền ổn định tạo thuận lợi cho ACV trong hoạt động triển khai các dự án đầu tư sắp tới, giảm phụ thuộc vào nguồn nợ vay và nâng cao vị thế khi đàm phán với các tổ chức tín dụng
Trong báo cáo cáo mới nhất về ACV, Chứng khoán VCBS dự báo, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp có thể sụt giảm trong năm 2023 do tài trợ cho dự án sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Nợ phải trả của doanh nghiệp khoảng 16.232 tỷ đồng vào cuối năm 2022, giảm 6% so với đầu năm.
Ngày 31/12/2022, dư nợ vay bằng đồng yên Nhật của ACV ghi nhận gần 11.200 tỷ đồng với khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 2.365 tỷ đồng, đóng góp hơn 55% doanh thu tài chính của ACV. VCBS cho rằng sự hồi phục tỷ giá của đồng yên có thể làm gia tăng áp lực hạch toán chi phí tài chính cho ACV trong thời gian tới.
Triển vọng nào sau khi Trung Quốc mở cửa?
Một số công ty chứng khoán cho rằng, trong ngắn và trung hạn, triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam sẽ phụ thuộc lớn vào tiềm năng hồi phục của các đường bay quốc tế, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.
Thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19 (năm 2019), Việt Nam đón tới 5,8 triệu du khách Trung Quốc, chiếm gần 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Số khách này mang lại doanh thu hơn 5 tỷ USD cho các doanh nghiệp du lịch, chưa tính doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc.
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 từ 15/3.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đã mở cửa với du lịch Việt Nam nhưng đây chỉ là mở cửa theo đoàn, đón khách charter (khách đi theo nhóm hay theo đoàn) chứ không phải mở cửa hoàn toàn nên sẽ chỉ có các doanh nghiệp đón khách đoàn được hưởng lợi.
Thứ hai, do Trung Quốc đã thí điểm đợt 1 mở cửa cho 20 quốc gia nên nhu cầu đi du lịch của người dân bị nén lại trong hai năm COVID-19 đã một phần được giải toả. Việt Nam nằm trong nhóm thí điểm đợt 2 nên không được hưởng lợi như các quốc gia lân cận được mở cửa đợt 1.
SSI Research đánh giá mặc dù ban đầu quá trình phục hồi có thể chậm hơn, nhưng đơn vị phan tích này kỳ vọng sự phục hồi sẽ bùng nổ vào kỳ nghỉ hè năm 2023 (quý II - III/2023), với lượng hành khách đạt đỉnh vượt thời kỳ trước COVID ở một số điểm, trong khi mức phục hồi cả năm sẽ đạt khoảng 80% so với mức trước dịch COVID trong năm 2019 nếu xét về lượng hành khách quốc tế, tạo bước đệm cho sự phục hồi khách quốc tế hoàn toàn trong năm 2024 đối với Việt Nam.